Giá nhà riêng trong hẻm/ngõ (gọi chung là nhà trong hẻm) tại TP.HCM trong tháng 8/2021 ở mức bình quân 98 triệu đồng/m2, mức giá này đã giảm so với các tháng “sốt nóng” vào tháng 4-5/2021, nhưng vẫn cao hơn so với hồi đầu năm nay.
GIÁ NHÀ TRONG HẺM CAO HƠN NHÀ MẶT TIỀN
Theo thống kê của Propzy, thời điểm tháng 8/2021, giá nhà trong hẻm trung bình tại quận 1 (231 triệu đồng/m2), quận 3 (191 triệu đồng/m2), quận 10 (183 triệu đồng/m2), quận Tân Bình (119 triệu đồng/m2), quận 12 (59 triệu đồng/m2), TP. Thủ Đức (63 - 84 triệu đồng/m2), huyện Bình Chánh (36 triệu đồng/m2).
Nhà trong hẻm tại các quận trung tâm của TP.HCM như quận 1, quận 3 có mức giá cao nhất, giá bình quân tại quận 1 là 231 triệu đồng/m2, quận 3 là 191 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên, các quận 3, quận 10, quận 6, quận 7, quận 12 giá nhà trong hẻm ổn định, không xê dịch nhiều kể cả tình trạng “sốt” đất xảy ra vào tháng 5 – 6/2021. Cụ thể, tại quận 10 quanh mức 180-184 triệu đồng/m2, quận 6 từ mức 103-106 triệu đồng/m2, quận 7 từ mức 88-89 triệu đồng/m2, quận 12, mức giá từ 59-60 triệu đồng/m2.
Đặc biệt, huyện Bình Chánh, nếu giá nhà trong hẻm đầu năm nay là 37 triệu đồng/m2, sau khi tăng lên 38 triệu đồng/m2, đến tháng 8 đã giảm còn 36 triệu đồng/m2.
Giá nhà trong hẻm tại TP.HCM trong vòng 1 năm qua - Nguồn: Propzy.
Quận có giá nhà trong hẻm biến động mạnh nhất trong những tháng đầu năm nay là quận Tân Phú. Nếu như vào tháng 1, giá tại quận này được giao dịch bình quân ở mức 96 triệu đồng/m2, đến tháng 4 nhảy vọt lên mức 242 triệu đồng/m2, cao hơn giá nhà trong hẻm tại quận 1.
Giá tiếp tục tăng mạnh lên mức 256 triệu đồng/m2 vào tháng 5, cao gấp 2,5 lần so với mức giá tại thời điểm tháng 6 là 100 triệu đồng/m2, và duy trì ở mức giá này đến tháng 8.
Một điều lạ, giá nhà mặt tiền tại quận Tân Phú lúc thị trường “sốt nóng” trong tháng 4 và tháng 5 cũng chỉ ở mức 140-141 triệu đồng/m2, tình trạng ngược thị trường này khiến giá nhà trong hẻm cao gần gấp đôi giá nhà mặt tiền tại quận này.
Tại quận 1 và TP. Thủ Đức, giá nhà trong hẻm cũng biến cũng động mạnh. Mức giá lên cao nhất tại quận 1 là 242 triệu đồng/m2 vào tháng 6, đến tháng 8, giá đã giảm về mức 233 triệu đồng/m2, cao hơn 2% so với hồi đầu năm nay.
Tại TP. Thủ Đức (gồm quận 2, quận 8, quận Thủ Đức), giá nhà trong hẻm có xu hướng tăng dần đều khi khu vực này được quy hoạch trở thành đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông thành phố. Hiện mức giá đang xoay quanh 63 – 84 triệu đồng/m2, tuỳ khu vực.
Cụ thể, quận 9 cũ, giá nhà đất tăng dần từ mức 63 triệu đồng/m2 hồi đầu năm lên mức 66 triệu đồng/m2 vào tháng 8. Quận Thủ Đức cũ giá tăng từ mức 66 triệu đồng/m2 lên mức 70 triệu đồng/m2. Quận 2 cũ giá tăng từ 76 triệu đồng/m2 lên mức 84 triệu đồng/m2 thời điểm hiện nay.
CHỜ THÁNG 10 "XUỐNG TIỀN"?
Nhận định về những "cơn sốt" đất của thị trường, ông Phan Công Chánh, Tổng giám đốc Phú Vinh Group, cho rằng mặt bằng giá bất động sản tại nơi "sốt" đất bị đẩy lên rất cao và đôi khi phi thực tế, tách biệt khỏi quy luật về giá cả, giá trị. Những người đã "xuống tiền" vào giai đoạn “sốt nóng” có thể phải chờ 10-15 năm để giá trị của bất động sản bằng với giá cả mà họ đã mua.
Đánh giá tình hình thị trường bất động sản hiện nay đang giảm và đã đến lúc mua chưa? Theo ông Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viên nghiên cứu Tin học và Kinh tế Ứng dụng, kênh bất động sản đang trầm lắng, nhà đầu tư vẫn quan sát và dòng tiền còn đang ở đâu đó, chưa đưa ra thị trường trong giai đoạn này.
Người bán và người mua phải chờ qua tháng 10. Các phương án chống dịch Covid-19 của TP.HCM hiệu quả thì cũng đến hết tháng 9 mới có thể tháo gỡ giãn cách và qua tháng 10 mới đi lại được. Bất động sản rất ít mua bán online, ngoại trừ những dự án chuẩn module như căn hộ, bất động sản nghỉ dưỡng... nhà đầu tư có thể tiếp nhận thông tin đầy đủ và chăm sóc tốt từ các sale.
Còn với đa phần bất động sản phổ biến hiện nay, người mua phải đến tận nơi để nắm bắt đầy đủ thông tin và "chốt" hợp đồng.