Thứ lạ lẫm trên tăng T-62
Ngày càng có nhiều xe tăng T-62 của Nga xuất hiện dọc chiến tuyến ở Ukraine được khoác trên mình lớp trang bị hiện đại khá lạ lẫm đối với dòng xe tăng luống tuổi.
Một đoạn video lan truyền trên mạng xã hội tuần trước mô tả một chiếc T-62 với khối giáp phản ứng nổ, lồng chống máy bay không người lái và máy cày mìn gắn phía trước.
Chiếc xe tăng 60 tuổi nâng cấp được cho là thuộc về một trong các binh đoàn Nga được triển khai ở phía đông Ukraine.
Phiên bản xe tăng 42 tấn dành cho kíp lái 4 người này có giáp phản ứng nổ mà các kỹ thuật viên dường như mượn từ xe tăng T-90 hiện đại, cùng với ống ngắm dành cho xạ thủ 1PN96MT-02.
Về nhược điểm, những chiếc T-62 vẫn trang bị động cơ diesel 620 mã lực nguyên bản, yếu hơn so với với động cơ xe tăng hiện đại. T-62 cải tiến cũng sẽ khiến bản thân chúng nặng hơn và chậm hơn.
Hình ảnh xe tăng T-62 của Nga được cải tiến.
Câu hỏi đặt ra là tại sao quân đội Nga ở Ukraine lại trang bị giáp và thiết bị rà phá bom mìn cho những chiếc T-62 cũ kỹ, đã vậy còn đánh đổi bằng tính cơ động của xe tăng.
Theo Forbes, mọi xe tăng trên chiến tuyến dài 1.000km ở Ukraine, dù là của Nga hay Ukraine, đều dễ bị tấn công bằng pháo binh, máy bay không người lái và đặc biệt là mìn.
Vấn đề này đặt ra câu hỏi về khả năng sinh tồn của xe tăng. Sau khi mất đi một nghìn chiếc xe tăng tốt nhất trong vài tháng đầu tiên của cuộc xung đột và chật vật tăng cường sản xuất xe tăng mới, Điện Kremlin dường như đã rút hàng trăm chiếc T-62 ra khỏi kho để nâng cấp và cử chúng tới tiền tuyến ở miền nam Ukraine.
Vào mùa thu năm 2022, các lữ đoàn Ukraine phản công đã tiêu diệt hàng chục chiếc T-62 chưa được nâng cấp và bắt giữ hàng chục chiếc khác.
Người Ukraine đã chuyển đổi một số chiếc T-62 thành phương tiện kỹ thuật và hỗ trợ bộ binh, nhưng họ cũng bàn giao một số xe tăng cho các lữ đoàn bảo vệ lãnh thổ sử dụng.
Hào quang xưa cũ
Tám tháng trước, Kênh 5 của Ukraine đã phỏng vấn kíp lái một chiếc T-62 cũ của Nga. Họ có vẻ không thích chiếc xe cũ kỹ này. Một thành viên cho biết: "T-62 là hào quang xưa cũ của Thế chiến II".
Đội vận hành than phiền về việc xe tăng thiếu radio hiện đại. Lính lái thì sững sờ vì chỗ ngồi chật hẹp: "Nó rất chật". Nhận thức về những khuyết điểm của xe tăng cũ, nhóm đặt biệt danh hài hước là "Leopard 2" – ám chỉ những chiếc xe tăng hiện đại do Đức sản xuất mà Ukraine nhận được từ các đồng minh nước ngoài.
Leopard 1A5
Hãy so sánh khoảng 200 xe tăng Leopard 1A5 cổ điển của những năm 1980 mà các đồng minh Ukraine cam kết viện trợ. Xe tăng này có tổ lái bốn người, nặng 40 tấn. Dù kém tuổi hơn bất kỳ chiếc T-62 nào nhưng Leopard 1A5 cũng không còn quá mới mẻ.
Dẫy vậy, những chiếc Leopard 1A5 lại rất thoải mái cho kíp lái bốn người và được bảo trì tốt ở Châu Âu.
Ưu thế về tình trạng và công thái học của Leopard giúp ích cho nhóm chiến đấu. Quan trọng hơn, cỗ máy này vận hành bền bỉ từ ngày này qua ngày khác, tuần này qua tuần khác trong điều kiện khó khăn. Đặc biệt là điều kiện ẩm ướt, lạnh và lầy lội.
Các tổ lái T-62 của Nga được cho là không hài lòng vào năm ngoái, nhiều người trong số họ đã bỏ xe vì không muốn hoạt động trong chiếc tăng chật chội, kém thoải mái, được cải biến chưa tới và thiếu các thiết bị cơ bản như radio hiện đại.
Nhưng thứ gì cũng có nhược điểm và ưu điểm. Leopard 1 mặc dù giữ được nguyên trạng tốt nhưng vẫn có ít nhất một khuyết điểm lớn: lớp giáp mỏng đến mức đáng lưu tâm, khi chỉ dày bằng một nửa lớp giáp tốt nhất trên T-62.
Để giúp những chiếc Leopard 1A5 có thể sinh tồn trên chiến trường, người Ukraine có lẽ cũng nên làm theo cách của người Nga với lô T-62 cũ, ưu tiên cho xe tăng lắp thêm giáp phản ứng nổ, lồng chống máy bay không người lái và thiết bị rà phá bom mìn.