Tổng thống Syria Assad thách thức phương Tây đến mức nào?

Đào Cảnh |

Trong bối cảnh hiện nay ở Syria, những hành động mang tính thách thức phương Tây của ông Assad nhiều khả năng sẽ làm tình hình trở nên phức tạp hơn và nội chiến ở đất nước Trung Đông này sẽ còn kéo dài.

Ngày 13/4/2016, cuộc bầu cử quốc hội đã được tổ chức ở Syria. Nhiều khả năng Tổng thống Syria Bashar al-Assad sẽ không dừng lại ở đây mà sẽ tiếp tục thực hiện bước đi khác để thách thức phương Tây.

Tổng thống Syria al-Assad cùng phu nhân đi bỏ phiếu ngày 13/4.

Luật cần phải được tuân thủ

Ngay từ khi chưa được tổ chức, cuộc bầu cử Quốc hội Syria đã đầy tranh cãi. Các quốc gia phương Tây cảnh báo sẽ không chấp nhận kết quả cuộc bầu cử này và đưa ra một loạt nguyên nhân giải thích cho quyết định này.

“Chúng tôi không coi cuộc bầu cử này là hợp pháp… Các cuộc bầu cử này không phản ánh được nguyện vọng của người dân Syria… cuộc bầu cử này đã diễn ra trước thời hạn quy định”- đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ lên tiếng khẳng định.

Theo các chuyên gia phân tích Nga, vế thứ hai trong phát biểu trên của phía Mỹ là có cơ sở. Thực tế cuộc bầu cử Quốc hội Syria lần này chỉ được tổ chức ở các khu vực lãnh thổ do lực lượng của ông Assad kiểm soát mà không phải tổ chức trên toàn Syria.

Trong khi đó, Đức cũng lên tiếng phản đối cuộc bầu cử này. “Chính phủ Đức không thừa nhận kết quả của cuộc bầu cử. Trong bối cảnh bất ổn như hiện nay, việc tổ chức các cuộc bầu cử tự do và trung thực là điều không thể”- đại diện Bộ Ngoại giao Đức Martin Shefer nhấn mạnh.

Tuyên bố của đại diện Ngoại giao Đức cũng không phải không có cơ sở. Tỷ lệ “chọi” trong cuộc bầu cử này là khá cao khi 3,5 nghìn ứng cử viên phải cạnh tranh để giành 250 ghế trong Quốc hội Syria.

"Tuy nhiên, trong bối cảnh an ninh bất ổn như hiện nay và tham vọng của chính quyền Syria trong thể hiện “sự thống nhất của toàn dân tộc”, không loại trừ khả năng số lượng phiếu bầu sẽ bị gian lận và chỉ tập trung vào một số ứng cử viên thuộc đảng cầm quyền ở Syria", tờ Expert nhận định.

Về phần mình, đại diện Bộ Ngoại giao Pháp Roman Nadal cũng khẳng định: “Pháp lên án các cuộc bầu cử kiểu này do chế độ ở Syria tổ chức.

Cuộc bầu cử này được tổ chức mà không có các chiến dịch vận động trước tranh cử, đặt dưới sự bảo trợ của chế độ không hợp pháp và không có sự tham gia của giới quan sát viên quốc tế”.

Còn theo đại diện Bộ Ngoại giao Anh, “Chính quyền Assad sẽ không thể mua được tính hợp pháp bằng việc dựng lên “ngọn đèn dân chủ” nhớp nháp này”.

Chính vì vậy, việc tổ chức cuộc bầu cử quốc hội lần này là cơ hội để ông Assad chứng minh chức năng của các thể chế quốc gia. Quốc hội hiện nay của Syria đã hết nhiệm kỳ và việc tổ chức các cuộc bầu cử mới là điều cần thiết.

“Các cuộc bầu cử này đảm bảo chức năng của các thể chế điều hành được quy định trong Hiến pháp của đất nước Syria”, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov lên tiếng kêu gọi tất cả các bên nên xem xét bầu cử Quốc hội Syria từ khía cạnh này.

Sẽ tiếp tục bầu cử

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của ông Assad khi tổ chức cuộc bầu cử lần này là nhằm chứng minh rằng “các hành động của các lực lượng khủng bố đã không đạt được mục đích đặt ra là giết hại dân tộc Syria và hủy hoại tính đồng nhất dân tộc”.

Chính vì mục đích này, các điểm bầu cử đã mở cửa đến tận nửa đêm. Tổng thống Assad muốn nâng cao tối đa số lượng cử tri đi bỏ phiếu để chứng minh rằng người dân Syria không chỉ ủng hộ chế độ của Assad mà còn ủng hộ hệ thống chính trị ở Syria.

Lực lượng đối lập “thực sự” ở Syria hiểu rõ các mục tiêu mà ông Assad đặt ra trong cuộc bầu cử này nên đang cố gắng tìm cách ngăn cản.

“Ủy ban tối cao về đàm phán” (phần lực lượng đối lập chịu sự kiểm soát của Ả rập xê út) đã lên tiếng sẽ không công nhận kết quả bầu cử.

Tuy nhiên, đại diện chính quyền Damascus cũng khẳng định rằng cuộc bầu cử hiện nay không hề vi phạm vào tiến trình đàm phán Geneva.

Damascus cũng khẳng định rằng sau khi thông qua bản Hiến pháp mới, chính quyền Syria sẽ sẵn sàng đề nghị cử tri tham gia bầu cử tiếp.

“Nếu như trong quá trình tiến hành các cuộc đàm phán ở Geneva, các bên thông qua quyết định về sự cần thiết phải tiến hành các cuộc bầu cử quốc hội thì các cuộc bầu cử này sẽ tiếp tục được tổ chức.

Chính phủ Syria sẽ không phản đối việc tổ chức các cuộc bầu cử mới” - Thứ trưởng Ngoại giao Syria Feisal Mikdad.

Feisal Mikdad cũng nhấn mạnh rằng khi Syria chưa tổ chức được quốc hội mới và chưa có Hiến pháp mới thì đất nước Syria vẫn do lực lượng được bầu vào ngày 13/4/2016 điều hành.

Trong bối cảnh nhiều bất ổn như hiện nay, các chuyên gia phân tích chính trị dự đoán rằng chính quyền được bầu ngày 13/4 sẽ còn nắm quyền điều hành Syria trong thời gian dài.

Đáng chú ý, Tổng thống Syria Assad nhiều khả năng sẽ không chỉ dừng lại ở tổ chức bầu cử quốc hội trước thời hạn mà sẽ tiến tới tổ chức bầu cử Tổng thống trước thời hạn.

Đây là hành động hoàn toàn đi ngược với tinh thần đàm phán Geneva và tiến trình hòa bình cho Syria.

Vấn đề không phải là do Assad muốn nắm quyền trong thời hạn tối đa (năm 2014, Assad mới được tái bầu làm Tổng thống Syria nhiệm kỳ 7 năm) mà là ở chỗ bằng hành động này, Assad muốn chứng minh mình “không thèm đoái hoài” đến các yêu cầu của phương Tây và các lực lượng đối lập về rút ngắn nhiệm kỳ tổng thống.

Trong bối cảnh hiện nay ở Syria, những hành động được cho là "mang tính thách thức" phương Tây của ông Assad nhiều khả năng sẽ làm tình hình trở nên phức tạp hơn và nội chiến ở đất nước Trung Đông này sẽ còn kéo dài.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại