Trong bối cảnh một số quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng cung ứng thất thường nhiều sản phẩm do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, một bản báo cáo từ Ngân hàng HDFC (trụ sở tại Mumbai) hồi tháng Ba cho rằng Ấn Độ có thể thay thế Trung Quốc, trở thành nguồn cung ứng toàn cầu đối với nhiều loại mặt hàng.
Bản báo cáo với tiêu đề "Assessing the impact of the COVID-19" (Đánh giá tác động của dịch COVID-19" cho biết, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đã tìm đến Ấn Độ để hỏi về các mặt hàng dệt may, đồ gia dụng, gạch men, hàng kỹ thuật, đồ nột thất. Họ nằm trong số các bên đang tìm nguồn cung ứng thay thế Trung Quốc.
Bản báo cáo cũng lưu ý rằng, thay vì chỉ đóng vai trò là nơi lắp ráp, Ấn Độ nên phát triển một hệ sinh thái để có thể trở thành điểm đến sản xuất cho nhiều công ty trên thế giới.
Tuy nhiên, cơ chế điều phối, năng lực sản xuất hạn chế của Ấn Độ, cùng sự cạnh tranh đến từ phía các quốc gia trong khu vực như Việt Nam và Campuchia ở lĩnh vực sản xuất, sẽ là những thách thức lớn đối với Ấn Độ trên con đường trở thành nguồn cung ứng thay thế Trung Quốc.
Ấn Độ có thể thay thế Trung Quốc trở thành nguồn cung một số mặt hàng như hàng dệt may, đồ gia dụng... Ảnh minh họa: Apparel Views
Bên cạnh triển vọng trên, theo bản báo cáo, các ngành công nghiệp dược phẩm, điện tử, hàng tiêu dùng lâu bền, cũng như công nghiệp điện lực và xe hơi tại Ấn Độ dự kiến sẽ bị ảnh hưởng do sự gián đoạn nguồn cung trong đại dịch COVID-19.
Đề cập tới sự phụ thuộc quá mức của Ấn Độ vào nguồn cung nguyên liệu thô từ Trung Quốc, bản báo cáo cho biết "trong năm tài khóa 2019, các công ty Ấn Độ đã nhập khẩu tới 68% thành phần hoạt chất dược phẩm (API) từ Trung Quốc".
Ngoài ra, nước này cũng nhập khẩu từ Trung Quốc khoảng 40% máy móc và trang thiết bị điện lực.
Nói về tác động của dịch COVID-19 đối với nền kinh tế Trung Quốc, bản báo cáo cho biết: "Chúng tôi kỳ vọng mức tăng trưởng sẽ phục hồi dần từ quý 2 nếu tác động của virus được kiềm chế trong những tuần tới. Dự đoán mức tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2020 sẽ dưới 6%".
Theo số liệu vừa công bố của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, kinh tế nước này đã sụt giảm nghiêm trọng trong quý 1/2020, do các biện pháp ngăn chặn dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 khiến hoạt động kinh tế bị đình trệ.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc trong quý I/2020 đã giảm 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là lần tăng trưởng âm đầu tiên của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới kể từ khi số liệu GDP hàng quý bắt đầu được thống kê năm 1992.