Ấn Độ và Trung Quốc đã nổ ra cuộc đụng độ dẫm máu ở vùng Ladakh, Himalaya, dẫn tới thương vong cho cả hai phía.
Trước những diễn biến phức tạp ở Ladakh, Pháp cho biết nước này sẽ đẩy nhanh tiến độ chuyển giao các máy bay chiến đấu Rafale cho Ấn Độ.
Nhiều chuyên gia hàng không tại Ấn Độ tin rằng sự hiện diện của Rafale sẽ giúp tăng cường đáng kể năng lực chiến đấu của Không quân Ấn Độ (IAF). Tuy nhiên, theo các chuyên gia Nga (những người đề nghị được giấu tên), tiêm kích Pháp sẽ không mấy hữu dụng với Ấn Độ trong trường hợp nổ ra xung đột.
Mức giá "trên trời" của Rafale là một trong những lý do khiến mẫu chiến đấu cơ thế hệ 4++ của Pháp không hữu ích với Ấn Độ.
Trong thỏa thuận với Paris, New Delhi đã đồng ý mua 36 tiêm kích Rafale với tổng giá trị lên tới 7,87 tỷ euro, trong đó họ đã trả 242 triệu USD cho mỗi chiếc Rafale, biến nó trở thành mẫu chiến đấu cơ đắt đỏ nhất trên thế giới, ngang với những thiết kế hạng nặng hơn và tinh vi hơn nhiều đến từ Nga và Mỹ.
Các loại máy bay chiến đấu của Trung Quốc có nhiều điểm vượt trội so với Rafale. Ảnh: Daily Mail
Theo tờ Eurasian Times, giá của một chiếc Rafale đắt gấp khoảng 3 lần tiêm kích tàng hình thế hệ 5 J-20 của Trung Quốc. Nói cách khác, với 36 chiếc Rafale trong biên chế Không quân Ấn Độ, Trung Quốc có thể đáp trả bằng các tiêm kích tàng hình J-20 với số lượng lớn gấp 3 lần Rafale, trong khi chi phí như nhau.
Thậm chí ngay cả khi tính năng của máy bay chiến đấu Trung Quốc có thua kém Rafale ở một số khía cạnh đi chăng nữa thì Không quân Ấn Độ vẫn có nguy cơ bị áp đảo bởi cái gọi là "dùng thịt đè người".
Bên cạnh đó, Rafale sẽ gặp thách thức rất lớn nếu đụng độ các tiêm kích J-16 của Trung Quốc (bản sao của Su-35 Nga).
Tốc độ tối đa của Rafale là Mach 1.8, trong khi của J-16 là Mach 2.2. Trần bay của Rafale cũng thấp hơn J-16 và nếu xét về lực đẩy động cơ thì J-16 cũng vượt trội hơn nhiều so với tiêm kích Pháp.
Các chuyên gia Nga nhận định, ngay cả nếu IAF triển khai toàn bộ 36 chiếc Rafale mới mua thì ưu thế kỹ thuật vẫn sẽ nghiêng về phía Trung Quốc.
Hiện IAF đang được đặt trong tình trạng báo động cao ở Ladakh và đang giám sát chặt chẽ mọi hoạt động của Trung Quốc gần Đường kiểm soát thực tế (LAC). Ngoài Rafale, New Delhi đã ký thỏa thuận với Nga để mua 33 chiến đấu cơ mới (gồm 12 chiếc Su-30MKI và 21 chiếc MiG-29) và nâng cấp 59 chiếc MiG-29.
Bên cạnh đó, các hệ thống phòng không của cả Lục quân và Không quân Ấn Độ đều được triển khai tới Ladakh nhằm ngăn chặn bất cứ động thái đe dọa nào từ phía máy bay chiến đấu của Không quân Trung Quốc hoặc các trực thăng tấn công của Lục quân nước này.