5. Bồ Đào Nha 1-0 Pháp (Chung kết Euro 2016) - Stade de France, Paris, Pháp
Trận chung kết Euro 2016 là sân khấu dành cho đội chủ nhà Pháp cùng kẻ thách thức Bồ Đào Nha . Hành trình đến với màn so tài quan trọng nhất của đôi bên hoàn toàn khác biệt. Pháp , đứng đầu vòng bảng trước khi lần lượt vượt qua Ireland, Iceland và Đức chỉ sau 90 phút.
Trong khi đó, Bồ Đào Nha của Ronaldo chỉ vượt qua vòng bảng nhờ là một trong 4 đội thứ 3 có thành tích tốt nhất. Tuy nhiên, Seleccao may mắn rơi vào nhánh đấu dễ thở ở vòng loại trực tiếp. Bồ Đào Nha vẫn phải trải qua những thời khắc thót tim khi phải tới hiệp phụ mới thắng được Croatia hay vượt qua Ba Lan trên chấm luân lưu.
Trận chung kết bắt đầu chưa lâu, Ronaldo không may gặp chấn thương và phải rời sân trong nước mắt ở phút 25. Mất đi ngôi sao chủ lực, Bồ Đào Nha tỏ ra lép vế trước đội chủ nhà. Họ chỉ có 9 cú dứt điểm cả trận so với con số 18 của đối thủ. Tuy nhiên, tài năng của thủ môn Rui Patricio cộng với may mắn (cú đá của Andre-Pierre Gignac trúng cột) đã giúp đội bóng áo bã trầu trắng lưới.
Bước vào hiệp phụ, Bồ Đào Nha vùng lên với những cơ hội của riêng mình. Phút 109, Eder trở thành người hùng của Seleccao bằng bàn thắng duy nhất. Ở khoảng thời gian cuối trận, một khoảnh khắc hài hước đã xuất hiện trên Stade de France khi Ronaldo trở thành HLV thứ 2 của tuyển Bồ Đào Nha.
Sau cùng, tỷ số 1-0 được duy trì tới hết trận trong niềm vỡ òa của thầy trò HLV Fernando Santos. Bồ Đào Nha vô địch với chỉ 1 trận thắng trong 90 phút.
Ronaldo trở thành HLV thứ 2 của Bồ Đào Nha trong trận chung kết Euro 2016
4. Bồ Đào Nha 2-2 (6-5 penalty) Anh - Tứ kết Euro 2004 - Estadio da Luz, Lisbon, Bồ Đào Nha
Tuyển Anh năm đó trình làng thế hệ vàng với những Frank Lampard, Steven Gerard, David Beckham cùng với thần đồng Wayne Rooney. Chiến dịch vòng bảng không đến nỗi nào giúp niềm tin trở lại với người Anh. Tại vòng tứ kết, họ gặp thử thách lớn mang tên chủ nhà Bồ Đào Nha với đầu tàu Luis Figo cùng ngôi sao trẻ Cristiano Ronaldo.
Michael Owen giúp "Tam sư" vượt lên khi đồng hồ mới điểm qua phút thứ 3. Tuy nhiên, hàng công của tuyển Anh gặp tổn thất nghiêm trọng khi Rooney gặp chấn thương ở phút 29 và phải nhường chỗ cho cái tên không được đánh giá cao Darius Vassel.
Sang hiệp 2, Bồ Đào Nha gia tăng sức ép và cuối cùng có được bàn thắng gỡ hòa do công của Helder Postiga ở phút 83. Trước khi 90 phút khép lại, Sol Campbell còn dứt điểm tung lưới Bồ Đào Nha nhưng không được công nhận.
Thế bám đuổi tiếp tục được duy trì trong hiệp phụ. Rui Costa đưa đội chủ nhà vươn lên dẫn trước. Dù vậy, Lampard một lần nữa tái lập thế cân bằng.
Loạt 11m bắt đầu. Beckham gây thất vọng với cú đá thảm họa đưa bóng đi lên trời. Sau đó, Bồ Đào Nha cũng bỏ lỡ cơ hội với pha đá hỏng của Costa. Đến loạt sút thứ 7, thắng bại mới được quyết định khi Vessel không thể thắng được thủ thành Ricardo.
Beckham sút hỏng 11m trong trận tứ kết Euro 2004
3. Pháp 3-2 Bồ Đào Nha (Bán kết Euro 1984) - Stade Velodrome, Marseille, Pháp
Thêm một trận đấu khác của Bồ Đào Nha trong danh sách nhưng lần này, Seleccao phải đón nhận thất bại. Năm đó, chủ nhà Pháp được đánh giá cao hơn bởi ngoài lợi thế sân nhà, họ còn có trong đội hình một Michel Platini đang đạt đỉnh cao phong độ.
