Trung Quốc hiện có kế hoạch xây dựng các tuyến đường sắt và đường cao tốc xuyên qua dãy Himalaya vào Nepal. Những dự án đầy tham vọng này có thể cho phép Bắc Kinh thâm nhập sâu hơn vào Nam Á và tăng cường ảnh hưởng ở "trước cửa nhà" của Ấn Độ.
Song song với lo lắng của Ấn Độ về việc Trung Quốc mở rộng dự án Vành đai và con đường ở Nepal thì chính nội bộ Nepal cũng lo ngại giữa hai phạm trù "phát triển kinh tế" hay "bẫy nợ ngoại giao" trong đầu tư của Trung Quốc.
Vào tuần trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến thăm lịch sử tới Nepal. Hai nước đã ký kết 20 thỏa thuận song phương nhân dịp này với điểm sáng là hành lang Himalaya: Xây dựng tuyến đường sắt xuyên biên giới từ Tây Tạng đến thủ đô Kathmandu và chặng cuối là Lumbini, cũng như xây dựng một tuyến đường xuyên núi từ Kathmandu đến Gyirong (thuộc khu tự trị Tây Tạng). Lumbini là một thị trấn biên giới gần Ấn Độ và Gyirong là một thị trấn gần biên giới Trung Quốc.
Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng ở Nepal
Giáo sư Mrigendra Bahadur Karki thuộc Trung tâm nghiên cứu châu Á và Nepal, Đại học Tribhuvan nhận định: "Đây là thay đổi mang tính hình thức trong lịch sử của đất nước chúng tôi Trước đây, chúng tôi thường nhìn về hướng Nam, nhưng bây giờ, sau chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình, chúng tôi đã mở cửa về phía Bắc".
Ông Tập Cận Bình là nhà lãnh đạo TQ đầu tiên đến thăm Nepal sau 23 năm. Ảnh: MofaNepal
Nepal là một quốc gia nhỏ trong đất liền, nằm kẹp giữa Trung Quốc và Ấn Độ, hai láng giềng lớn ở châu Á và từ lâu được coi là bước đệm cho cả hai nước. Nhưng Nepal đang bắt đầu gần gũi với Bắc Kinh và hy vọng sẽ nhận được đầu tư từ Trung Quốc. Trung Quốc cam kết phát triển các dự án kết nối, cung cấp thay thế các tuyến đường cho Nepal, nhằm giảm phụ thuộc vào Ấn Độ.
Ông Tập Cận Bình là nhà lãnh đạo Trung Quốc đầu tiên đến thăm Kathmandu sau 23 năm. Phát biểu trong chuyến thăm, ông Tập cho biết, "cần tích cực thúc đẩy xây dựng mạng lưới viễn thông đa chiều xuyên qua dãy Himalayas", để giúp Nepal thực hiện giấc mơ từ "quốc gia khóa trong lục địa" thành "quốc gia liên kết lục địa".
Theo VOA, các chính phủ tiền nhiệm của Nepal lo ngại về vấn đề "bẫy nợ ngoại giao" nên luôn thể hiện thái độ thận trọng trước các điều kiện của Trung Quốc nhưng kể từ khi ông Khadga Prasad Sharma Oli đắc cử Thủ tướng Nepal, chính phủ đương nhiệm đã tăng cường mối quan hệ kinh tế với Bắc Kinh. Ông thậm chí đã khôi phục dự án thủy điện trị giá 2,5 tỷ USD được xây dựng bởi một công ty Trung Quốc đã bị chính phủ trước đó đình chỉ với lý do vi phạm quy định quốc gia.
Dự án đường sắt xuyên Himalaya luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt ở Nepal. Nepal luôn muốn giảm sự phụ thuộc vào New Delhi. Dự án đường sắt này kéo dài 72 km này được coi là một thách thức kỹ thuật lớn nhưng Nepal lạc quan tin rằng Bắc Kinh có khả năng làm được điều đó.
Một số quan điểm ủng hộ khẳng định, dự án liên thông sẽ đem lại lợi ích cho Nepal, có thể kết nối với nền kinh tế khổng lồ của Trung Quốc, thúc đẩy vận chuyển và lưu thông giữa hai nước, đồng thời giúp Nepal trở thành trung tâm trung chuyển giữa hai nền kinh tế lớn nhất khu vực.
Tuy nhiên, cũng có luồng ý kiến thể hiện sự lo lắng trước sự hợp tác này. Giáo sư Karki phân tích: "Trung Quốc sẽ cung cấp khoản vay ưu đãi cho chúng tôi nhưng Nepal là quốc gia có nền kinh tế nghèo, chúng tôi có thể trả được nợ không vẫn còn là một vấn đề. Cộng đồng, xã hội và các đảng phái chính trị ở Nepal vẫn còn mâu thuẫn về vấn đề này".
Một ví dụ thường được nhắc đến chính là trường hợp của Sri Lanka. Sau khi Trung Quốc xây dựng xong một cảng biển, Sri Lanka không đủ tiền trả nợ nên buộc phải bàn giao quyền vận hành cảng biển cho Bắc Kinh, tạo cho Trung Quốc một chỗ đứng chiến lược ở Ấn Độ Dương, gần bờ biển Ấn Độ.
Giới quan sát Nepal cũng chỉ ra rằng, Trung Quốc đang gia tăng ảnh hưởng về ý thức hệ đối với đảng cầm quyền ở Nepal. Tháng trước, hai đảng cầm quyền ở Trung Quốc và Nepal đã tổ chức một cuộc hội thảo về "Tư tưởng Tập Cận Bình" tại thủ đô Kathmandu.
Trong khi đó, phía Ấn Độ luôn lên án sáng kiến Vành đai và con đường của Bắc Kinh bởi theo các nhà phân tích, đối với New Delhi, Nepal vẫn chịu ảnh hưởng của nước này nhưng dấu ấn của Trung Quốc ngày càng mở rộng ở Nepal khiến Nepal đang dần rời xa Ấn Độ.
Theo các nhà phân tích, TQ đang cố gắng giảm ảnh hưởng của Ấn Độ ở Nepal. Ảnh: PTI
Ông Manoj Joshi tại Viện nghiên cứu giám sát ở New Delhi nói rằng: "Với ưu thế của Ấn Độ ở Nepal thì nếu Trung Quốc cũng có ảnh hưởng này, chắc chắn sẽ tác động đến vị thế của Ấn Độ. Trong bối cảnh Trung Quốc đang đầu tư vào Nepal và Pakistan thì đây là một động thái chiến lược chứ không phải động thái kinh tế".
Mặc dù Ấn Độ cũng cam kết sẽ xây dựng tuyến đường sắt thứ hai nối liền Bihar tới Kathmandu nhưng các chuyên gia cho rằng tốc độ thực hiện lời hứa của Ấn Độ vẫn luôn rất chậm. "Ấn Độ không có nguồn tài chính đầu tư lớn mạnh như Trung Quốc, chúng tôi không có tiền để đầu tư vào các dự án", ôngJoshi nói .
Cho đến nay, tuyến đường sắt duy nhất ở Nepal là tuyến đường sắt dài 35 km nằm ở đồng bằng phía nam, do Ấn Độ xây dựng. Do đó, các nhà phân tích cho rằng quốc gia nhỏ bé lạc hậu về kinh tế như Nepal đang cần nhanh chóng nâng cấp cơ sở hạ tầng và đây là các cơ hội rất hấp dẫn cho Trung Quốc.
Người bản địa bất an
Ngoài cam kết xây dựng tuyến đường sắt xuyên dãy Himalaya, những thỏa thuận đạt được giữa Nepal và Trung Quốc sau chuyến thăm của ông Tập còn là việc cử giáo viên người Trung Quốc sang Nepal.
