Đầu năm 2017, làng hài Việt Nam gặp phải khá nhiều thị phi. Không chỉ riêng khán giả, một số nghệ sĩ cũng lên tiếng cho rằng, hài Việt đang rơi vào lối mòn với những sản phẩm dễ dãi, kém chất lượng.
Là người làm việc lâu năm trong lĩnh vực phim hài, đạo diễn Trần Bình Trọng phủ nhận những ý kiến này.
Nhân vật răng vổ, nói ngọng không để đả kích ai
Là người trong nghề, anh có quan tâm tới những lùm xùm mà làng hài Việt gặp phải trong năm nay không?
Tôi cũng có nghe mọi người nhắc tới, nhưng không quan tâm lắm. Với vai trò 1 người làm hài, tôi tự thấy mình luôn có trách nhiệm với sản phẩm và với khán giả của mình.
Anh nghĩ sao về ý kiến cho rằng thị trường hài Việt Nam đang hết chất liệu làm hài khi đưa những chi tiết như răng vẩu, đời tư của diễn viên lên sân khấu để chọc cười?
Chúng ta phải xác định với nhau rằng làm hài là nhấn mạnh vào những chi tiết cường điệu, hư cấu và hài thuộc lĩnh vực giải trí. Mục đích cuối cùng của 1 tiểu phẩm hài là để khán giả thấy vui.
Nếu tôi có sử dụng các hình tượng như răng vẩu, nói ngọng thì đó chỉ là tạo hình của nhân vật chứ không phải là để châm biếm, đả kích ai cả.
Đạo diễn Trần Bình Trọng.
Trong phim Làng ế vợ của tôi đúng là có những nhân vật răng vổ, nói ngọng. Trong phim, 2 nhân vật này được xây dựng với tính cách khá đáng yêu. Tôi thấy đa phần khán giả đều tỏ ra thích thú, quý mến các nhân vật này và tôi tự hào vì điều đó.
Còn thực trạng làng hài đang đem cả chuyện sinh lý, chăn gối để chọc cười khán giả?
Tôi làm phim thì phải xây dựng các phân đoạn theo tiến trình tâm lý nhân vật. Hơn nữa, trước khi phát hành chúng tôi đều đã phải đưa sản phẩm đi kiểm duyệt, chỉnh sửa theo đúng yêu cầu của Cục Điện ảnh.
Nếu nó nhảm nhí hoặc quá lố thì đã bị Cục Điện ảnh cắt đi. Tôi cho rằng, nếu không xét tới cả câu chuyện mà chỉ chăm chăm soi vào 1, 2 tình huống trong bộ phim để đánh giá rằng nó nhảm nhí, nhạy cảm thì thật khiên cưỡng.
Khi làm ra 1 sản phẩm, ai cũng muốn làm cho nó đẹp, nó hay trong mắt khán giả chứ chẳng ai dại gì đi bôi bẩn nó để vừa không được cấp phép phát hành lại vừa làm ảnh hưởng đến hình ảnh của mình.
Trần Bình Trọng trong vai Cóc vổ - Làng ế vợ.
Thực tế, tôi thấy sản phẩm của các đồng nghiệp khác đều được đầu tư, chăm chút khá tốt, những gameshow cũng rất vui. Tôi nghĩ không nên đánh giá quá khắt khe như vậy.
Làm hài hay làm bất cứ điều gì cũng đều là để làm hài lòng khán giả. Nếu vẫn còn người xem, vẫn có người thích thú với những sản phẩm đó thì chẳng có lý do gì để lên án, chê bai sản phẩm đó cả.
Nhiều người cho rằng, hài Việt đang rơi vào tình trạng nhảm, nhạt và "cố đấm ăn xôi" khi người người làm hài, nhà nhà làm hài?
Để biết 1 sản phẩm là nhảm, nhạt như thế nào, theo tôi, chỉ cần nhìn vào lượt người xem những clip, những tiểu phẩm hài đó. Có những tiểu phẩm hài bị đánh giá là "nhảm lắm", nhưng lượt xem trên youtube lại rất lớn. Còn những thứ được đánh giá cao thì lại rất ít người xem.
Làm nghề phục vụ khán giả, cứ cái gì phục vụ được nhiều người, được nhiều người xem thì không thể đánh giá là nó nhảm hay nhạt được. Vì nếu nhảm, nhạt đã không ai xem cả!
" Hài và nghệ thuật là 2 lĩnh vực hoàn toàn khác nhau".
Châu Tinh Trì được mệnh danh vua hài nhảm nhưng cả thế giới xem...
Dường như anh rất chú trọng tới việc khán giả thích thú với sản phẩm của mình chứ không mấy bận tâm tới yếu tố nghệ thuật?
Quan niệm của tôi, đã xác định làm hài thì đừng đòi hỏi yếu tố nghệ thuật. Làm hài là làm giải trí, làm khán giả vui cười, còn làm nghệ thuật thì nó khác. Chúng ta cứ xác định với nhau, sản phẩm của tôi là sản phẩm giải trí chứ không phải sản phẩm nghệ thuật.
Trên thế giới, làng hài Trung Quốc có Châu Tinh Trì được mệnh danh là vua hài nhảm. Nhưng hài của anh ấy, cả thế giới phải xem đó thôi. Tại sao lại có chuyện như vậy, bởi dù nhảm nhí, phim hài của Châu Tinh Trì đã phục vụ được tiêu chí đem lại tiếng cười cho khán giả. Làm hài chỉ cần như thế!
Tất nhiên, ở 1 góc độ khác, nếu chúng ta có thể "cài cắm" thêm một vài chi tiết, một vài phân đoạn có tính nghệ thuật là điều rất tốt. Nhưng hài và nghệ thuật là 2 lĩnh vực hoàn toàn khác nhau. Nếu muốn 2 lĩnh vực này kết hợp với nhau sẽ chẳng khác nào đang cầm 1 đôi đũa lệch.