Trong thời gian qua, Thành phố đã có 525 dự án đầu tư nước ngoài được cấp mới với tổng vốn đầu tư đạt 715,5 triệu USD, trong đó có 102 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư 347,4 triệu USD.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, nếu phân theo ngành nghề/lĩnh vực hoạt động dự án FDI cấp mới trong 8 tháng năm 2016, thì hoạt động kinh doanh bất động sản có vốn đầu tư nhiều nhất, với 318,9 triệu USD (chiếm 44,6%).
Nếu phân theo quốc tịch nhà đầu tư, thì Singapore có vốn đầu tư chiếm tỷ trọng lớn nhất là 44,8% với 321,2 triệu USD; tiếp theo là Nhật Bản chiếm 15% với 106,7 triệu USD; Hàn Quốc chiếm 8,8% với 62,8 triệu USD.
Ngoài ra, TP.HCM cũng chấp thuận cho 1.121 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp trong các doanh nghiệp Thành phố, với tổng vốn góp đăng ký khoảng 1,15 tỷ USD.
Trong đó, đáng chú ý là dự án Midtown có tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 225,6 triệu USD sẽ thực hiện tại TP.HCM do doanh nghiệp đến từ đảo Cayman Islands đầu tư, là dự án bất động sản có quy mô lớn nhất được cấp phép trong 8 tháng qua.
Bên cạnh đầu tư trực tiếp, trong cùng thời gian trên, giới đầu tư cũng chứng kiến nhiều thương vụ mua bán-sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực bất động sản mà cả bên mua và bán cũng có sự tham gia góp vốn của phía nhà đầu tư nước ngoài.
Như Keppel Land, nhà đầu tư đã phát triển nhiều dự án bất động sản lớn ở trong nước, đã ký kết thỏa thuận đầu tư có điều kiện để nắm giữ 40% cổ phần tại Công ty TNHH Empire City - đơn vị sẽ bỏ ra 1,2 tỉ USD để xây dựng khu phức hợp gồm khu căn hộ cao cấp, văn phòng, khu bán lẻ và tháp quan sát cao 86 tầng ở khu đô thị Thủ Thiêm, quận 2, TPHCM.
Hay Quỹ đầu tư Creed Group (Nhật Bản) tham gia góp vốn vào việc triển khai dự án River City, trên diện tích khu đất rộng 11,25 ha, quận 7, TPHCM. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 12.000 tỉ đồng nhằm phát triển 12 block chung cư với khoảng 8.000 căn hộ, văn phòng và cửa hàng với mật độ xây dựng chiếm 23,6%.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Sapphire (Sapphire JSC) thuộc Tập đoàn Sakkara (Úc) cũng cho biết có kế hoạch và tích cực tìm kiếm các dự án văn phòng, căn hộ, nhà ở cũng như các dự án tổng hợp, có quy mô từ trung bình đến lớn.
Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố cho biết địa bàn được nhiều nhà đầu tư nước ngoài chọn nhất là quận 7 với 287,8 triệu USD (chiếm 40,2% tổng vốn đầu tư); tiếp theo là quận 1 chiếm 21,4%, với 153,4 triệu USD; quận 2 chiếm 12,1%, với 86,9 triệu USD; huyện Củ Chi với 40,1 triệu USD, chiếm 5,6%.
Theo giới quan sát, sau khi chính phủ cho phép người nước ngoài, Việt kiều được mua nhà tại Việt Nam và nền kinh tế trong nước có chiều hướng tăng trưởng trở lại, các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản đã bắt đầu quay trở lại Việt Nam, trong đó đáng chú ý là TP.HCM.
Các chuyên gia trong ngành cũng đánh giá thị trường bất động sản trong nước có những dấu hiệu phục hồi, nên các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, đặc biệt là ở các đô thị lớn như TP.HCM, nơi dân số đông, nhu cầu nhà ở tăng cao và hạ tầng thương mại còn thiếu.
Điều này cũng đang kéo theo các quỹ đầu tư nước ngoài hướng vào thành phố trong lĩnh vực bất động sản thông qua việc đầu tư gián tiếp.