Theo tờ Bưu điện Kathmandu, Trung Quốc sẽ cử khoảng 100 giáo viên sang dạy tiếng Trung Quốc tại các trường công lập ở Nepal. Điều này khiến một số chuyên gia Nepal và quốc tế cảm thấy bất an và cho rằng, đây là một cách tiếp cận mới của Trung Quốc, cố gắng kiểm soát chặt chẽ hơn quốc gia láng giềng bên dãy Himalaya.
Tờ này dẫn lời quan chức chính phủ nói rằng, việc phổ cập tiếng Trung Quốc sẽ thu hút khách du lịch Trung Quốc và thúc đẩy nền kinh tế nhưng không phải ai cũng tin điều này.
Tiếng Trung Quốc dự kiến sẽ được phổ biến ở Nepal nhằm thu hút du khách TQ và thúc đẩy kinh tế nhưng không phải ai cũng tin điều đó. Ảnh: AFP
Ông Kapil Shrestha, Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Tribhuvan thậm chí còn so sánh việc Trung Quốc phổ cập tiếng Trung ở Nepal rất giống với cách người Anh phổ cập tiếng Anh ở Ấn Độ vào thế kỷ 18, 19 và cho rằng, điều này sẽ mang đến hệ lụy lâu dài cho Nepal.
Ông Sumit Ganguly, Giáo sư tại Đại học Indiana, chuyên nghiên cứu về Nam Á, cũng nghi ngờ về kế hoạch phổ biến tiếng Trung ở Nepal.
"Tôi nghĩ rằng đội ngũ tinh anh của Nepal nên hiểu chính xác những gì đang xảy ra. Điều này rõ ràng cho thấy, Trung Quốc cố gắng vươn vòi vào Nepal", ông nói.
Tờ Bưu điện Kathmandu cho biết, 85 trường công lập và tư thục ở Nepal được cung cấp giáo trình tiếng Trung. Một số trường tư đã đưa tiếng Trung trở thành một khóa học bắt buộc, nhưng hiện nay công việc giảng dạy được thực hiện dưới sự điều phối của Học viện Khổng Tử do chính phủ Trung Quốc tài trợ.
Thời báo Nepal cũng cho hay, chính phủ Trung Quốc khuyến khích sinh viên Nepal học tập tại Trung Quốc, với khoản trợ cấp sinh hoạt hàng tháng là 360 USD. Tờ báo cho biết, năm 2017, 6.400 sinh viên Nepal đã sang Trung Quốc du học.
Giáo sư Ganguly nhận định, sáng kiến của Trung Quốc nhất định có liên quan đến cuộc chơi giữa các quốc gia lớn là Trung Quốc và Ấn Độ. Ấn Độ và Nepal vốn có quan hệ văn hóa và chính trị sâu sắc. Ông nói: "Một trong những mục tiêu chính [của Bắc Kinh] là giảm ảnh hưởng và dấu chân của Ấn Độ".
Do là một quốc gia không giáp biển nên Ấn Độ từ lâu đã là nguồn cung cấp thực phẩm, nhiên liệu và các nhu yếu phẩm khác cho Nepal. Năm 2015, hoạt động kinh doanh xuyên biên giới giữa hai nước đã bị gián đoạn trong bốn tháng, điều này gây ra tác động lớn đến mối quan hệ đặc biệt này. Ấn Độ cáo buộc rằng sự cố thương mại này xuất phát tình trạng bất ổn ở Nepal, và nhiều người Nepal vẫn bất mãn với Ấn Độ, điều này đã mang lại cơ hội cho Trung Quốc.
Giáo sư Shrestha thuộc Đại học Tribhuvan cho rằng, trải nghiệm đó khiến nhiều người Nepal cảm thấy rằng đất nước họ chỉ có thể nhận sự hỗ trợ từ Trung Quốc.
Ông nói: "Mỹ không còn là nhân tố toàn cầu quan trọng. Trong quá khứ, Mỹ không có nhiều lợi ích ở Nepal. Hiện nay, dường như các nước phát triển khác đang bận rộn với các vấn đề riêng thì Trung Quốc đã tận dụng cơ hội này".