Tổng thống Putin ở Đà Nẵng: Nghĩa cử dành cho Việt Nam và "cuộc gặp kỳ lạ" với Tổng thống Mỹ

Nhà báo Nguyễn Đăng Phát |

Tại Đà Nẵng, Tổng thống Nga và Mỹ chỉ có 3 cơ hội “tiếp xúc” rất nhanh: Vừa đi cùng các nhà lãnh đạo APEC và tùy tùng vừa trò chuyện hoặc “rỉ tai” nhau vài câu khi chụp ảnh chung.

Chuyến công du Việt Nam lần này của Tổng thống Nga Vladimir Putin rất ngắn, ông không có dịp trực tiếp gặp gỡ đông đảo người Việt Nam như những lần trước, nhưng nhà lãnh đạo Nga đã gây được ấn tượng đặc biệt, để lại trong lòng người Đà Nẵng, người dân miền Trung nói riêng và người Việt Nam nói chung những tình cảm chân tình sâu đậm.

Tổng thống Putin ở Đà Nẵng: Nghĩa cử dành cho Việt Nam và cuộc gặp kỳ lạ với Tổng thống Mỹ - Ảnh 1.

Trước hết, vì sắp đến ngày lên đường sang Đà Nẵng tham dự Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 25, Tổng thống Putin đã có một quyết định làm nức lòng người Việt Nam và có lẽ cũng sẽ khiến nhiều nhà lãnh đạo APEC phải suy nghĩ.

Đó là việc ông chỉ thị Chính phủ Nga tổ chức ngay chuyến hàng viện trợ nhân đạo và thu xếp khoản tiền 5 triệu USD giúp Việt Nam khắc phục hậu quả cơn bão số 12. Tổng thống Putin đồng thời cũng bày tỏ hy vọng các thành viên APEC tham dự Hội nghị cấp cao ở Đà Nẵng sẽ có biện pháp giúp đỡ nhân dân Việt Nam.

Tổng thống Putin ở Đà Nẵng: Nghĩa cử dành cho Việt Nam và cuộc gặp kỳ lạ với Tổng thống Mỹ - Ảnh 2.

Vận tải cơ IL-76 của Nga tới sân bay Cam Ranh lúc 0h15 rạng sáng thứ Năm, 9/11 mang theo hàng hóa hỗ trợ một số khu vực của Việt Nam khắc phục ảnh hưởng của bão Damrey

Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga đã lập tức điều một máy bay vận tải IL-76 đưa 40 tấn hàng thiết yếu sang sân bay Cam Ranh giúp người dân vùng lũ.

Tin về sự giúp đỡ của nước Nga đã được truyền đi với tốc độ chóng mặt. Trên các báo, kênh truyền hình và phát thanh tràn ngập tin tức, hình ảnh về sự kiện này. Đặc biệt, các mạng xã hội đã “dậy sóng” với hàng triệu lời bình luận đầy thiện chí, ấm áp tình cảm của người Việt Nam ca ngợi và cảm ơn Tổng thống Putin, cảm ơn nước Nga mặc dù bản thân vẫn còn nhiều khó khăn nhưng đã sẻ chia, sát cánh với Việt Nam.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang gửi thư bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc đối với sự giúp đỡ quý báu và kịp thời của cá nhân Tổng thống Putin, Chính phủ và nhân dân Nga. Và trong cuộc gặp cấp cao Việt – Nga tại Đà Nẵng ngày 10/11, một lần nữa Chủ tịch nước đã cảm ơn Tổng thống Putin về sự cảm thông, chia sẻ với các nạn nhân cơn bão số 12 cũng như sự hỗ trợ vật chất thiết thực giúp Việt Nam khắc phục hậu quả thiên tai.

Tại cuộc gặp kéo dài một tiếng đồng hồ này, hai bên nhìn lại và hoạch định những biện pháp cụ thể tiếp tục tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt – Nga và ra Tuyên bố chung về hợp tác bảo đảm an ninh thông tin quốc tế.

Trong bối cảnh công nghệ thông tin, truyền thông phát triển như vũ bão và nguy cơ mất an toàn, an ninh thông tin ngày càng hiện hữu thì những cam kết phối hợp hành động giữa Việt Nam và Nga có ý nghĩa rất quan trọng trong một lĩnh vực hợp tác song phương mới, đồng thời cũng thể hiện quyết tâm của hai nước góp phần vào việc bảo đảm an ninh thông tin quốc tế.

Tổng thống Putin ở Đà Nẵng: Nghĩa cử dành cho Việt Nam và cuộc gặp kỳ lạ với Tổng thống Mỹ - Ảnh 3.

Phần chính trong chương trình nghị sự của Tổng thống Putin ở Việt Nam là tham dự các hoạt động của APEC trong hai ngày 10 và 11/11.

Theo chương trình của Hội nghị cấp cao APEC, Tổng thống Nga không có bài phát biểu “đinh”, nhưng trước đó ông đã có bài viết “Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 25 tại Đà Nẵng: Cùng đi tới phồn vinh và phát triển hài hòa”.

Tổng thống Putin ở Đà Nẵng: Nghĩa cử dành cho Việt Nam và cuộc gặp kỳ lạ với Tổng thống Mỹ - Ảnh 4.

Tổng thống Nga Vladimir Putin họp báo bên lề APEC 2017.

Tổng thống Putin đánh giá cao vai trò của APEC trong việc tạo điều kiện cho tất cả các thành viên của diễn đàn chia sẻ, phối hợp lập trường về rất nhiều vấn đề, từ kinh tế, xã hội đến môi trường, nhân văn.

Ông cũng khẳng định, là một nước lớn nằm ở hai châu lục Á – Âu, có vùng Viễn Đông rộng lớn với nhiều tiềm năng, Nga phấn đấu vì sự phát triển của Châu Á – Thái Bình Dương, bảo đảm sự tăng trưởng ổn định, bao trùm trong toàn bộ khu vực.

Tổng thống Nga cho biết, trong 5 năm gần đây tỷ trọng của các nền kinh tế APEC trong kim ngạch ngoại thương Nga đã tăng từ 23 lên 31%, riêng xuất khẩu của Nga sang những nền kinh tế này đã tăng từ 17 lên 24%.

Tổng thống Putin nhắc lại đề nghị của Nga xây dựng quan hệ Đối tác Âu – Á rộng lớn dựa trên Liên minh kinh tế Á – Âu và sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc. Ông nhấn mạnh “đây là một dự án linh hoạt, hiện đại, mở cửa cho tất cả các đối tác tham gia.

Tổng thống Putin cho rằng, phòng tránh và khắc phục hậu quả thảm họa thiên tai, thảm họa kỹ thuật, dịch bệnh cũng như bảo đảm an ninh lương thực là những thách thức lớn đòi hỏi tất cả các đối tác ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương phải chung tay ứng phó.

Nhấn mạnh các nền kinh tế trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cần hợp tác để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về thực phẩm sạch, có chất lượng cao, Tổng thống V. Putin nêu rõ: “Nga chiếm vị trí dẫn đầu thế giới về xuất khẩu ngũ cốc, dầu thực vật, cá và một số sản phẩm khác”và “Nga hy vọng trở thành nhà cung cấp hàng đầu những mặt hàng thực phẩm sạch sang các nước láng giếng trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và hiện đang thực hiện nhiều giải pháp để tăng cường sản xuất nông nghiệp, nâng cao hiệu suất của ngành này”.

Tổng thống V. Putin đồng thời nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của các nền kinh tế APEC là hợp tác thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ tiên tiến. Ông Putin nhắc lại việc Nga đã đưa ra một loạt sáng kiến – về thống nhất chuẩn hóa thể chế kinh tế số và thương mại, đồng bộ hóa các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia, phối hợp hài hòa các chiến lược xây dựng thị trường công nghệ cao.

Tổng thống Putin ở Đà Nẵng: Nghĩa cử dành cho Việt Nam và cuộc gặp kỳ lạ với Tổng thống Mỹ - Ảnh 5.

Tại Đà Nẵng, Tổng thống Putin đã có các cuộc gặp song phương với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Philippines Rodrigo Duderte. Một cuộc gặp được dự kiến từ trước, được chính giới cũng như báo chí hết sức trông đợi tại Đà Nẵng là cuộc gặp giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không diễn ra.

Tổng thống Putin ở Đà Nẵng: Nghĩa cử dành cho Việt Nam và cuộc gặp kỳ lạ với Tổng thống Mỹ - Ảnh 6.

Tổng thống Mỹ và Tổng thống Nga tranh thủ trò chuyện trên đường đến địa điểm chụp ảnh lưu niệm sáng 11/11. Ảnh Reuters

Đây là câu chuyện khá ly kỳ, và cũng như tất cả những sự kiện liên quan mối quan hệ Nga – Mỹ, đã được giới truyền thông tô đậm. Hai Tổng thống Nga, Mỹ tuy không có cuộc gặp riêng trực tiếp nhưng vẫn đạt được thỏa thuận ra Tuyên bố chung về Syria!

Theo các nhà phân tích Nga, trong số những kế hoạch quan trọng hàng đầu của Tổng thống Nga trong chuyến công du Đà Nẵng là gặp gỡ Tổng thống Mỹ. Hai bên đã chuẩn bị khá kỹ lưỡng cho cuộc gặp này với nội dung thảo luận là những khúc mắc trong quan hệ hai bên và vấn đề Triều Tiên, Syria, Ukraine.

