TQ thử tên lửa đạn đạo siêu thanh mới thách thức Mỹ

BẢO ANH |

Loại tên lửa đạn đạo siêu thanh mới vừa được Trung Quốc thử nghiệm được đánh giá sẽ gây thách thức cho hệ thống đánh chặn tên lửa của Mỹ và đặt ra mối đe dọa cho các mục tiêu ở Nhật Bản và Ấn Độ.

Báo Diplomat (Nhật) dẫn các nguồn tin tình báo Mỹ cho biết quân đội Trung Quốc gần đây đã bí mật thực hiện hai cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo mới được trang bị thiết bị siêu thanh (HGV).

Tên lửa đạn đạo này có tên gọi là DF-17 (hay Đông Phong 17), là tên lửa tầm trung với tầm bắn khoảng 1.800-2.500 km. Hai vụ thử được tiến hành bởi lực lượng tên lửa chiến lược Trung Quốc vào ngày 1-11 và 15-11-2017.

TQ thử tên lửa đạn đạo siêu thanh mới thách thức Mỹ - Ảnh 1.

Sau khi được tên lửa đưa lên độ cao nhất định, thiết bị siêu thanh sẽ tách ra bay theo lộ trình riêng, di chuyển với tốc độ ít nhất là Mach 5. Ảnh: QQ

Trong đó, cuộc thử nghiệm hôm 1-11 là “vụ thử HGV đầu tiên trên thế giới sử dụng một hệ thống có thể được đưa vào thực chiến”. HGV trong đợt phóng ngày 1-11 được thiết kế đặc biệt cho tên lửa DF-17. Đợt thử nghiệm này được tiến hành tại trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền ở khu tự trị Nội Mông. Thiết bị đã rơi xuống vị trí cách mục tiêu chỉ vài mét.

Tên lửa này nhiều khả năng sẽ được đưa vào biên chế năm 2020. DF-17 được kỳ vọng sẽ mang được cả đầu đạn hạt nhân và thông thường, cũng như có thể nâng cấp để mang một loại vũ khí siêu thanh tiên tiến.

Nhật báo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP) ngày 1-1 gọi phiên bản trên là “tên lửa đạn đạo siêu thanh”. SCMP dẫn nhận định của các chuyên gia nói rằng thiết bị này sẽ không chỉ thách thức hệ thống phòng không của Mỹ, mà còn có khả năng tấn công chính xác các mục tiêu quân sự trên lãnh thổ Nhật Bản và Ấn Độ.

TQ thử tên lửa đạn đạo siêu thanh mới thách thức Mỹ - Ảnh 2.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc từng phát cảnh quay cho thấy một HGV được đưa vào một buồng thử nghiệm siêu thanh. Ảnh: SCMP

HGV là loại vũ khí không người lái được phóng ra từ tên lửa đạn đạo. Sau khi được tên lửa đưa lên độ cao nhất định, thiết bị này sẽ tách ra bay theo lộ trình riêng, di chuyển với tốc độ ít nhất là Mach 5 (gấp 5 lần vận tốc âm thanh).

Với khả năng di chuyển ở tốc độ cao, các tên lửa đánh chặn của đối phương sẽ không có đủ thời gian để phá hủy trước khi HGV nhắm trúng mục tiêu đã định.

Song Zhongping, một cựu thành viên của Quân đoàn pháo binh số 2 trực thuộc Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA), cho biết thiết bị siêu thanh HGV có thể được dùng cho nhiều loại tên lửa đạn đạo khác nhau, trong đó có cả tên lửa đạn đạo xuyên lục địa với tầm bắn ít nhất 5.500 km.

Ông cũng cho biết nhiều thiết bị HGV có thể được dùng cho tên lửa DF-41 của Trung Quốc, với tầm bắn ít nhất 12.000 km và có thể tấn công bất cứ địa điểm nào trên lãnh thổ Mỹ chưa đầy một giờ.

TQ thử tên lửa đạn đạo siêu thanh mới thách thức Mỹ - Ảnh 3.

Các chuyên gia quân sự cho biết HGV có thể được dùng cho nhiều loại tên lửa đạn đạo khác nhau. Ảnh: QQ

Trong khi đó, chuyên gia quân sự Antony Wong Dong tại Macau thì cho rằng với vận tốc cực nhanh, HGV cũng có thể được dùng để tấn công và phá hủy hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ.

Năm 2017, Hàn Quốc đã cho phép Mỹ lắp hệ thống này trên lãnh thổ của mình để đối phó mối đe dọa từ tên lửa Triều Tiên. Tuy nhiên, Bắc Kinh một mực phản đối vì cho rằng THAAD đe dọa tới an ninh Trung Quốc. “Các thiết bị HGV của Trung Quốc có thể phá hủy hệ thống THAAD nếu xảy ra chiến tranh giữa hai nước”.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc lần đầu tiên đưa tin về công nghệ HGV của nước này vào tháng 10. Trong đó, có cảnh quay một thiết bị HGV được đưa vào trong một buồng thử nghiệm siêu thanh.

Nhà phân tích quân sự Zhou Chenming tại Bắc Kinh nói rằng công nghệ HGV đã trở thành một phần trong chiến lược hạt nhân giữa ba nước Trung Quốc, Mỹ và Nga.

“So với các tên lửa đạn đạo truyền thống, HGV phức tạp và khó đánh chặn hơn nhiều. Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ sẽ lo ngại về những tiến triển trong công nghệ HGV của Trung Quốc vì nó có thể tấn công các mục tiêu nhanh và chính xác hơn, gồm các căn cứ quân sự ở Nhật và thậm chí các lò phản ứng hạt nhân ở Ấn Độ” – chuyên gia Zhou nói.

Cả hai chuyên gia Song và Zhou cho biết Mỹ, Nga cũng đang phát triển công nghệ HGV. Tuy nhiên, Mỹ đi chậm hơn so với Trung Quốc và Nga ở một số mặt vì Washington hiện tập trung nhiều hơn vào máy bay siêu thanh tiên tiến và trì hoãn việc phát triển HGV trong nhiều năm qua.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại