Tháng trước, ông Putin đã đề cập tới việc bách khoa toàn thư Wikipedia, thứ được xây dựng bởi cộng đồng người dùng toàn cầu, là không đáng tin cậy và nên được thay thế. Ông đã đề xuất một phiên bản điện tử của Từ điển bách khoa toàn thư Nga, thứ kế thừa từ Bách khoa toàn thư Liên Xô.
Và theo báo cáo mới nhất từ chính quyền nước này, chính phủ Nga sẽ chi ra 2 tỷ Rúp (RUB), tương đương 31 triệu USD cho cổng thông tin mới, được xây dựng như một trang web trực tuyến của Bách khoa toàn thư Nga. Chính phủ cũng sẽ thành lập một trung tâm nghiên cứu và giáo dục quốc gia riêng cho Từ điển bách khoa toàn thư Nga, theo trích dẫn từ nghị quyết được ký bởi Thủ tướng Dmitry Medvedev.
"Động thái này sẽ đảm bảo mọi người có thể tìm thấy thông tin đáng tin cậy, được cập nhật liên tục trên cơ sở các nguồn kiến thức đã được xác minh một cách khoa học", báo cáo từ chính quyền nước này cho biết.
Trước đó vào năm 2015, Nga đã chặn một thời gian ngắn phiên bản Wikipedia tiếng Nga do xuất hiện một bài viết có chứa thông tin về cần sa, vi phạm luật cấm các trang web có tài liệu liên quan đến ma túy ở quốc gia này.
Còn trong việc kiểm soát Internet, chính quyền Moscow cũng đã từng giới thiệu các biện pháp kiểm soát trực tuyến để giúp mạng lưới Internet của Nga có thể tiếp tục hoạt động ngay cả khi bị ngắt kết nối khỏi các cơ sở hạ tầng nước ngoài.
Theo quan điểm được chia sẻ bởi tổng thống Nga, Vladmir Putin, thì "nếu tất cả lưu lượng truy cập Internet của Nga được chuyển qua các máy chủ trên đất Nga, thì tất cả người Nga có thể sống an toàn và hạnh phúc khi biết họ không bị gián điệp nước ngoài và nghe lén."
Tham khảo Reuters