TP.HCM bác thông tin vụ “không nhận được tiền hỗ trợ nhưng bị gọi ký giấy đã nhận”

Khoa Nam |

Ban Tuyên giáo Huyện ủy Nhà Bè (TP.HCM) đã có thông tin về vụ “không nhận được tiền hỗ trợ nhưng bị gọi đi ký giấy đã nhận” gây dư luận không tốt trong thời gian qua.

Hình ảnh từ bài đăng sai sự thật.

Hình ảnh từ bài đăng sai sự thật.

Chiều 22/10, Ban Tuyên giáo Huyện ủy Nhà Bè (TP.HCM) cho biết đã có báo cáo về thông tin vụ việc liên quan đến đoạn clip được đăng tải trên trang một trang Facebook có nhiều lượt theo dõi nói về việc người dân không được nhận tiền hỗ trợ nhưng bị gọi ký vào giấy đã nhận.

Theo báo cáo, vào sáng 16/10, trên trang Facebook này đã đăng tải đoạn clip ghi hình một tổ công tác của xã Phú Xuân (huyện Nhà Bè) đang làm việc tại tổ 5 ấp 4, xã Phú Xuân.

Trong đoạn clip được đăng tải có chạy dòng chữ với nội dung "người dân nói vẫn chưa nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào kể từ khi dịch bùng phát nhiều tháng qua và lo ngại chính quyền trục lợi, biển thủ tiền hỗ trợ của gần 100 hộ dân đã ký tên".

Đoạn clip này đã được cắt ghép hết sức tinh vi, làm mờ, nhòe hình ảnh tờ khai, cắt đi những câu giải thích của tổ công tác với mục đích vu khống chính quyền địa phương "hợp thức hóa hồ sơ" để "ăn chặn" tiền hỗ trợ của người dân.

Đoạn clip này đã thu hút rất nhiều lượt xem, chia sẻ, bình luận, đa phần là những lời chửi rủa, công kích đối với nhà nước và chính quyền địa phương.

Sau khi nắm được sự việc, các đơn vị chức năng huyện Nhà Bè đã nhanh chóng vào cuộc điều tra xác minh.

Qua điều tra, xác định trong thời gian UBND xã Phú Xuân triển khai cho người dân khó khăn đăng ký nhận hỗ trợ thì gia đình ông Đ.M.Đ. (ngụ tại khu dân cư Riverside, tổ 5, ấp 4, xã Phú Xuân) không phải là gia đình thuộc diện khó khăn, không đúng đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết số 97/NQ-HĐND của HĐND TP.HCM.

Thời điểm này, gia đình ông Đ. cũng không có nhu cầu đăng ký nên cũng không nằm trong danh sách được nhận hỗ trợ.

Trong quá trình triển khai chi hỗ trợ cho người dân tại tổ 5, ấp 4, UBND xã có phân công giao cho Trưởng ban nhân dân ấp 4 phụ trách triển khai phát thư mời. 

Trưởng ban nhân dân ấp 4 lại phân công cho ông N.T.L. là Tổ trưởng tổ 5 đi phát thư mời nhưng ông L. bận việc đột xuất đã nhờ bà L.T.P. là cư dân đang cư trú tại đây đi phát thay.

Do không nắm được được chủ trương, chỉ đạo của UBND xã nên bà P. đã phát nhầm thư mời kèm theo bản "thông tin thành viên trong hộ gia đình" cho gia đình ông Đ. Đồng thời bà P. cũng không hướng dẫn cụ thể các điều kiện cũng như nội dung cần kê khai thông tin cho người nhận.

Nhận được giấy mời, ông Đ. đã kê khai thông tin các thành viên trong gia đình vào trong "thông tin thành viên trong hộ gia đình" và ký luôn vào phần cam kết "tôi tên là,….và… thành viên trong gia đình tôi cam kết đã nhận hỗ trợ theo đúng đối tượng quy định của Nghị quyết số 97/NQ-HĐND của HĐND TP về chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên địa bàn TP (đợt 3) tại xã Phú Xuân".

Sau đó, ông Đ. Đã đem thư mời và tờ "thông tin thành viên trong hộ gia đình" đến nơi tổ công tác ấp 5 đang làm việc và liên tục chất vấn xoáy vào việc "không có tên thì mình phải làm cái giấy xin hỗ trợ chứ sao lại bắt người ta xác nhận là đã nhận hỗ trợ?".

Trước những chất vấn của ông Đ., tổ công tác đã trả lời "anh đưa tờ thông tin thành viên trong hộ gia đình đây, chúng tôi chụp ảnh phần thông tin kê khai để về chúng tôi nhập dữ liệu, rồi anh đem tờ giấy về" nhưng ông này vẫn không đồng ý và tiếp tục lớn tiếng chất vấn việc chưa nhận được tiền sao bắt xác nhận rồi quay clip lại.

Sau khi về nhà ông Đ. đã gửi 2 đoạn clip (1 đoạn có thời lượng 2 phút 35 giây và 1 đoạn có thời lượng 1 phút 35 giây) cho một số trang Facebook có lượng người truy cập lớn và một số người bạn khác.

Ít ngày sau, đoạn clip của ông Đ. đã xuất hiện trên Facebook với thời lượng 2 phút 10 giây, được cắt ghép kỹ càng, cố tình cắt đi những câu giải thích của tổ công tác.

Được biết, gia đình ông Đ. đang sinh sống tại căn biệt thự đơn lập, có ô tô ô tô riêng, thu nhập trước thời gian diễn ra dịch bệnh là 15 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, gia đình ông Đ. còn kinh doanh mở studio tại địa bàn TP.Thủ Đức.

Sau khi làm việc với chính quyền địa phương, ông Đ. rất ân hận, do trong lúc thiếu suy nghĩ đã quay video clip, gửi đi, không ngờ để lại hậu quả như vậy. Ông này cũng thừa nhận gia đình mình không khó khăn, không thuộc diện được nhận gói hỗ trợ đợt 3.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại