Tổng thống Trump chính thức tuyên bố Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu

Ngọc Anh - Hải Võ - Thủy Thu |

Ông Trump nói rằng sẽ chính thức rút Mỹ khỏi hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu – một hiệp định mà các đồng minh của Mỹ và hầu hết các nước khác trên thế giới đều tham gia.

Rạng sáng ngày 2/6 (giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố Mỹ sẽ từ bỏ Hiệp định chống biến đổi khí hậu Paris một cách toàn diện và gọi hiệp định đó là "bất công ở mức cao nhất đối với Mỹ".

Ông Trump nói rằng sẽ chính thức rút Mỹ khỏi hiệp định này – một hiệp định mà các đồng minh của Mỹ và hầu hết các nước khác trên thế giới đều tham gia.

"Để hoàn thành nghĩa vụ thiêng liên của tôi là bảo vệ nước Mỹ và các công dân Mỹ, nước Mỹ sẽ rút khỏi hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu", Trump phát biểu, "Điểm mấu chốt ở đây là Hiệp định Paris này rất bất công, bất công ở mức cao nhất đối với nước Mỹ".

Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ cũng nói thêm rằng ông sẽ "bắt đầu thương lượng để trở lại hiệp định – có thể là Hiệp định Paris hoặc một hiệp định hoàn toàn mới – với những điều khoản công bằng hơn đối với nước Mỹ, doanh nghiệp Mỹ, các công nhân, người dân và người đóng thuế Mỹ.

Theo trang Politico, quyết định của Tổng thống Donald Trump là bước đi để thực hiện những cam kết dựa trên nguyên tắc "Nước Mỹ trước tiên" (America First) mà ông đưa ra trong chiến dịch tranh cử hồi năm ngoái.

Quyết định này đã của Mỹ - rút khỏi thỏa thuận đầu tiên trên thế giới về xử lý biến đổi khí hậu - đã đi ngược lại với gần 200 nước khác.

Lãnh đạo các quốc gia từ khắp châu Âu, châu Á và nhiều nơi khác gần đây đều đã kêu gọi Trump duy trì hiệp định.

Các lãnh đạo cả Pháp, Italy và Đức đã cho biết họ sẽ không đàm phán lại các điều khoản của Hiệp định, bất chấp những lời kêu gọi của Tổng thống Trump.

Washington Post cho hay, giờ đây Mỹ sẽ cùng với hai quốc gia khác là Nicaragua và Syria nằm trong nhóm các nước phản đối thỏa thuận về vấn đề khí hậu mà các nước đã đạt được vào năm 2015.

Quyết định này của ông Trump cũng đi ngược lại với kế hoạch về môi trường và ngoại giao của người tiền nhiệm Obama. Ông Obama đã dẫn dắt các cuộc đàm phán toàn cầu cho hiệp định không ràng buộc về biến đổi khí hậu vào năm 2015.

Tổng thống Trump từ lâu đã thể hiện sự hoài nghi về căn cứ khoa học của tình trạng biến đổi khí hậu, và đã tìm cách xóa bỏ các quy định về môi trường của chính quyền Obama. Đó là một phần trong kế hoạch "đặt nước Mỹ lên trên hết" – trong đó sẽ xóa bỏ, thay đổi rất nhiều hành động của chính quyền tiền nhiệm về thương mại, quốc phòng và quan hệ quốc tế.

"Hiệp định chống biến đổi khí hậu Paris chỉ đơn giản là ví dụ mới nhất về việc Washington tham gia vào một thỏa thuận không có lợi cho Mỹ, chỉ có lợi cho các nước khác, đẩy những người lao động Mỹ - những người tôi rất yêu quý – và những người đóng thuế lâm vào cảnh phải gánh chịu chi phí, mất việc làm, tiền lương thấp, các nhà máy bí bách và sản xuất kinh tế giảm sút", Tổng thống Trump phát biểu.

Các nhà lập pháp Cộng hòa có quan điểm ủng hộ Trump rời khỏi hiệp định Paric cho rằng việc thực thi hiệp định này sẽ làm Mỹ thiệt hại 3 nghìn tỷ USD và mất đi 6,5 triệu việc làm khi họ buộc phải tuân thủ các điều khoản hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Tổng thống Trump từng cho rằng, hiệp định Paris này bất lợi với Mỹ hai nước phát thải khí nhà kính lớn khác là Trung Quốc và Ấn Độ không hướng đến việc giảm lượng phát thải của họ trong thực tế.

Trong một động thái lên tiếng hiếm hoi sau khi hết nhiệm kỳ, cựu Tổng thống Obama ngày 1/6 đã nói rằng việc ông Trump từ chối tham gia vào Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đồng nghĩa với việc ông ấy đang gia nhập "một nhóm nhỏ các quốc gia từ chối tương lai".

"Những quốc gia ở lại Hiệp định Paris sẽ là những người gặt hái được các lợi ích mà những việc làm và ngành công nghiệp mới tạo ra", ông Obama nói.

Ông Obama cũng nói thêm rằng ông tin rằng nước Mỹ nên đi đầu trong việc thực hiên hiệp định Paris, nhưng ông hy vọng rằng ngay cả khi vắng bóng Mỹ trong hiệp định này thì Mỹ vẫn sẽ đứng lên và dẫn dắt, giúp bảo vệ hành tinh cho những thế hệ tương lai.

Theo giới quan sát, quyết định rút Mỹ khỏi hiệp định này đã tạo nên cú sốc đối với chính phủ tiền nhiệm của cựu tổng thống Obama. Hiệp định này được coi là một trong những di sản của cựu Tổng thống Obama, bên cạnh Đạo luật cải cách y tế Obamacarre.

Tại buổi lễ Trump công bố quyết định từ bỏ Hiệp định Paris tại Vườn Hồng của Nhà Trắng, người ta thấy sự có mặt của những quan chức cấp cao cố vấn ủng hộ quyết định này như cố vấn Steve Bannon hay Giám đốc Hội đồng kinh tế Quốc gia Gary Cohn. Những người phản đối việc Mỹ rời khỏi hiệp định này, như Ngoại trưởng Rex Tillerson, con gái Ivanka, con rể Kushner của Trump đều vắng mặt.

Hiệp định Paris được thông qua tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP21) diễn ra tại Paris (Pháp) hồi tháng 12/2016, trong đó quy định một loạt biện pháp về bảo vệ khí hậu nhằm giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu trong phạm vi 1,5-2 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp.

Ngoài ra, hiệp định đặt mục tiêu từ nay đến năm 2020, các nước phát triển sẽ huy động tối thiểu 100 tỷ USD mỗi năm để giúp các nước đang phát triển chuyển đổi sang sử dụng những nguồn năng lượng sạch và ứng phó với biến đổi khí hậu. Văn kiện này có hiệu lực trong bối cảnh khí phát thải nhà kính được dự báo sẽ tăng lên từ 12 tỷ tấn đến 14 tỷ tấn vào năm 2030.

Gần 200 quốc gia đã tham gia Hiệp định Paris và đã được 55 nước phê chuẩn, đại diện cho 55% tổng lượng khí thải toàn cầu, trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Canada, Brazil và Liên minh châu Âu (EU).

Các số liệu thống kê cho thấy Trung Quốc là nước xả thải khí gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất thế giới, tiếp theo là Mỹ và Nga.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại