Đây lần đầu tiên ông đưa ra ý kiến cá nhân về vấn đề này kể từ khi các nhà phân tích quốc tế chỉ trích khả năng Mỹ từ bỏ giải pháp này, vốn được coi là "hòn đá tảng" trong chính sách Trung Đông lâu nay của Washington.
Trả lời phỏng vấn Reuters, Tổng thống Trump khẳng định ông ủng hộ giải pháp hai nhà nước. Tuy nhiên, ông không tái khẳng định cam kết của Mỹ về giải pháp một Nhà nước Palestine độc lập bên cạnh Israel, thay vào đó ông ủng hộ những thỏa thuận mà Israel và Palestine có thể đạt được.
Trước đó, phát biểu với báo giới nhân chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm 15/2, Tổng thống Trump khẳng định cả người Israel và Palestine - hai bên trong tiến trình hòa bình Trung Đông, cần phải thỏa hiệp.
Ông tuyên bố sẽ nỗ lực để mang lại hòa bình cho cả Israel và Palestine, song sẽ tùy thuộc vào các bên liên quan để đạt được một thỏa thuận hòa bình chung cuộc. Tuy nhiên, dù hối thúc Israel hạn chế hoạt động tái định cư, Tổng thống Trump không đề cập trực tiếp đến giải pháp 2 nhà nước cho cuộc xung đột Israel-Palestine.
Trước làn sóng chỉ trích quốc tế về khả năng Mỹ từ bỏ giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột tại Trung Đông, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Antonio Guterres khẳng định rằng "không có giải pháp nào thay thế", đồng thời nhấn mạnh "cần phải làm tất cả những gì có thể" để duy trì khả năng đạt giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột này.
Phát biểu của TTK LHQ đã nhận được nhiều sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế và các nhà ngoại giao trên khắp thế giới.
Thủ tướng Netanyahu đã từng nói về một "nhà nước tối thiểu", theo đó người Palestine có quyền tự trị lớn - một kiểu nhà nước nhưng không có đầy đủ chủ quyền.
Trong khi đó, người Palestine muốn một nhà nước độc lập bên trong các phần lãnh thổ Bờ Tây và Dải Gaza, với thủ đô là Đông Jerusalem mà Isrel đã chiếm đóng trong cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967. Hiện chưa rõ quan điểm của ông Trump về giải pháp hai nhà nước.