Nội dung trên được BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM chia sẻ tại buổi tập huấn trực tuyến về đảm bảo an toàn tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em, sáng 26/10. Theo BS Hưng, việc chọn Quận 1 và huyện Củ Chi là những địa phương đầu tiên triển khai tiêm chủng ở trẻ dựa trên đề nghị từ Sở GD&ĐT TPHCM. Đây là hai địa phương gồm một quận nội thành và một huyện ngoại thành được chọn triển khai để đúc kết kinh nghiệm trước khi thực hiện tiêm chủng trên toàn Thành phố.
Theo BS Hưng, từ khi Bộ Y tế ban hành hướng dẫn các địa phương tiêm ngừa cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi, ngày 14/10 Thành phố đã có kế hoạch triển khai trên địa bàn. Sau khi Sở Y tế TPHCM gửi văn bản đề nghị Viện Pasteur TPHCM chấp thuận cho phép sử dụng vắc xin của Pfizer tiêm cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi và hướng dẫn, tập huấn chuyên môn, dự kiến hôm nay (26/10) Viện Pasteur sẽ trả lời về loại vắc xin được tiêm.
Trẻ em ở Quận 1 và huyện Củ Chi là 2 địa phương sẽ chích ngừa COVID-19 đầu tiên tại TPHCM
Bộ Y tế chưa có hướng dẫn chính thức sẽ sử dụng loại vắc xin nào để tiêm cho trẻ em. Tuy nhiên, theo BS Hưng vắc xin Pfizer là loại TPHCM đang có sẵn. Đây cũng là vắc xin được nhà sản xuất hướng dẫn tiêm cho trẻ em và nhiều quốc gia trên thế giới đã sử dụng vắc xin này chích ngừa cho trẻ.
“Hôm nay, chúng ta sẽ tiến hành rà soát lại và dự kiến ngày mai sẽ tiêm khởi động tại Quận 1 và huyện Củ Chi theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Dự kiến, trên toàn Thành phố sẽ chích mũi 1 trong tháng 10, thời gian tiêm diễn ra 5 ngày, sau khi đủ giãn cách sẽ tiếp tục tiêm mũi 2. Lợi ích của tiêm ngừa là vì sức khỏe của các cháu, đây là đối tượng vốn quý của xã hội, tạo điều kiện để sau khi tiêm trẻ có thể quay lại trường học" – BS Hữu Hưng nói.
Theo BS Lê Nguyễn Thanh Nhàn, Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến kiêm phụ trách phòng khám tiêm chủng Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM, tại Mỹ, nghiên cứu trên những trường hợp trẻ tiêm Pfizer đã được thực hiện để theo dõi các nguy cơ viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim ở 120.000 trẻ. Thực tế ghi nhận, trẻ nam bị viêm cơ tim sau khi tiêm mũi thứ 2 cao hơn so với trẻ nữ với tỷ lệ 60 trường hợp trẻ nam/1 triệu liều vắc xin, ở trẻ nữ là 8 đến 10 trường hợp/1 triệu liều vắc xin.
Tuy nhiên, phần lớn trẻ bị viêm cơ tim chỉ thoáng qua, hầu hết đều xuất viện sau điều trị. Theo dõi sát các diễn biến sức khỏe của trẻ sau khi chích ngừa để phát hiện những dấu hiệu bất thường để đưa đến bệnh viện là giải pháp được bác sĩ khuyến cáo.
Nghiên cứu của Mỹ đã chỉ ra, nếu chích ngừa cho 1 triệu trường hợp trẻ nữ thì sẽ ngăn chặn được 8.500 ca nhiễm, 180 ca phải nhập viện và 60 trường hợp diễn tiến nặng, tử vong. Ở trẻ nam nếu chích ngừa 1 triệu trường hợp thì ngăn chặn được 7.500 ca nhiễm, giảm 218 ca phải nhập viện và hơn 70 trường hợp diễn tiến nặng, tử vong.
Không tiêm vắc xin cho trẻ bằng mọi giá
Sáng 26/10, Sở Y tế TPHCM đã tổ chức buổi tập huấn trực tuyến về đảm bảo an toàn tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi.
BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế cho biết, Chiến dịch tiêm chủng sẽ không phân biệt trẻ em đang đi học hay ở nhà, trẻ em có hộ khẩu ở Thành phố hay trẻ em có hộ khẩu ở các tỉnh thành khác. Tất cả trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng đang sinh sống tại TPHCM đều được tiêm trong thời gian diễn chiến dịch và tiêm vét.
Dự kiến chiến dịch tiêm chủng sẽ triển khai cho 780.000 trẻ từ 12 đến 17 tuổi.
BS Hưng khẳng định: “Tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho trẻ đang nhận được sự mong đợi rất lớn của phụ huynh toàn Thành phố. Ngoài trách nhiệm, đây còn là tình thương và nỗ lực bảo vệ trẻ tránh nguy cơ lây nhiễm. Hoạt động tiêm chủng phải đảm bảo an toàn tiêm chủng vừa phải đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch của suốt chiến dịch tiêm chủng… Chúng ta không mạo hiểm tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho trẻ bằng mọi giá, việc tiêm chủng phải đảm bảo tất cả các tiêu chí an toàn, những điểm chưa an tâm, chưa đảm bảo an toàn cho các cháu thì sẽ chưa triển khai tiêm”.