Sau buổi trưa làm việc, nhóm bạn của chị Yến Nhi (24 tuổi, ngụ Q.1) hẹn nhau đi ăn cơm. Rảo qua nhiều con đường, các cô vẫn không tìm được hàng quán nào, quán có bán hàng thì đã hết từ sớm. “Mọi ngày, chỉ cần đi bộ vài bước là hàng quán đầy, nay lại vắng hoe, quán nào cũng “cửa đóng then cài” – chị Nhi than thở.
Con hẻm 384 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Q.3) ngày thường đồ ăn bán đầy ngõ, giờ vắng hoe. Dân văn phòng đến ăn trưa đều thất vọng quay về
Một con hẻm ăn uống ở Q.3 cũng "cửa đóng then cài"
Giữa cái nắng nóng bức của Sài Gòn, giới văn phòng đành tạt vào siêu thị mua gói mì ăn lót dạ. Bà Thịnh (chủ quán bún riêu trên đường Kỳ Đồng, Q.3) bộc bạch: “Hôm nay tôi bán hàng đến tầm 11h trưa thì hết. Vậy mà khách liên tục vào quán, mình phải từ chối rất nhiều. Hôm nay quán khai trương nên cũng không dám nấu nhiều, không ngờ khách lại đến đông đến vậy”.
Bảng thông báo nghỉ tết đến mùng 9 tết
Quán cơm tấm còn bận "ăn tết"
Con hẻm nhỏ 384 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Q.3) ngày thường hàng ăn đầy là vậy, nay cũng vắng hoe. Khu ăn uống Kỳ Đồng (Q.3), Nguyễn Văn Trỗi (Q.Phú Nhuận), đường 3/2 (Q.10)… cũng chỉ có vài hàng ăn mở cửa. Và giá ở các quán này đều tăng từ 10.000 – 15.000 đồng/món.
Anh Tùng (25 tuổi, nhân viên bán hàng Q.10) thở dài: "Ngày đi làm đầu năm, tôi tính rủ mấy người bạn ăn cơm nhưng đành thất vọng. Giữa trưa, phải chạy xe mấy gần hai cây số mới thấy quán ăn. Nhưng giá "chát" quá cũng mất vui".
Quán nào có bán hàng thì tấp nập khách
Quán lề đường được nhiều người chọn đến nhưng vẫn lo lắng về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm
Một quán cà phê đông khách buổi trưa
Chị Minh (nhân viên quán bánh ướt) cho hay: “Rau thịt hôm nay đắt lắm, chủ quán cũng phải tăng tiền thuê người làm sau tết nên phải nâng giá bán cho khách. Phải qua hết tháng Giêng này, hàng của chúng tôi mới trở về giá bình thường được”.