Đi ngược lại mong muốn của cha mình, Ernest Hemingway thuở còn đôi mươi đã tình nguyện tham gia vào quân đội Mỹ, gia nhập hàng ngũ quân y, chăm sóc những người lính bị thương trong Thế chiến thứ nhất (1914 – 1918). Một ngày đầu Thu năm 1918, Ernest Hemingway bị thương rất nặng ở chân.
Trong những ngày tháng tưởng chừng như cái chết cận kề, chàng trai trẻ đã viết thư về cho gia đình. Nội dung bức thư có đoạn như sau: "Việc từ giã cõi đời thật là một điều dễ dàng. Con như nhìn thấy cái chết ngay trước mắt mình. Nếu có điều gì đó dễ dàng ở trên đời này thì chết đi chính là điều con đang cảm thấy thế..."
Vài năm sau, Ernest Hemingway trở về quê nhà sau khoảng thời gian được chữa trị tại bệnh viện ở Milan (Ý) và bắt đầu sự nghiệp viết tiểu thuyết. Trong cuốn truyện ngắn "The Snows of Kilimanjaro" (1936, tạm dịch: Tuyết rơi ở Kilimanjaro), ông đã kể lại trải nghiệm cận tử của mình khi thấy linh hồn rời khỏi thể xác, bay lên sau đó lại nhập vào cơ thể mình sau giây phút ông được các bác sĩ chữa trị vết thương thời Thế chiến.
Nhân vật trong câu chuyện "The Snows of Kilimanjaro" (Kilimanjaro là một ngọn núi lửa ở Tanzania) của Ernest Hemingway cũng trải nghiệm cận tử một cách kinh điển: Đầu tiên là bóng tối, sau đó là sự chấm dứt của nỗi đau. Ánh sáng ngập tràn khắp nơi và sau đó là một cảm giác yên bình bao trùm tất cả.
Theo các nhà khoa học, trải nghiệm cận tử (Near-death experience - NDE) được kích hoạt trong giai đoạn tính mạng một người bị đe dọa mạnh mẽ. Khi đó, cơ thể người đó bị tổn thương do chấn thương cùn (chấn thương vật lý), đau tim, ngạt, sốc...
Theo thống kế, cứ 10 bệnh nhân ngừng tim trong bệnh viện (sau đó sống lại qua hồi sức tim phổi) đã trải nghiệm một giai đoạn như vậy. Hàng ngàn người sống sót sau những tình huống như vậy đã thấy mình như lạc vào một cõi vượt ra ngoài sự tồn tại hàng ngày, không bị giới hạn bởi ranh giới thông thường của không gian và thời gian. Những trải nghiệm mạnh mẽ, huyền bí này có thể dẫn đến sự biến đổi vĩnh viễn của cuộc sống của họ.
Ảnh minh họa: Brian Stauffer / Scientific American
Các bệnh nhân trải qua NDE đều kể lại cùng một câu chuyện: Họ thấy mình không còn đau đớn, cơ thể nhẹ bẫng, nhìn thấy ánh sáng rực rỡ ở cuối đường hầm và các hiện tượng thị giác khác, tách ra khỏi cơ thể của mình và trôi nổi trên nó, hoặc thậm chí bay vào không gian (trải nghiệm ngoài cơ thể).
NDE có thể là trải nghiệm tích cực hoặc tiêu cực. Nếu có người cảm giác yên bình, không đau đớn thì cũng có những trường hợp sợ hãi, bị lấn áp bởi nỗi kinh hoàng dữ dội, nỗi thống khổ, sự cô đơn và tuyệt vọng.
Bất kỳ sự trải nghiệm cận tử nào cũng nhắc nhở chúng ta về sự bấp bênh và mong manh của cuộc sống; và rằng ranh giới giữa sự sống và cái chết thực sự rất mỏng manh.
Tiến sĩ Mỹ Raymond A. Moody, Jr.
Người đầu tiên đưa ra thuật ngữ "trải nghiệm cận tử" trong tác phẩm "Life after Life".
Trải nghiệm cận tử bắt đầu thu hút sự chú ý của công chúng vào cuối thế kỷ 20 sau những công trình của các bác sĩ và nhà tâm lý học. Trong đó nổi bật nhất là Tiến sĩ Raymond A. Moody, Jr. (1944) - một nhà triết học, tâm lý học, bác sĩ người Mỹ - lần đầu tiên đưa ra thuật ngữ "trải nghiệm cận tử" trong cuốn sách thuộc hàng best-seller của mình "Life after Life" (1975).
Kế đó là Giáo sư tâm thần học người Mỹ Bruce M. Greyson, tác giả của cuốn "Sổ tay trải nghiệm cận tử" năm 2009.
"Thách thức của các nhà khoa học là giải thích trải nghiệm cận tử trong khuôn khổ tự nhiên. Là một nhà khoa học chuyên nghiên cứu về cơ thể và não bộ ở người, tôi quan tâm đến NDE bởi nó tạo thành một loại ý thức hiếm có của con người.
Có một sự thật rằng, những trải nghiệm như vậy được gán với sự kiện thần bí, tâm linh, là một nhà khoa học, tôi vận hành theo giả thuyết rằng tất cả những suy nghĩ, ký ức, sự chấp nhận và trải nghiệm của chúng ta là hậu quả không thể chối cãi của năng lực nhân quả tự nhiên của não bộ chứ không phải bất kỳ sự kiện siêu nhiên nào" - Tác giả bài báo viết trên Scientific American.
Sự kỳ lạ của não bộ: Vùng đất chưa được khám phá hết
Cần phải nhớ rằng, NDE đã xuất hiện, tồn tại cùng chúng ta mọi lúc, trong mọi nền văn hóa và trong tất cả mọi người, trẻ và già, gái và trai. Đó là một trải nghiệm được kể lại bởi một người suýt chết hoặc đã bị chết lâm sàng và được cứu sống.
Vào năm 1791, đô đốc người Anh Sir Francis Beaufort (1774 - 1857), người được lấy tên để đặt cho Thang sức gió Beaufort, đã kể lại trải nghiệm của ông sau lần gần như bị chết đuối. Về sau ông nhớ lại thế này:
Một cảm giác bình yên lan tỏa khắp cơ thể trong lúc tôi cảm tưởng mình tuyệt vọng nhất. Tôi cũng không đau đớn. Có cảm giác như mọi giác quan đã chết, đã tê liệt nhưng tâm trí không như vậy. Tôi bắt đầu chuyến du hành ngược thời gian của mình, trở về với ký ức tuổi thơ, thời trai trẻ... tất cả diễn ra như một cuốn phim quay ngược. Không thể tưởng tượng được là cụm từ để miêu tả lúc ấy từ bất cứ ai đã từng là chính mình trong tình huống tương tự.
Một trường hợp khác được ghi nhận vào năm 1900, khi bác sĩ phẫu thuật người Scotland Sir Alexander Ogston (người phát hiện ra tụ cầu khuẩn - Staphylococcus năm 1880) kể lại trải nghiệm NDE của mình như sau:
"Tôi ý thức được cơ thể như một khối bất động; nó thuộc về tôi, nhưng không phải tôi. Tôi ý thức được rằng linh hồn mình đã rời khỏi cơ thể. Tôi bắt đầu lạc vào thế giới của đầy rẫy những sự đáng sợ, những ký ức tồi tệ ào ạt kéo đến. Và mặc dù tôi biết rằng cái chết đang lơ lửng, ở ngày trước mặt nhưng tôi lại không cảm thấy sợ hãi về sự kết thúc đó. Tôi thấy mình lang thang bên dưới bầu trời u ám rồi đột nhiên mọi thứ xáo trộn khi tôi bị kéo trở lại thân xác mình..."
Gần đây, nhà văn người Anh Susan Blackmore đã nhận được một báo cáo từ một người phụ nữ từ đảo Síp đã phẫu thuật cắt dạ dày khẩn cấp vào năm 1991:
"Vào ngày thứ tư sau ca phẫu thuật đó, tôi bị sốc và bất tỉnh trong vài giờ... Mặc dù nghĩ là bất tỉnh, nhưng tôi nhớ, trong nhiều năm sau đó, toàn bộ cuộc trò chuyện chi tiết trôi qua giữa bác sĩ phẫu thuật và bác sĩ gây mê. Tôi đang nằm trên cơ thể của chính mình, hoàn toàn không đau đớn và nhìn xuống chính bản thân mình với lòng thương xót cho nỗi đau đớn mà tôi có thể nhìn thấy trên khuôn mặt. Sau đó... tôi trôi đi nơi khác, trôi về phía một khu vực tối tăm, nhưng không đáng sợ, giống như rèm cửa và cảm thấy hoàn toàn yên bình. Đột nhiên, tất cả đã thay đổi, tôi trở lại cơ thể một lần nữa, nhận thức được sự đau đớn một lần nữa."
Một người được cho là chết đi khi chức năng não không thể hồi phục. Khi não bị thiếu lưu lượng máu (thiếu máu cục bộ) và oxy (anoxia), bệnh nhân sẽ ngất xỉu trong một phút và điện não đồ của họ (EEG) trở thành đẳng điện. Điều này ngụ ý rằng hoạt động điện phân bố không gian quy mô lớn trong vỏ não, lớp ngoài cùng của não, đã bị phá vỡ.
Tâm trí - có cơ chất là bất kỳ tế bào thần kinh nào - vẫn có khả năng tạo ra hoạt động điện, thực hiện những gì nó luôn làm: Nó kể một câu chuyện được định hình bởi kinh nghiệm, trí nhớ và kỳ vọng của con người.
Đối với người trải qua nó, NDE giống như mọi thứ mà tâm trí tạo ra trong quá trình thức dậy bình thường. Khi toàn bộ não đã ngừng hoạt động vì mất điện hoàn toàn, tâm trí bị dập tắt, cùng với ý thức. Nếu và khi oxy và lưu lượng máu được phục hồi, não sẽ khởi động và dòng chảy trải nghiệm sẽ được phục hồi lại.
Trải nghiệm ngoài cơ thể (thoát xác) là một trong những biểu hiện của trải nghiệm cận tử. Ảnh minh họa: John Custer / New York Times
Các nhà khoa học đã ghi hình, phân tích và mổ xẻ sự mất mát và phục hồi tiếp theo của ý thức ở những người Mỹ được đào tạo thành phi công thử nghiệm và các phi hành gia NASA trong máy ly tâm thời Chiến tranh Lạnh.
Với lực hấp dẫn gấp khoảng 5 lần, hệ thống tim mạch ngừng cung cấp máu cho não và phi công bị ngất. Khoảng 10 đến 20 giây sau khi các lực G lớn này ngừng hoạt động, ý thức trở lại, kèm theo một khoảng thời gian nhầm lẫn và mất phương hướng tương đương (các đối tượng trong các thử nghiệm này rõ ràng rất phù hợp và tự hào về khả năng tự kiểm soát của mình).
Kết quả, nhưng người tham gia thử nghiệm đều kể lại rằng: Họ có cảm giác thức dậy trong trạng thái giống như bị bóng đè (bao gồm bị tê liệt một phần hoặc hoàn toàn cơ thể); Đi kèm với đó là cảm giác bình yên, trôi nổi; Trải nghiệm ngoài cơ thể (thoát xác); Nhìn thấy những giấc mơ ngắn ngủi nhưng mãnh liệt, liên quan đến các cuộc trò chuyện với các thành viên trong gia đình....
Nhiều nhà thần kinh học đã ghi nhận sự tương đồng giữa NDE và ảnh hưởng của một lớp các sự kiện động kinh được gọi là động kinh cục bộ phức tạp. Những điều này phù hợp với ý thức suy giảm một phần và thường được tập trung vào các vùng não cụ thể ở một bán cầu.
Tronng cuốn tiểu thuyết thế kỷ 19 "Chàng ngốc" của đại văn hào Nga Fyodor Dostoevsky đã miêu tả cơn động kinh của hoàng thân Myshkin, nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết rằng:
Trong cơn động kinh của mình, hay đúng hơn là ngay trước chúng, Myshkin luôn trải qua một hoặc hai khoảnh khắc khi cả trái tim, tâm trí và cơ thể của anh ta dường như thức dậy ngập tràn sức sống và ánh sáng; khi đó, anh ta trở nên tràn đầy niềm vui và hy vọng, và tất cả những lo lắng của anh dường như bị cuốn trôi mãi mãi..
Hơn 150 năm sau, các bác sĩ phẫu thuật thần kinh có thể tạo ra cảm giác ngây ngất như vậy bằng cách kích thích một phần điện của vỏ não gọi là insula ở bệnh nhân động kinh có điện cực được cấy vào não. Kích thích chất xám ở những nơi khác có thể kích hoạt những trải nghiệm ngoài cơ thể hoặc ảo giác thị giác.
Tại sao tâm trí phải trải qua cuộc đấu tranh để duy trì hoạt động của nó khi đối mặt với việc mất lưu lượng máu và oxy là tích cực và hạnh phúc thay vì hoảng loạn vẫn còn bí ẩn.
Có lẽ những trải nghiệm ngây ngất như vậy là phổ biến đối với nhiều dạng chết miễn là tâm trí vẫn minh mẫn và không bị mờ đục bởi thuốc phiện hoặc các loại thuốc khác được dùng để giảm đau.
Đối với các nhà khoa học, não bộ người là cơ quan bí ẩn nhất, phức tạp nhất mà họ chưa thể khám phá, giải mã hết.
Bài viết sử dụng nguồn: Scientific American
* Đọc bài cùng tác giả Trang Ly tại đây.