Đó là trường hợp bệnh nhi G.H. (7 tuổi, ngụ tại TP Hồ Chí Minh) mắc phải căn bệnh hiểm nghèo teo đường mật bẩm sinh và phải phẫu thuật khi mới được 1 tháng 21 ngày. Tuy nhiên, sau mổ, G.H. phải nhập viện nhiều lần vì nhiễm trùng đường mật, gan xơ, lách rất to gây cường lách.
Ca ghép gan cho bệnh nhi đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh được thực hiện bởi 100% y, bác sĩ Việt Nam.
Năm 2020, G.H. xuất huyết tiêu hoá, ói ra máu và tiêu phân đen 2 lần, bị suy dinh dưỡng do chức năng gan xấu, giảm tiểu cầu máu nặng, thường xuyên chảy máu mũi. Để có được cuộc sống bình thường, bé chỉ có một con đường duy nhất là được ghép gan.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2, mặc dù có nhiều khó khăn trong phẫu thuật ở bệnh nhi nhưng diễn tiến trong và sau mổ khá thuận lợi, cho kết quả thành công ban đầu. Sau hai tuần ghép gan, bệnh nhi ăn uống tốt; gan ghép đã được chấp nhận và hoạt động như một gan bình thường giúp bệnh nhi thay đổi từng ngày và dự kiến xuất viện cuối tháng 12. Người cho gan là bố bé đã xuất viện sau mổ 1 tuần.
TS. BS Phạm Ngọc Thạch, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, ca ghép gan cho bệnh nhi G. H. được thực hiện trong hoàn cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến vô cùng phức tạp nên việc liên hệ với các đối tác từ các chuyên gia nước ngoài vô cùng khó khăn. Do đó, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã phối hợp với Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh chủ động ghép gan cho bệnh nhi mà không cần sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài như các ca ghép gan trước đó.
“Đây là ca ghép gan thứ 15 tại bệnh viện và cũng là ca ghép gan thành công đầu tiên của bệnh viện với ê kíp toàn đội ngũ y, bác sĩ của Việt Nam. Ca ghép gan thứ 15 này đã đánh dấu một chặng đường của công tác tự chủ ghép gan nói riêng và ghép tạng nói chung tại bệnh viện. Từ đây, việc ghép gan sẽ được thực hiện thường xuyên hơn để cứu được nhiều hơn các bệnh nhi bệnh gan giai đoạn cuối hơn”, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 thông tin thêm.
Theo Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2, những năm qua, bệnh viện đã thực hiện ghép thận cho 20 ca, 15 ca ghép gan. Số ca ghép tạng hiện nay còn ít, nguyên nhân bắt nguồn từ khó khăn ở người cho tạng, nguồn tạng từ người cho sống chung huyết thống ít nhiều có nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, nguồn tạng từ người cho chết não nhiều khả quan nhưng nhận tạng ở trẻ em có nhiều khó khăn về hoà hợp mô tạng, kỹ thuật, chi phí...