Doanh thu Zara Việt Nam phá vỡ kỷ lục thế giới
3 năm trước, Topshop - hãng thời trang high street của Anh Quốc đã chính thức có mặt tại TP HCM (Việt Nam) khi đặt cửa hàng đầu tiên tại Tòa tháp tài chính Bitexco ở quận 1.
Đầu tháng 9 mới đây, fan của Zara không khỏi háo hức khi hãng thời trang đình đám Tây Ban Nha xuất hiện trong một mặt bằng đắt đỏ ngay tại trung tâm vui chơi giải trí ở TP HCM.
Được biết, hãng H&M cũng sẽ nối gót Zara khi đang hoàn tất thủ tục tiến quân về Việt Nam vào đầu năm tới.
Làn sóng đổ bộ của các hãng thời trang lớn thế giới đổ bộ về Việt Nam được đón chào nồng nhiệt. Chỉ trong ngày đầu tiên mở bán, lượng khách tới Topshop và Zara nhiều tới mức, quản lý cửa hàng cũng không thể tưởng tượng nổi.
Một người được cho là nhân viên của Zara Việt Nam đã chia sẻ mức doanh thu trong ngày đầu mở bán tại Việt Nam của hãng thời trang này đạt 5,5 tỷ, phá vỡ kỷ lục bán hàng trên toàn thế giới.
Với văn hóa mua sắm trực tiếp, tận tay lựa đồ và mặc thử của người tiêu dùng Việt, Zara và các hãng thời trang thế giới đặt bản doanh tại đây mà chưa có online đang là một ưu thế.
Thế nhưng, việc này đồng nghĩa mối lo ngại của các chủ shop, cá nhân chuyên oder thời trang xách tay từ nước ngoài của các hãng này tại Việt Nam lại đang to dần lên trông thấy.
Dịch vụ oder hàng xách tay nguy cơ đến hồi kết
Dịch vụ oder Zara xách tay về Việt Nam là nguồn thu chính của shop chị Nguyễn Hà Anh (Hà Nội) hơn 4 năm nay.
Nhờ ăn phần chênh và chạy sales, tín đồ của Zara, H&M, Uniqlo tại Việt Nam rất nhiều nên thu nhập trung bình mỗi tháng của chị cũng lên tới 25-30 triệu đồng.
Thế nhưng, gần đây cho đến thời gian tới, các thương hiệu thời trang lớn ồ ạt tiến quân về Việt Nam khiến chị lo lắng viễn cảnh hết cửa làm ăn.
Người Việt chấp nhận xếp hàng 2 tiếng đồng hồ để mua sắm tại cửa hàng Zara trong ngày đầu khai trương.
Dù chưa có dịp đi chọn đồ ở Zara TP HCM, song một số người cho chị biết, mức giá bán tại cửa hàng Zara Việt Nam cao hơn so với đồ bán tại nước sở tại. Tuy nhiên, chị thừa nhận Zara đã đánh trúng vào tâm lý thích mua hàng trực tiếp và được lựa chọn thoải mái của người Việt.
Việc hãng này chưa có dịch vụ bán hàng online cũng như chưa mở tại Hà Nội cũng kéo dài thời gian duy trì shop với lượng khách quen và xem xét, tính toán chuyển hướng kinh doanh.
Cũng nghĩ đến viễn cảnh không còn khách oder quần áo từ nước ngoài về, anh Quang Thắng, chủ 2 shop thời trang cao cấp ở quận 1 (TP HCM) cũng tính chuyển hướng bán sản phẩm của các nhà thiết kế trong nước.
Theo anh Thắng, hãng thời trang fast fashion - Zara có thế mạnh về mức giá, dao động ở ngưỡng 8-100 USD/sản phẩm (khoảng 180.000 – 2,2 triệu đồng).
Mức này cũng ngang với các thương hiệu thời trang phân khúc cao cấp khác. Do đó, việc chuyển hướng sang các hãng thiết kế trong nước cũng là một phương án hợp lý.
Một lý do nữa anh Thắng đưa ra là "xa thương, gần thường". Có thể Zara thâm nhập thị trường Việt Nam sẽ không còn hot như trước kia phải oder do bớt đi cảm giác khan hàng. Bên cạnh đó, theo quan sát của anh, nhiều mẫu của Zara thực sự chưa phù hợp với thời trang của người Việt.
Dù vậy vẫn phải thừa nhận về bất lợi của dịch vụ hàng oder từ nước ngoài về.
Là tín đồ của Zara và H&M, Phương Quỳnh Anh (Gò Vấp, TP HCM) chấp nhận xếp hàng gần 2 tiếng đồng hồ ở quận 1 để vào thử đồ tại cửa hàng của Zara.
Khách hàng này cho biết, họ là những người được lợi khi không phải chịu mức chi phí bị đội lên 3-4 lần qua khâu trung gian mua từ các shop xách tay.
Cũng theo Quỳnh Anh, trung bình, một sản phẩm của Zara chỉ có mặt trên kệ trong vòng 1 tháng từ khi ra mắt. Nếu đặt mua một món đồ oder từ nước ngoài về phải chờ đợi 3 tuần - đồng nghĩa khi chị nhận được đồ mới thì đã thành lạc hậu.
Do đó, việc Zara mở cửa tại TP HCM, dù so sánh có giá đắt hơn tại nước bản địa, nhưng so với chi phí và thời gian chờ đợi thì vẫn rất hợp lý.