Trải qua 90 phút, hai bên hòa nhau với tỷ số 1-1. Jean-Francois Domergue mở tỷ số trước cho người Pháp nhưng Rui Jordao đã đưa thế trận về thế cân bằng ở giữa hiệp 2. Ở thời gian hiệp phụ, Bồ Đào Nha lần đầu tiên vươn lên dẫn trước sau khi Jordao hoàn tất cú đúp, làm câm lặng các khán đài trên sân Velodrome.
Tuy nhiên, người Pháp không dễ bị đánh bại với bàn gỡ hòa ở phút 114. Khi tất cả đã bắt đầu nghĩ đến những loạt 11m thì người Pháp tung đòn quyết định.
Jean Tigana lấy bóng từ đối thủ trước khi xộc thẳng vào hàng thủ của Bồ Đào Nha, một đường căng ngang được tung ra sau đó. Ở trước vòng 5m50, Platini xuất hiện, dù trước mặt là 2 hậu vệ đội chủ nhà cùng thủ môn Bento, đương kim Quả bóng vàng vẫn biết cách để ghi tên bảng tỷ số. 3-2, người Bồ đổ gục xuống mặt sân thất vọng. Còn người Pháp tất nhiên trong niềm hân hoan tột cùng.
Tinh thần lên cao, Platini cùng các đồng đội đội tiếp tục đánh bại Tây Ban Nha 2-0 ở trận chung kết. Pháp có lần đầu tiên vô địch một kỳ Euro.
2. Pháp 2-1 Ý (Chung kết Euro 2000) - De Kuip, Rotterdam, Hà Lan
Pháp bước vào kỳ Euro 2000 với tư cách nhà vô địch thế giới. Họ trình diễn phong độ ấn tượng để tiến một mạch vào trận chung kết gặp người Ý. Tuy nhiên, thử thách thực sự chính là đây. Khó khăn càng thêm chồng chất với Zinedine Zidane và các đồng đội khi họ bị dẫn trước ở phút 56.
Cần nhớ rằng, hàng thủ của tuyển Ý khi đó vững chắc bậc nhất châu Âu khi mới chỉ để lọt lưới vỏn vẹn 2 bàn cho đến trước trận chung kết. Fabio Cannavaro, Alessandro Nesta và Paolo Maldini chơi cực kỳ ăn ý, bọc lót cho nhau cực tốt.
Thời gian dần trôi và tưởng chừng chiến thắng đã thuộc về đội bóng áo thiên thanh, bàn thắng đã tới với người Pháp ở phút bù giờ thứ 3. Một đường bóng dài, David Trezeguet đánh đầu đưa bóng đến trúng Sylvain Wiltord và cầu thủ này đã không bỏ lỡ cơ hội.
Pháp tiếp tục tấn công trong thời gian hiệp phụ và có được điều mong muốn. Phút 103, Trezeguet trở thành người hùng với cú volley thành bàn, mang về bàn thắng vàng cho đội nhà. Đây cũng là bàn thắng vàng cuối cùng trong lịch sử các kỳ Euro.
Pháp năm đó trở thành đội đầu tiên sau Tây Đức 1974 là nhà ĐKVĐ World Cup lẫn Euro. Tại Euro 2020 tới đây, thầy trò HLV Didier Deschamps rất muốn tái lập kỳ tích này.
Niềm vui của Trezeguet sau khi ghi bàn thắng vàng cho tuyển Pháp
1. Bồ Đào Nha 0-1 Hy Lạp (Chung kết Euro 2004) - Estadio da Luz, Lisbon, Bồ Đào Nha
Ngôi vô địch của Hy Lạp là bất ngờ lớn nhất trong lịch sử các kỳ Euro, thậm chí còn sốc hơn cả Đan Mạch năm 1992. Tuyển Hy Lạp đến với giải đấu không có bất kỳ ngôi sao lớn nào, bị coi là kẻ ngoài cuộc với tỷ lệ đặt 1 ăn 150 đến từ các nhà cái.
Thế nhưng, đội bóng sọc trắng xanh đã khiến tất cả phải ngỡ ngàng với những gì làm được. Đánh bại Bồ Đào Nha 2-1 trong trận mở màn để đi tiếp với vị trí thứ 2 bảng đấu. Đến vòng tứ kết, họ tiếp tục vượt qua nhà ĐKVĐ Pháp với tỷ số 1-0, vượt qua ngựa ô CH Séc với tỷ số tương tự tại bán kết.
Ở trận đấu quyết định, Hy Lạp gặp lại chính chủ nhà Bồ Đào Nha. Dưới sự chỉ huy của thủ môn Antonios Nikopolidis, hàng thủ của Hy Lạp chơi vô cùng kín kẽ, làm nản lòng những chân sút thượng thặng bên phía đối thủ.
Thi đấu nhẫn nhịn đến phút 53, Hy Lạp có bàn thắng vượt lên nhờ cú đánh đầu của Angelos Charisteas. Đây là pha dứt điểm đầu tiên cũng như duy nhất trong trận đấu đến từ Hy Lạp. Thế đã là đủ. Hy Lạp của phù thủy Otto Rehhagel lên ngôi tại giải đấu năm đó trong sự ngỡ ngàng của tất cả.