Trận đấu của... thủ môn

HUY ĐĂNG |

3/4 đội bóng vào đến bán kết đã vượt qua những loạt sút luân lưu đầy căng thẳng và họ đều sở hữu các thủ môn siêu hạng về khả năng cản phá các quả 11m.

Trận đấu của... thủ môn - Ảnh 1.

Từ trái qua: thủ môn Martinez, Livakovic, Bounou - Ảnh: Reuters

Những cú sút 11m, những pha cứu thua để đời của các thủ môn luôn có một chỗ đứng trong ngôi đền huyền thoại của World Cup. Và tại World Cup 2022, yếu tố đó càng được đề cao hơn nữa.

Nỗi sợ bao trùm

Dù đủ mạnh để đánh bại mọi đối thủ trong 90 phút thi đấu chính thức nhưng tuyển Pháp cũng đã mướt mồ hôi cho đến trước thời điểm Harry Kane thực hiện pha "bắn chim" trong lần sút phạt đền thứ hai của trận tứ kết.

Trước đó, sau khi dứt điểm thành công quả phạt đền đầu tiên (giúp tuyển Anh gỡ hòa Pháp 1-1), Kane đã nâng tỉ lệ sút 11m thành công ở World Cup lên 64,7%.

Nhưng sau lần sút hỏng kế đó, tỉ lệ này lại tụt xuống còn 63,4% (33 thành công trên tổng số 52 quả sút 11m bao gồm cả luân lưu ở World Cup 2022).

Thủ môn Lloris của Pháp không cản phá cú sút của Kane, mà Kane tự hướng nó lên trời. Trong những tình huống như thế, áp lực tâm lý luôn được mang ra để lý giải.

Kane phải gánh chịu áp lực từ hơn 50 năm tay trắng của tuyển Anh, áp lực của một người đội trưởng, và có thể là cả áp lực ở một kỳ World Cup nơi những người gác đền là "vua".

Tỉ lệ sút hỏng 11m ở World Cup 2022 đang là 36,6%, cao hơn khá nhiều so với mức 30 - 31% của các kỳ World Cup khác (theo The Guardian).

Nhưng nếu xét đến tỉ lệ cản phá (thủ môn phải đẩy hoặc bắt được), chúng ta sẽ thấy sự gia tăng đáng ngạc nhiên hơn nữa.

Từ năm 1966 đến 2018, tỉ lệ thủ môn cản phá 11m vào khoảng 17%. Nhưng ở World Cup 2022, con số này tăng lên 26,9% (14 pha cản phá trên tổng số 52 cú sút).

Những người hùng ít tên tuổi

Điều thú vị là những thủ môn làm nên tỉ lệ cản phá 11m đó lại không quá tên tuổi.

Emiliano Martinez của Argentina là người xuất sắc nhất trong số này - được Transfermarkt định giá 25 triệu euro, chỉ xếp hạng 12 trong danh sách các thủ môn tham dự World Cup 2022.

Bounou - người hùng Morocco - chỉ có giá 15 triệu euro, xếp hạng thứ 16 và Livakovic (Croatia, 8,5 triệu euro) xếp hạng 24.

Nhưng họ đã cùng nhau tạo ra những màn trình diễn không tưởng. Trong trận thắng Tây Ban Nha, Bounou cản phá thành công hai quả 11m.

Đến trận gặp Bồ Đào Nha, anh lại tỏa sáng với ba pha cứu thua mười mươi, trở thành cầu thủ được Whoscored chấm điểm cao nhất trận đấu (7,98 điểm). Tính cả giải, chỉ mỗi trận thắng Canada là Bounou không có cơ hội cứu thua.

Với Livakovic, thủ môn 27 tuổi này chơi như lên đồng với 19 pha cứu thua trong 5 trận, chưa tính đến bốn lần anh cản phá 11m thành công trước Nhật Bản và Brazil.

Cộng cả hai chỉ số này, Livakovic đang là người cứu thua nhiều nhất ở World Cup 2022 và trở thành ứng viên sáng giá nhất cho danh hiệu "Găng tay vàng". Livakovic có thể sẽ trở thành "món hàng" được săn đón nhất sau World Cup.

Trong khi đó, thủ môn Martinez của Argentina từ lâu đã được xem là một chuyên gia bắt phạt đền.

Martinez không chơi quá hay trong các trận đấu trước đó, và ngay ở trận tứ kết gặp Hà Lan, anh cũng bắt khá tệ khi không cản phá được hai pha dứt điểm không quá khó của Weghorst. Nhưng rồi "người sẵn sàng chết vì Messi" đã tỏa sáng đúng vào lúc đội bóng cần đến anh nhất.

Hai ngày nữa, Martinez sẽ so tài Livakovic. Messi và Modric là những siêu sao số 1 của hai đội, nhưng có thể màn so tài giữa hai thủ môn siêu hạng này mới là chìa khóa giải quyết trận đấu.

Ba chuyên gia cản phá phạt đền

Trước khi tỏa sáng ở World Cup 2022, Martinez từng cứu được 10 quả phạt đền trong tổng số 33 lần anh phải đối mặt trong sự nghiệp (chưa bao gồm các lượt sút luân lưu) - đạt tỉ lệ 30,3%. Kế đó là Livakovic 25,9% (14/54) và Bounou 6% (13/50).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại