Trải nghiệm kinh hoàng của người đàn ông bị trăn anaconda siết chặt, cố nuốt sống

Gabe |

Nhà tự nhiên học Paul Rosolie đã trải qua những giây phút kinh hoàng thực sự khi một con trăn anaconda tấn công và muốn "ăn tươi nuốt sống"...

- Kỳ 1: Thế giới không chỉ có 1 loài anaconda, tất cả những giống còn lại đều rất đáng sợ

KỲ 2 - TRẢI NGHIỆM KINH HOÀNG: ĐỂ TRĂN NUỐT SỐNG

Trong gần 10 năm nghiên cứu về trăn anaconda ở Amazon, nhà nghiên cứu - bảo tồn Paul Rosolie, 27 tuổi, đã phải đối mặt với nhiều nguy cơ đến từ chính các đối tượng của mình.

Loài bò sát khổng lồ này được biết đến với chiều dài lên đến 30 feet (khoảng hơn 9m), nặng cả trăm cân và thường tấn công con mồi bằng bộ hàm khỏe mạnh của mình, nhưng vũ khí đáng sợ nhất của chúng lại chính là các cú siết chết người.

Và để phục vụ cho nghiên cứu của mình, Paul đã có một quyết định điên rồ khi chủ động để 1 con quái thú khổng lồ đó tấn công, cắn, siết thoải mái trong chương trình "Eaten Alive" trên kênh khoa học Discovery.

Trải nghiệm kinh hoàng của người đàn ông bị trăn anaconda siết chặt, cố nuốt sống - Ảnh 1.

Paul - Người ngoài cùng bên phải. Ảnh: OurValley.org

Sau quyết định này, những thông tin về màn nghiên cứu sắp tới lan đi khắp mọi nơi. Chỉ một tìm kiếm của Google về "Paul Rosolie Eaten Alive" đã thu được hơn 250.000 kết quả. Dự án cũng gây ra nhiều phản ứng dữ dội từ các nhà hoạt động vì quyền lợi động vật.

Rosolie thậm chí còn nhận được những lời đe dọa tiêu cực về việc này. Nhưng anh tin rằng những lo lắng, tranh cãi đó sẽ bị nhanh chóng bị dập tắt sau khi chương trình đặc biệt đó được phát sóng.

Quyết tâm điên rồ và hành trình song hành với tử thần

Rosolie sinh ra ở Wyckoff, New Jersey, lớn lên và bị mê hoặc bởi động vật hoang dã, đặc biệt là những loài rắn khổng lồ. Anh không muốn tiếp ngồi trong lớp học mà tâm trí thì ngoài thiên nhiên nên đã bỏ học phổ thông và bắt đầu dành tiền để đến Amazon năm 16 tuổi.

Paul đã nhận được GED (General Education Development - kỳ thi để lấy bằng tương đương cấp 3 của Mỹ. GED được công nhận trên toàn thế giới và dành để xác định chuyên ngành, các kỹ năng học thuật, và kiến thức trong các lĩnh vực chương trình bắt buộc thường sử dụng trong quá trình học tập suốt 04 năm THPT)

Trải nghiệm kinh hoàng của người đàn ông bị trăn anaconda siết chặt, cố nuốt sống - Ảnh 2.

Paul trong hành trình đi tìm quái thú anaconda. Ảnh: Discovery

Và bắt đầu nghiên cứu khoa học về môi trường tại Trường Cao đẳng Ramapo ở New Jersey. Đến năm 18 tuổi. Anh bắt đầu với vị trí nghiên cứu ở vùng Madre de Dios của Peru.

Michael Edelstein, giáo sư tâm lý học môi trường tại Ramapo, người đã dạy cho Rosolie, nói: "Cậu ấy không phải là học sinh kiểu truyền thống mà thường rất thích tìm hiều xung quanh. Đây là người có ý thức chính xác là trở thành một nhà thám hiểm, khám phá và đi vào tình huống đáng sợ nhất vì đam mê của mình".

Từ đó, không khó để nhận ra vì sao Paul lại sẵn sàng lao vào nguy hiểm để thực hiện bộ phim "Eaten Alive". Khi đó, anh và một đội hơn 10 người đã dành 60 ngày để leo núi, đi xuyên qua những khi rừng mưa Peru để tìm cho ra 1 con anaconda phù hợp.

Paul cho biết: "Bạn không thể tiến vào Amazon rồi cứ thế quay phim với anaconda! Chúng cực kỳ khó tìm ra. Và trước khi lần ra được chúng, nhóm của tôi đã phải đối mặt với muôn vàn nguy hiểm, từ cá sấu, lươn điện đến lũ lụt, côn trùng và cả những kẻ săn trộm".

Trải nghiệm kinh hoàng của người đàn ông bị trăn anaconda siết chặt, cố nuốt sống - Ảnh 3.

Họ may mắn tìm được 1 nàng anaconda. Ảnh: Discovery

Nhóm nghiên cứu gần như đã đi hết thời gian mà kênh Discovery dành cho chuyến thám hiểm này. May mắn sao, họ tìm được 1 con anaconda cái. Nó thực sự không di chuyển nhiều nhưng phải mất tới 12 người cùng "chiến đấu" dưới mặt nước mới bắt được con bò sát khổng lồ ấy!

Và tất nhiên, các nhà nghiên cứu luôn bảo đảm con rằng con trăn này đủ khỏe mạnh và thoải mái trong thời gian thực hiện chương trình.

a. Chuẩn bị

Tất nhiên không thể để Paul cứ thể mà đối đầu với 1 con trăn dài hơn 6m và nặng cả trăm kg. Anh được trang bị 1 quần áo bảo hộ đặc biệt được may bằng sợi cacbon, để chống lại sức ép cực lớn của con trăn anaconda (nó gần bằng việc để 1 chiếc xe buýt cỡ nhỏ trên ngực bạn).

Trải nghiệm kinh hoàng của người đàn ông bị trăn anaconda siết chặt, cố nuốt sống - Ảnh 4.

Bộ đồ bảo hộ đặc biệt của Paul. Ảnh: Discovery

Bộ đồ bảo hộ này còn được trang bị một nguồn cung cấp oxy đủ cho ba giờ đòng hồ, 1 thiết bị liên lạc và một số máy quay đặc biệt. Mọi trang thiết bị đều được tận dụng để đảm bảo an toàn cho Paul kể cả khi anh bị bất tỉnh.

Tuy nhiên, cả anh và đoàn nghiên cứu đều lo lắng cho sự an toàn của con trăn còn hơn bản thân mình! Họ cũng chuẩn bị mọi tình huống có thể để đảm bảo cho con vật khổng lồ này.

b. Thí nghiệm

Quá trình thực hiện bộ phim tài liệu Eaten Alive với quái thú Anaconda

Để đảm bảo con trăn anaconda sẽ tấn công và "ăn tươi nuốt sống" Paul thực sự, sau khi mặc đồ bảo hộ, họ bôi lên người anh máu lợn để chắc chắn mọi việc sẽ y hệt như trong thế giới hoang dã.

Paul bước đến và chầm chậm di chuyển, thu hút sự chú ý của con trăn. Ngược lại, không mất quá nhiều thời gian để nàng anaconda tấn công và siết chặt Paul vào lòng!

Đến lúc này, nhà nghiên cứu Paul với đam mê hết mình về động vật hoang dã đã tự mình cảm nhận chính xác sức mạnh của con quái thú anaconda! Như thói quen đi săn vốn có, anaconda chậm rãi siết chặt con mồi hơn sau mỗi nhịp thở!

Trải nghiệm kinh hoàng của người đàn ông bị trăn anaconda siết chặt, cố nuốt sống - Ảnh 6.

Con trăn không ngại ngần tấn công Paul. Ảnh: Discovery

Khi chúng ra tay, nạn nhân vẫn có thể thở ra bình thường, nhưng ngay lập tức chúng sẽ siết chặt "vòng vây", điều này khiến cho con mồi càng lúc càng gặp khó khăn hơn trong việc hít vào. Và như vậy, từng phút trôi qua, con đường dẫn đến cái chết lại càng gần hơn!

Con trăn anaconda tấn công mạnh vào phần đầu của Paul, miệng nó mở rộng ra và không mất nhiều thời gian cho đến khi mọi thứ xung quanh anh đen kịt. Nếu không có chiếc mũ bảo hiểm đặc biệt thì không biết được chuyện gì sẽ xảy ra.

Sau gần 1 giờ đồng hồ vật lộn với con quái thú, Paul bắt đầu cảm thấy nỗi đau, áp lực ngày 1 tăng lên nhiều hơn và chắc chắn rằng anh sẽ bị thương nghiêm trọng nếu vẫn cố tiếp tục. Dù đã mặc đồ bảo hộ nhưng cánh tay anh gần như sắp gãy trước lực siết khổng lồ.

Trải nghiệm kinh hoàng của người đàn ông bị trăn anaconda siết chặt, cố nuốt sống - Ảnh 7.

Con trăn dài khổng lồ. Ảnh: Discovery

Anh buộc phải yêu cầu hỗ trợ và đội nghiên cứu nhanh chóng tiếp cận, giải cứu Paul khỏi chiếc miệng đáng sợ của nàng trăn anaconda theo đúng nghĩa đen.

Dù đã song hành với tử thần trong gần 1 giờ đồng hồ nhưng Paul rất hài lòng đối với bộ phim tài liệu đầy kịch tính mà nhóm thực hiện.

Paul Rosolie nói: "Rõ ràng có những rủi ro khi làm việc với động vật hoang dã, nhưng nó hoàn toàn xứng đáng. Ngày nay, nhiều loài vật mang tính biểu tượng như hổ, voi, tê giác, cá voi và rất nhiều loài khác - chỉ còn sống vì người ta đang làm việc để bảo vệ chúng khỏi sự tuyệt chủng".

Và bộ phim này chính là sự cố gắng của Paul cùng đồng nghiệp để nâng cao nhận thức của mọi người về hoàn cảnh của các động vật hoang dã đang giảm nhanh chóng trên thế giới.

Chương trình này nhận được khá nhiều ý kiến trái chiều của những nhà hoạt động vì động vật trên thế giới nhưng không ai có thể phủ nhận nỗ lực tuyệt vời của Paul. Không phải ai cũng dám giơ đầu ra cho con quái thú khổng lồ nuốt chửng!

* Còn tiếp: Mời quý vị đón đọc bài tiếp theo vào 9h sáng thứ Tư, 16/8

- Kỳ 1: Thế giới không chỉ có 1 loài anaconda, tất cả những giống còn lại đều rất đáng sợ

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại