Bà Châu Thị Thu Nga, nguyên ĐBQH khóa 13 khai nhận tại cơ quan công an đã chi khoảng 1,5 triệu USD (tương đương 30 tỉ đồng) cho một doanh nghiệp về vàng bạc tại TP Hà Nội để nhờ lo các thủ tục cho bà Nga được ứng cử ĐBQH khóa XIII nhưng vị doanh nghiệp này cũng phủ nhận.
Trao đổi với chúng tôi vào sáng nay, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã khá bất ngờ khi nghe thông tin này.
Theo ông Phúc, đến thời điểm hiện tại, phía Văn phòng Quốc hội chưa nhận bất cứ thông tin nào về việc này, thông tin này cũng chưa được kiểm chứng vì đang chờ cơ quan công an điều tra.
"Tin này chưa kiểm chứng nhưng tôi nghĩ rằng đây có thể chỉ là cách để lý giải số tiền ấy đã đi đâu", ông Phúc nhìn nhận, đồng thời cũng cho rằng, nếu có thông tin như thế thì phải kiểm chứng ngay để tránh ảnh hưởng đến uy tín của Quốc hội.
"Phải làm rõ đưa ai, bao nhiêu, đưa làm gì? Nếu có thì đó là chuyện tày trời. Bỏ một khoản tiền lớn thế vào Quốc hội làm gì, giải quyết vấn đề gì? Nếu có đó là một chuyện tày trời.
30 tỷ là số tiền rất nhiều, rải đi đâu hết chỗ đó? Trong khi nếu chạy thì chỉ có mấy chỗ. Là người ứng cử tự do thì Mặt trận Tổ quốc của Hà Nội giới thiệu.
Sau 3 vòng hiệp thương, rồi đến cơ quan thường vụ Quốc hội. Vậy 30 tỷ đi đâu?", ông Phúc nêu.
Cũng theo Tổng thư ký Quốc hội, trong khoá XIV chưa thấy phản ánh về hiện tượng bỏ tiền chạy vào danh sách ứng cử, đặc biệt ở khối doanh nhân.
"Cũng có đơn, nhưng chúng tôi xem xét và thấy không có cơ sở. Tôi không tin có chuyện chạy tiền vào Quốc hội, nhất là với khoản tiền lớn thế. Người ta cần "mác" đại biểu Quốc hội để làm gì vì pháp luật không loại trừ ai.
Đây là sự nhầm tưởng, cứ tưởng ngồi vào Quốc hội thì có quyền quyết định thế nọ thế kia, nhưng thực tế là không thể thay đổi hay tác động được gì cả. Bất kỳ ai vi phạm cũng đều bị xử lý, kể cả với đại biểu Quốc hội", ông Phúc bày tỏ.
Ông Phúc cũng nhấn mạnh, tới đây cần phải làm tốt công tác thẩm tra, hiệp thương, bởi đó là bài học về công tác quản lý công tác hiệp thương, thẩm tra, quản lý hồ sơ lý lịch của ĐBQH.
"Như trường hợp bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường cũng thế, mình đâu có biết, nhưng đến gần về cuối mới phát hiện ra chuyện.
Rất bất ngờ, nhiều khi mình không đủ điều kiện kiểm chứng, nhưng Quốc hội rất rõ ràng, ngày hôm nay không phát hiện được thì ngày mai phát hiện vẫn kiên quyết xử lý, không sợ mất uy tín mà không xử lý", ông Phúc nêu rõ.
Ông Phúc cũng khẳng định, nhiều người cho rằng vào Quốc hội có quyền này quyền kia thì đó là sự lầm tưởng, thực tế không thể thay đổi hay tác động được gì cả.
Trước đó, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46), Bộ Công an cho biết đang tiếp tục điều tra giai đoạn 2 vụ án Châu Thị Thu Nga cùng đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng nhà đất (Housing Group) và dự án B5 Cầu Diễn, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội.
Theo kết luận điều tra, từ năm 2008 đến nay, dự án xây dựng khu nhà CT5 và HH2 tại B5 Cầu Diễn, Hà Nội chưa được UBND TP.Hà Nội phê duyệt điều chỉnh quy hoạch, chưa cấp giấy phép xây dựng.
Nhưng bà Nga đã cấu kết với một số cán bộ trong công ty tự lập mô hình, ký hiệu, vị trí, diện tích các căn hộ rồi sử dụng để ký 752 hợp đồng góp vốn và thu 377 tỉ đồng của nhà đầu tư, đến nay không có khả năng chi trả.
Trong 377 tỷ đó, bà Nga còn khai nhận đã chi khoảng 1,5 triệu USD (tương đương 30 tỉ đồng) cho một doanh nghiệp về vàng bạc tại TP Hà Nội để nhờ lo các thủ tục cho bà Nga được ứng cử ĐBQH khóa XIII nhưng vị doanh nghiệp này cũng phủ nhận.