Nhà đầu tư Formosa có lý lịch về mặt môi trường không tốt
Trao đổi với chúng tôi bên lề kỳ họp Quốc hội, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, trong vụ việc Formosa, lãnh đạo Chính phủ mới nhận nhiệm vụ nhưng đã tập trung xử lý ngay, tìm ra nguyên nhân và quy trách nhiệm cụ thể.
"Tuy nhiên, vấn đề chúng ta đang mong muốn là nhà đầu tư Formosa có lý lịch về mặt môi trường không tốt, đáng lý ra với lý lịch đó thì phải được ưu tiên hàng đầu về giám sát.
Vụ việc này là một bài học lớn cho vấn đề thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là FDI thời gian qua", ông Ngân nói.
Ông cũng bày tỏ: "Chúng ta đồng ý quan điểm của Chính phủ là không chấp nhận đánh đổi tăng trưởng kinh tế với môi trường và phải được xuyên suốt trong giai đoạn tới. Ta cần huy động vốn của FDI, nhưng không có nghĩa là huy động bằng mọi giá".
Các công nhân Formosa thực hiện việc cắt bỏ đường ống xả thải ngầm nối từ bên trong nhà máy ra ngoài mương thoát lũ ngày 15-7 - Ảnh tư liệu/Tuổi trẻ.
Theo ông Ngân, vấn đề nữa là cạnh tranh trong thu hút vốn FDI của các địa phương, Formosa không còn là của Hà Tĩnh mà là dự án liên quan đến hàng loạt các tỉnh miền Trung, liên quan đến ngành về kinh tế biển, ngành về du lịch và liên quan đến đất nước, nền kinh tế quốc gia.
"Do đó, vấn đề Formosa khi giải quyết phải xem đây là dự án quốc gia, không thể giao cho UBND tỉnh Hà Tĩnh hay Sở TNMT tỉnh để giải quyết. Tất cả xử lý đó phải của một đơn vị, của một Ủy ban quốc gia.
Ủy ban KTQH cũng cần phải tăng cường giám sát, đây là nội dung đặt hàng của cử tri. Tới đây, Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Ủy ban Môi trường… phải tăng cường giám sát để trả lời thỏa đáng cho cử tri, dự án này có xứng đáng tồn tại hay không, theo tôi là không", ông Ngân nhấn mạnh.
Vị đại biểu này cũng nêu thêm, vừa qua chúng ta đã có chính sách hỗ trợ cho người dân nhưng cũng không thể bù đắp được những tổn thương cho ngành kinh tế biển, người dân, lòng biển và tài nguyên thiên nhiên biển là không thể bù đắp được.
"Do đó, nên xem xét thận trọng và có cơ quan kiểm tra, xác định, làm rõ để khẳng định rằng Formosa có nên tồn tại nữa hay không ở Hà Tĩnh.
Chính phủ nên có giải quyết minh bạch ở đây, khi giải quyết các vấn đề về môi trường, không chỉ nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp nước ngoài mà tất cả doanh nghiệp hoạt động trên đất nước Việt Nam cần rà soát lại toàn bộ vấn đề môi trường, đảm bảo kinh tế phát triển bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên và không ảnh hưởng môi trường Việt Nam.
Những dự án nào không thỏa mãn tiêu chí môi trường thì phải ngừng ngay và Formosa là dự án tiêu điểm. Hiệu quả đầu tư sẽ không lớn bằng hậu quả mà để một nhà đầu tư nước ngoài đã có lý lịch không tốt về môi trường, lại tiếp tục tàn phá môi trường, ông Ngân nêu.
Vị này cũng nhấn mạnh thêm: "Đài Loan cũng có nhiều vốn đầu tư rót vào Việt Nam, chúng ta đang cần thu hút vốn FDI trong xu thế hội nhập, nhưng làm việc phải rõ ràng minh bạch và có cơ sở rõ ràng. Nên ta phải có Ủy ban giám sát, Ủy ban khoa học và Ủy ban kiểm tra để làm rõ và công bố sớm trong việc dừng dự án này".
Sẽ kiến nghị thành lập Đoàn giám sát Formosa của Quốc hội
Còn đại biểu Nguyễn Hạnh Phúc, Tồng Thư ký Quốc hội khóa 13 cũng nêu rõ, bài học Formosa rất đắt giá về việc thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
"Chúng ta phải chú ý nhiều hơn đến môi trường vì đây là lĩnh vực ảnh hưởng lâu dài đến đời sống của người dân, đến những tài nguyên thiên nhiên.
Chúng ta không phát triển kinh tế bằng mọi giá, đi đôi với đó là phải bảo vệ môi trường thiên nhiên, môi trường sống của người dân, để phát triển kinh tế mới bền vững, như ĐH Đảng đã nêu, người dân, doanh nghiệp, các ngành, các cấp phải thực hiện.
Khi nhà đầu tư vào Việt Nam phải kiểm soát, để tránh Việt Nam trở thành nơi xử lý rác thải, ô nhiễm...", ông Phúc nhấn mạnh.
Về việc Quốc hội sẽ tiến hành giám sát như thế nào đối với những dự án tương tự như Formosa, ông Phúc cho rằng, đây là vấn đề phân cấp, tuỳ từng dự án sẽ phân cấp cho địa phương hay cơ quan Trung ương, Bộ, ngành.
"Những dự án lớn, rất nhạy cảm thì phải báo cáo Quốc hội, hoặc Chính phủ quyết định. Có những dự án nhỏ nhưng ảnh hưởng môi trường lớn, Ví dụ như đập thuỷ điện nhỏ, nhưng có thể xảy ra ảnh hưởng môi trường lớn.
Bài học từ Formosa cho thấy, từ Trung ương đến địa phương cùng phải quản lý, không phải nơi nào biết nơi đấy. Nhiều dự án nhỏ có thể dẫn đến ô nhiễm lớn. Kiểm soát môi trường là một vấn đề quan trọng khi phát triển kinh tế", ông Phúc nêu.
Còn đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) thì cho biết, với cá nhân mình, trong quá trình Ủy ban TVQH xây dựng chương trình giám sát năm 2016 – 2017, ông sẽ đề nghị, đưa vào đoàn giám sát của Quốc hội về Formosa.
ĐBQH Trương Minh Hoàng.
"Tôi cũng đã kiến nghị với Phó Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN, MT của Quốc hội trong quá trình đi giám sát cùng về việc này. Ở đây, không riêng gì Formosa mà các nơi quy hoạch chất thải nguy hại, khu công nghiệp… thì cần sớm thành lập giám sát để tránh để xảy ra sự việc tương tự.
Còn quyền có đưa vào đoàn giám sát của UB TVQH về môi trường hay không thì Quốc hội phải biểu quyết thông qua. Nếu Quốc hội không thông qua thì với tư cách của mình tôi cũng sẽ đưa vào chương trình giám sát của cá nhân ĐBQH", ông Hoàng nói thêm.