Nhưng ngay trước khi hai Tổng thống đến Đà Nẵng thì phía Mỹ thông báo “sẽ không có cuộc gặp nào”. Mặc dù trong khoảng thời gian ngắn ở Đà Nẵng các đại diện Nga và Mỹ đã khởi động một số kênh liên lạc để thu xếp cuộc gặp cấp cao nhưng theo Thư ký Báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov, do “phía Mỹ không mềm mỏng” nên hai bên không thỏa thuận được: Cuộc gặp ở Đà Nẵng phải diễn ra “trên lãnh thổ Nga” vì cuộc gặp lần trước tại Humburg hồi tháng 7 năm nay đã tổ chức ở địa điểm “đóng quân” của đoàn Mỹ tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20.

Vẫn theo ông Peskov, do phía Mỹ chỉ đề xuất một phương án về địa điểm và thời gian nên cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Putin – Trump không thể diễn ra. Rốt cuộc, tại Đà Nẵng, Tổng thống Nga và Mỹ chỉ có 3 cơ hội “tiếp xúc” với nhau rất nhanh: Vừa đi cùng các nhà lãnh đạo APEC và tùy tùng vừa trò chuyện hoặc “rỉ tai” nhau vài câu khi đứng chụp ảnh chung!

Nhưng nhờ các chuyên viên hai nước đã chuẩn bị dự thảo văn bản từ trước, đồng thời Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cũng có một cuộc gặp ngắn ở khu nghỉ dưỡng Furama Đà Nẵng để rà soát lần cuối nên bản tuyên bố chung cấp cao Nga - Mỹ về Syria đã được công bố.

Văn kiện này có những nội dung quan trọng: Hai bên khẳng định chỉ có thể giải quyết cuộc xung đột Syria bằng giải pháp chính trị; ngày 8/11, Nga, Mỹ và Jordan ký Bị vong lục về việc thiết lập khu vực giảm căng thẳng ở Tây Nam Syria; hai nhà lãnh đạo cũng ghi nhận tuyên bố gần đây của Tổng thống Syria Bashar al-Assad về việc tôn trọng tiến trình thương lượng Geneva, cải cách Hiến pháp và tổ chức bầu cử theo Nghị quyết 2254 của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc.

Tuyên bố chung Nga - Mỹ về Syria là sự kiện rất quan trọng nhưng những động thái trong quan hệ Nga – Mỹ tại Đà Nẵng cho thấy mối quan hệ này vẫn rất căng thẳng, phức tạp. Phát biểu với báo chí tại Đà Nẵng ngày 11/11, Tổng thống Putin cho rằng các vấn đề tồn đọng trong quan hệ hai bên cũng như những “hồ sơ quốc tế” cấp bách mà Nga và Mỹ có thể hợp tác giải quyết như vấn đề Triều Tiên, Ukraine, Syria đòi hỏi phải được thảo luận kỹ lưỡng với lập trường xây dựng nhưng hiện nay không có cơ hội để lãnh đạo Nga và Mỹ trao đổi ý kiến sâu sắc.

Tổng thống Putin ở Đà Nẵng: Nghĩa cử dành cho Việt Nam và cuộc gặp kỳ lạ với Tổng thống Mỹ - Ảnh 7.

Tuy nhiên, theo phân tích của chuyên gia Dmitry Suslov, Giám đốc của Câu lạc bộ hội thảo quốc tế Valdai, “tình huống cuộc gặp Putin – Trump đã hẹn mà không thành cho thấy quan hệ Nga – Mỹ rõ ràng vẫn đang khủng hoảng sâu sắc”.

Ông Suslov cho rằng chính quyền Mỹ luôn thực dụng, họ trù tính cuộc gặp nào cũng phải đạt được kết quả cụ thể, trong trường hợp này phía Mỹ muốn Nga có nhượng bộ về Triều Tiên, song Moscow đã không cho thấy dấu hiệu nào về điều này nên Washington không mặn mà với cuộc gặp thượng đỉnh.

Kate Darden, chuyên gia về các vấn đề quốc tế tại Đại học Washington, thành viên câu lạc bộ Valdai, cho rằng: “Tổng thống Trump buộc phải tính đến tình hình chính trị nội bộ Mỹ khi cân nhắc các quyết định của mình… Ông đã tìm cách phản đối xiết chặt cấm vận Nga và đã bác bỏ những lời hô hào cung cấp vũ khí cho Ukraine nhưng ông phải đương đầu với một Quốc hội và Bộ trưởng Quốc phòng rất cứng rắn”.

Cùng quan điểm tương tự, Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Quốc phòng - An ninh Thượng viện Nga ngày 12/11 nhận xét: “Donald Trump chân thành muốn cải thiện quan hệ với Nga nhưng ông ấy bị “trói chân, trói tay”, không thể hành động được theo hướng đó… Đây không phải là lần đầu ông chủ Nhà Trắng muốn có những động thái cải thiện quan hệ với Nga song vẫn không thành. Nga sẵn sàng với mọi tình huống, nhưng Nga luôn luôn nỗ lực để cải thiện quan hệ với Mỹ”./.

* Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại