Hoa Kỳ và các đồng minh đã đồng ý thực hiện một cuộc tấn công mới nhằm vào nền kinh tế Nga, điều này buộc Moskva phải bắt đầu chuẩn bị kế hoạch trả đũa và Tổng thống Putin sẽ giữ vai trò cực kỳ quan trọng.
Sau khi bắt đầu cuộc khủng hoảng Ukraine, các nước phương Tây đã áp đặt một số gói trừng phạt chống lại Liên bang Nga, được cho là sẽ "xé nát" nền kinh tế quốc gia này.
Nhưng ý tưởng trên đã không thành, Nga hóa ra có khả năng chống lại các hạn chế cao hơn nhiều so với dự kiến. Như giới phân tích lưu ý, sau thất bại của làn sóng trừng phạt đầu tiên, Mỹ đã phát triển một kế hoạch cứng rắn hơn nhằm trực tiếp vào xuất khẩu năng lượng của Nga.
Cách đây vài ngày, cái gọi là giá trần đối với dầu mỏ của Nga đã có hiệu lực và các chính trị gia Mỹ đã phải mất vài tháng để thống nhất với những quốc gia trong nhóm G7 và Liên minh Châu Âu về vấn đề này.
Là một phần của sáng kiến, phương Tây đề xuất đặt mức tối đa cho chi phí dầu mỏ của Nga ở mức 60 USD/thùng. Tuy nhiên số liệu này có thể được sửa đổi sau. Tại phương Tây, họ tin rằng bằng cách này có thể giảm thu nhập của Liên bang Nga từ việc bán tài nguyên năng lượng.
Mặt hàng dầu mỏ của Nga đã chính thức bị phương Tây áp đặt mức giá trần
Tuy nhiên đối với Nga, ngay cả trước khi bắt đầu bị áp dụng trần giá, đã cảnh báo rằng ý tưởng này rất tai hại và sẽ chống lại những người khởi xướng nó. Cụ thể, nhiều chuyên gia cho rằng Moskva sẽ không cung cấp dầu cho các quốc gia ủng hộ áp đặt biện pháp trừng phạt này, thậm chí có thể giảm sản lượng dầu.
Và mới đây, Tổng thống Vladimir Putin đã chính thức tuyên bố chuẩn bị đáp trả một cuộc tấn công lớn khác nhằm vào Liên bang Nga. Theo nhà lãnh đạo, các bước đi cụ thể sẽ được nêu trong một văn bản tương ứng.
Người phát ngôn Điện Kremlin - ông Dmitry Peskov cho biết sắc lệnh mà Tổng thống Putin đề cập có thể được công bố sớm nhất là trong tuần này. Giới quan sát tin rằng tài liệu nói trên khi được tung ra sẽ không mang lại điềm lành cho EU và G7.
Phương Tây sẽ đối diện hàng loạt biện pháp trả đũa các lệnh trừng phạt từ Nga. Thực tế là các quốc gia ủng hộ mức giá trần đều là những nhà nhập khẩu nhiên liệu trên quy mô lớn và nếu các hành động của Liên bang Nga khiến chi phí của dầu hay khí đốt tăng mạnh, thì chính bản thân những nước trên sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Nhưng ở chiều ngược lại, cũng có nhận xét cho rằng châu Âu hoàn toàn đủ khả năng thay thế nguồn cung nhiên liệu từ Nga, khi Na Uy, Azerbaijan hay nhiều quốc gia Trung Đông sẵn sàng thay thế, thực tế những gì diễn ra cho thấy tại EU không xảy ra tình trạng khủng hoảng khí đốt hay xăng dầu như Moskva vẫn cảnh báo.
Trong khi đó, xuất khẩu năng lượng là nguồn thu chính của Nga, nếu Moskva ngừng bán cho khách hàng chính thì bản thân họ sẽ là bên chịu thiệt hại trước tiên và lớn nhất.