TP.HCM đang tỏ ra khao khát có được Lee Nguyễn và đã đề nghị mức lương 800.000 USD/2 năm với cầu thủ này. Hiện Lee Nguyễn được cho là muốn nhận 1.000.000 USD/2 năm và đôi bên đang trong quá trình đàm phán. TP.HCM sẽ còn thời gian chờ Lee Nguyễn tới 22/2 khi phải chốt danh sách gửi lên VPF.
Nhận định về khả năng thành công của TP.HCM trong việc chiêu mộ Lee Nguyễn, một chuyên gia am hiểu bóng đá Việt Nam và châu Âu chia sẻ:
"Tôi nghĩ TP.HCM là CLB có tham vọng lớn. Tôi tin nếu họ muốn Lee Nguyễn về mà mức lương hiện chỉ chênh lệch 200.000 USD thì không phải vấn đề quá cần lưu tâm. Tôi nghĩ về vấn đề tài chính là ổn rồi. Điều một cầu thủ hay đại diện của họ muốn và CLB muốn bao giờ cũng khác nhau. Có thể họ sẽ đi vào một điểm giữa".
Tuy nhiên, khi được hỏi nếu về TP.HCM, liệu Lee Nguyễn có thể thành công về mặt chuyên môn hay không, chuyên gia này không mấy tin tưởng:
"Cậu ấy liệu có chơi tốt ở V.League hay không còn tùy thuộc vào thể lực của Lee Nguyễn là thứ nhất. Thứ hai, tôi nghĩ có thể sẽ hơi khó khi cậu ấy sắp bước vào tuổi 34 rồi, thêm hạ tầng cơ sở ở Việt Nam, rồi thời tiết cũng khác bên Mỹ. Tôi sẽ khó để thành công hơn cho Lee Nguyễn so với thời cậu ấy còn trẻ như khi khoác áo HAGL (2009-2010)".
Lee Nguyễn thời chơi cho HAGL và Công Phượng là cậu bé dắt tay cầu thủ.
Tất nhiên, về tổng thể nếu chiêu mộ được Lee Nguyễn, TP.HCM vẫn có nhiều cái lợi khác. Chuyên gia trên nhận định tiếp:
"Nhìn chung việc chiêu mộ Lee Nguyễn về vẫn là tích cực. Ở Việt Nam không có quá nhiều cầu thủ chất lượng và họ chia đều ra cho các CLB, có thể nơi này nhiều, nơi này ít hơn 1 chút. TP.HCM với những gì đã chuẩn bị và có thể thêm Lee Nguyễn, cạnh tranh cùng Hà Nội FC vẫn rất khó nhưng không phải không thể vì dù sao đội bóng Á quân V.League 2019 cũng đang làm rất tốt.
Một vấn đề tôi muốn nói là về thương mại bóng đá thì TP.HCM đang làm rất tốt, như vấn đề truyền thông hay đưa một số nhân tố về để thu hút khán giả tới sân, thu hút nhà tài trợ vào cùng đồng hành với CLB. Đấy là những việc rất tích cực. Trong bóng đá không phải cứ vô địch mới sống được. TP.HCM có lượng fan rất đông. Bóng đá muốn phát triển thì phải tìm cách tự nuôi mình. Tôi thấy TP.HCM đang làm rất tốt điều đó.
Tôi nghĩ về mặt chuyên môn, Lee Nguyễn sẽ không giúp ích được nhiều cho TP.HCM nhưng về các mặt khác, như tôi đã nói là thu hút NHM tới sân và thu hút các nhà tài trợ. Một vấn đề nữa rất tích cực, nếu TP.HCM chiêu mộ được Lee Nguyễn thì cũng để các cầu thủ Việt kiều tại nước ngoài thấy, ở Việt Nam cũng có các CLB sẵn sàng đáp ứng được các yêu cầu tài chính. Từ đó, các cầu thủ Việt kiều xuất sắc có thể suy nghĩ việc về Việt Nam chơi bóng.
Thời gian qua cũng có nhiều cầu thủ Việt kiều về nước chứ, như Mạc Hồng Quân, Đặng Văn Lâm và mới đây là Martin Lò. Tôi nghĩ về lâu về dài thì đó là thứ tích cực cho các cầu thủ Việt kiều ở nước ngoài, nếu họ không có nhiều cơ hội tỏa sáng tại các giải lớn thì cũng có một ý nghĩ về Việt Nam, vừa có môi trường phát triển tốt hơn trong khi thu nhập cũng không tồi".
Ngoài yếu tố chuyên môn hay PR, chuyên gia cho rằng TP.HCM còn tận dụng được nhiều thứ ở Lee Nguyễn, nhất là kinh nghiệm sống và làm việc nhiều năm trong môi trường bóng đá chuyên nghiệp.
"Nếu TP.HCM chiêu mộ được và muốn tận dụng tối đa Lee Nguyễn thì cần để ý bạn ấy đã chơi nhiều năm ở một giải đấu cao cấp (Nhà nghề Mỹ), độ chuyên nghiệp rất chuẩn. Thứ nhất bạn ấy cũng có thể chuyển tải cho cầu thủ Việt Nam lối sống của một cầu thủ chuyên nghiệp như thế nào, thứ hai là nếu bạn ấy không đá bóng mà có thể tham gia đội ngũ quản lý của TP.HCM thì có thể trao đổi các kinh nghiệm, cách chơi bóng ở những nền bóng đá phát triển. Tôi nghĩ đó là điều rất tốt".
Khi được hỏi, đâu là sự khác biệt giúp Lee Nguyễn thành công được ở giải Nhà nghề Mỹ, trong khi nhiều ngôi sao Việt Nam dù rất tài năng nhưng chưa thể tỏa sáng tại nước ngoài, chuyên gia trên phân tích:
"Lee Nguyễn trông thì rất giống người Việt Nam, nhưng bạn ấy là người Mỹ. Bạn ấy được sinh hoạt bóng đá từ rất sớm, được tiếp nhận đào tạo, dinh dưỡng… rồi nói tiếng Anh rất giỏi. Những yếu tố ấy góp phần tạo nên thành công của bạn ấy ở nước ngoài.
Nhưng một vấn đề cần nói, giải Nhà nghề Mỹ cũng không quá khác biệt so với các giải khác ở châu Á. Ví dụ Lee Nguyễn lại thành công ở châu Âu thì hoàn toàn khác. Còn ở Mỹ, bóng đá chưa được ưa chuộng mà vẫn sau bóng rổ, bóng bầu dục… Bóng đá Mỹ mới chỉ phát triển khi các ông chủ tập trung mời các ngôi sao về, với đãi ngộ rất tốt để đẩy lên thế thôi.
Mình không dám so bóng đá Việt Nam với bóng đá Mỹ nhưng so bóng đá Mỹ với bóng đá châu Âu thì còn sau rất nhiều. Vì thế Lee Nguyễn thành công ở bóng đá Mỹ nhưng chưa chắc sang châu Âu đã thành công đâu. Bạn ấy cũng từng không thành công ở châu Âu khi sang Hà Lan hay Đan Mạch mà. Bóng đá Mỹ cũng không có nét gì quá nổi bật.
Mà khi bạn ấy về Việt Nam, tôi luôn bảo lưu vấn đề rằng ví dụ như tại HAGL hay Hà Nội, Bình Dương có những bộ khung cầu thủ đi cùng nhau lâu rồi. Họ rất thân thiết và là một khối hiểu nhau trong cuộc sống cũng như sân cỏ.
Khi anh ở nơi khác về, tôi chưa nói chuyện tiền lương vốn nếu khác biệt có thể tạo nên nghi kị, về chuyên môn anh cần xuất sắc hơn họ rất nhiều mới cạnh tranh được. Còn nếu từ nơi khác về mà chỉ sêm sêm các cầu thủ cũ thì tôi nghĩ là trong đội họ sẽ thích dùng các cầu thủ đã quen thuộc hơn".
Sau cùng, chuyên gia này nhận định rằng số lương TP.HCM hay Lee Nguyễn đang đàm phán với nhau có phần quá cao với một cầu thủ gần 34 tuổi và danh tiếng chưa thật sự nổi bật.
"Tôi cũng mong thương vụ này thành công và suy nghĩ tích cực. Nhưng thật lòng với số tiền khoảng 800.000 USD/ 2 năm thực sự quá nhiều so với một cầu thủ sắp 34 tuổi và không phải có tên tuổi quá lớn. Thương vụ này nếu xảy ra có thể thành công ở khía cạnh kéo được nhiều NHM và nhà tài trợ đến với CLB, nhưng về chuyên môn lại là câu chuyện khác".