Trải lòng của nữ nhân viên chạy bàn mất người yêu vì ca kíp

N.L |

Ngoài những áp lực trong công việc, các nhân viên chạy bàn gần như không có thời gian nghỉ ngơi. Nếu làm ít, họ sẽ không đủ tiền trang trải cuộc sống. Còn nếu tăng ca, họ sẽ phải hy sinh thời gian để chuyên tâm cho công việc.

Chị Hồng Nhung có 8 năm theo nghề chạy bàn cho một quán ăn tại Hà Nội kể: "Dù đã 32 tuổi, nhưng suốt thời gian theo nghề, tôi không có thời gian yêu đương, tìm hiểu.

Cũng bởi, không ai chấp nhận yêu một cô gái như tôi. Nhiều khi, bố mẹ khuyên tôi tìm việc mới, nhưng lỡ theo nghề thì khó có thể bỏ được".

Cũng theo chị Hồng Nhung, làm công việc ở ngành dịch vụ, thời gian biểu trái khoáy là điều không tránh khỏi. Chị kể: "Tôi đi làm tối nào cũng đến 11h đêm mới về, không có thời gian cho bản thân, cũng chẳng thể hẹn hò. Sau nhiều lần cãi nhau, bạn trai tôi đã chia tay để đi tìm cuộc tình mới".

Trải lòng của nữ nhân viên chạy bàn mất người yêu vì ca kíp - Ảnh 1.

Làm chạy bàn gần như không có thời gian nghỉ ngơi.

Chị Hồng Nhung cho hay, thu nhập 8 triệu đồng/tháng nhưng chị phải chi tiêu rất nhiều khoản. Vì thế, chị phải thường xuyên tăng ca mới đảm bảo được cuộc sống của mình. Tới nay, 32 tuổi nhưng chị Hồng Nhung vẫn cô đơn lẻ bóng, tất cả cũng vì chị không có thời gian để yêu.

Bạn Hoàng Thu Huyền (Nam Định) hiện đang làm nhân viên chạy bàn cho một nhà hàng hải sản ở Cầu Giấy buồn bã: "Mình đã 28 tuổi, làm chạy bàn cũng được 7 năm nay.

Mình cũng vừa chia tay người yêu cách đây 1 tháng... Anh ấy muốn mình nghỉ việc để cùng vào Nam lập nghiệp, nhưng mình không chịu. Anh sợ, mình làm vất vả, không có thời gian cho gia đình. Hơn nữa, bố mẹ anh lại không muốn con dâu phải vất vả, bươn chải như thế".

Cũng theo Huyền, chính việc phải lựa chọn giữa tình yêu và công việc mưu sinh, cô đã dừng lại. Một phần, cô cảm nhận người yêu không hiểu và thông cảm cho mình.

Còn Thanh Thảo (Lạng Sơn), có 2 năm chạy bàn cho hay, để công việc làm thêm không ảnh hưởng đến học tập, cô đã phải rất cố gắng để cân bằng. Thời gian cho việc nghỉ ngơi, vui chơi hầu như không có.

Thanh Thảo chia sẻ: "Để có thể nhận được những đồng tiền lương thật sự không dễ dàng, tôi đã phải trả bằng những giọt mồ hôi, đôi khi là cả nước mắt. Có những ngày quá đông khách, tôi không thể lê nổi bước chân, khi đó, làm việc gì cũng chậm chạp, năng suất kém... Không ít lần, tôi bị quản lý mắng, chửi khi làm sai, thậm chí dọa trừ lương, cho nghỉ việc".

Cũng có không ít trường hợp, những bạn sinh viên mải miết với việc kiếm tiền, kèm theo đó là những áp lực trong việc học tập dẫn đến chán học rồi bỏ học để kiếm tiền.

Trải lòng của nữ nhân viên chạy bàn mất người yêu vì ca kíp - Ảnh 2.

Với Thanh Thảo đi làm là để trải nghiệm.


Trần Hoàng Sa (quê ở Hà Tĩnh), từng là sinh viên trường đại học Thể dục- Thể thao Hà Nội chia sẻ: "Do áp lực kinh tế nên tôi phải đi làm thêm để có tiền học hành, vì thế, tôi bị cuốn vào công việc lúc nào không hay biết.

Cũng mải chú tâm làm việc, kiếm tiền nên kết quả học tập của tôi sa sút và rồi tôi phải nghỉ học giữa chừng".

Đồng cảnh ngộ, Bảo Nam (SN 1990, Hà Nam), tốt nghiệp khoa Báo in trường học viện Báo chí Tuyên truyền ngậm ngùi chia sẻ:

"Thời gian đầu, tôi làm chạy bàn cho một khách sạn lớn, lương thưởng cũng tốt nên tôi cứ thế đắm chìm theo nó. Giờ đây, khi đã làm quản lý nhà hàng, tôi càng không thể rời ra được".

Nhiều lúc, Bảo Nam cũng muốn được bắt đầu lại từ đầu, nhưng việc đó dường như quá khó khăn. Anh đã mất đi cảm nhận của một sinh viên, anh không thể viết, cũng như không thể diễn đạt được suy nghĩ của mình...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại