Ngày 6/7/2018, thương chiến Mỹ-Trung chính thức khởi phát với quyết định áp thuế 25% lên 34 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc của Mỹ.
Kể từ đó tới nay, 2 hội nghị thượng đỉnh diễn ra, hàng loạt các đợt áp thuế mới được công bố, hơn 10 vòng đàm phán được xúc tiến. Xen kẽ vào đó là những đổ vỡ, những lần "trở mặt", những cảnh báo, đe dọa mà 2 bên đưa ra cho nhau.
Mỹ nói rằng một thỏa thuận đã được "nặn thành hình" tới 95% vào tháng 5 nhưng bị Trung Quốc đạp đổ khi Bắc Kinh thay đổi các thỏa thuận mà 2 bên mất nhiều tháng mới đạt tới đồng thuận.
Tới cuối tháng 6, các cuộc đàm phán mới trở lại đường ray sau một thời gian trật bánh. Lãnh đạo 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới trấn an cộng đồng quốc tế bằng thỏa thuận đình chiến tại G-20. Tổng thống Trump khẳng định Mỹ sẽ không áp thêm thuế lên hàng hóa Trung Quốc khi 2 bên đang nói chuyện và đề cập tới lệnh ân xá cho Huawei.
Các diễn biến tại Osaka khiến nhiều người lo lắng về kịch bản tồi tệ nhất thở phào, nhưng trở ngại để tiến đến một thỏa thuận chấm dứt cuộc chiến thương mại kéo dài suốt 1 năm qua vẫn còn đó.
Nhìn vào thực tế ở Nhật hay các tuyên bố đưa ra sau cuộc gặp Trump-Tập, đặc biệt là khẳng định mới đây của Tổng thống Trump rằng thỏa thuận đạt được phải có lợi cho Mỹ, 2 bên dường như vẫn chưa giải quyết được các vấn đề bất đồng vốn là nguyên nhân châm ngòi cho chiến tranh thương mại.
Một năm qua, quan chức Mỹ-Trung qua lại như con thoi giữa Bắc Kinh và Washingon mà vẫn chưa giải quyết được các bất đồng đó. Liệu rằng trong thời gian tới họ có thể tìm ra lối thoát hay không trong bối cảnh thương chiến 2 bên đang là ngòi nổ cho cuộc chiến công nghệ cũng khốc liệt không kém?
Tổng thống Trump không vội vàng
Hôm 29/6, Tổng thống Trump nói ông có một cuộc gặp "hơn cả mong đợi" với Chủ tịch Tập Cận Bình, nhưng sau đó nhấn mạnh chất lượng đàm phán quan trọng hơn nhiều so với tốc độ.
Vài ngày kế đó, cố vấn kinh tế hàng đầu của Tổng thống Mỹ, ông Larry Kudlow khẳng định các cuộc đàm phán với Bắc Kinh sẽ mất rất nhiều thời gian và không có thời gian biều cho các cuộc đàm phán này.
Một điểm mấu chốt mà 2 bên đang gặp khúc mắc là xóa bỏ một phần hay tất cả thuế quan mà Mỹ áp đặt lên hàng hóa Trung Quốc. Washington nói sẽ không xóa bỏ hoàn toàn ngay cả khi đạt được thỏa thuận với Trung Quốc vì muốn giữ trong tay "con tin" đảm bảo Bắc Kinh giữ đúng cam kết trong thỏa thuận.
Nhưng như Phó Thủ tướng Lưu Hạc từng đề cập, Washington phải đảm bảo 3 điểm trước khi tiến tới bất cứ thỏa thuận nào, 1 trong số đó là dỡ bỏ toàn bộ thuế quan.
Một vấn đề khác là trợ cấp của Trung Quốc. Mỹ từ lâu phàn nàn Bắc Kinh bơm các khoản trợ cấp quá mức cho các doanh nghiệp nước, mang lại cho họ lợi thế không công bằng trên thị trường toàn cầu. Trung Quốc chống chế rằng các khoản trợ cấp là vấn đề nội bộ quốc gia và là điều cần thiết để thúc đẩy nền kinh tế.
2 bên cũng chưa đồng nhất quan điểm liên quan tới chuyển giao công nghệ bắt buộc. Mỹ than trời việc các công ty kinh doanh tại Trung Quốc phải chia sẻ công nghệ nội bộ và các bí mật thương mại với các công ty sở tại. Bắc Kinh nói các hoạt động này dựa trên thỏa thuận chung tự nguyện giữa các công ty, khẳng định cáo buộc của Mỹ là không có căn cứ.
Những người lạc quan nhìn nhận rằng, Bắc Kinh đang có những nhượng bộ nhất định khi Trung Quốc mới đây tuyên bố mở toang cánh cửa đầu tư cho các doanh nghiệp nước ngoài vốn bị khép hờ trong quá khứ. Nhưng các ý kiến bi quan hơn cho rằng hứa và làm với Trung Quốc nhiều khi không đi đôi với nhau.
Tương lai khó đoán định
Trung Quốc chưa bao giờ giấu diếm họ muốn bắt kịp và thậm chí vượt qua Mỹ trở thành cường quốc kinh tế thế giới. Mỹ cảm nhận được điều đó và đang làm mọi cách để ngăn cản tham vọng này. Tổng thống Trump muốn một thỏa thuận để kìm chân Trung Quốc, buộc họ phải từ từ từ bỏ tham vọng trên.
Nhưng những lời hô hào từ truyền thông Trung Quốc kêu gọi người dân đồng lòng trong cuộc chiến chống Mỹ hay những tuyên bố lạc quan về nền kinh tế dù bị nghi ngờ là thổi phồng cho thấy các áp lực mà ông Trump đưa ra hiện nay vẫn chưa đủ lớn để khuất phục Bắc Kinh.
"Thượng đỉnh Mỹ-Trung lần 2 chỉ là một cuộc tạm ngưng của Mỹ trong cuộc chiến thương mại ". Ryo Sahashi, chuyên gia về quan hệ Mỹ-Trung tại Đại học Tokyo nhận định.
Với Trung Quốc, Mỹ cho họ khoảng dừng để lấy hơi trước những cơn giông bão có thể ập tới bất cứ lúc nào. Với thị trường, Washington trấn an các nhà đầu tư, cho họ khoảng không trong lành để hít thở sau nhiều ngày "ô nhiễm" với các tin tức không mấy sáng sủa từ các lần áp đặt thuế quan.
Khi gió lặng, Mỹ không loại trừ khả năng sẽ tiếp tục yêu cầu Trung Quốc thay đổi luật pháp để đảm bảo Bắc Kinh không ngăn chặn những gì mà Washington gọi là "hoạt động thương mại không công bằng". Mỹ luôn lo ngại nền kinh tế định hướng thị trường của Trung Quốc sẽ bị bóp chết.
Sau hội nghị thượng đỉnh Trump-Tập tại Argentina tháng 12 năm ngoái, không ít chuyên gia tung hô thỏa thuận đình chiến giữa 2 bên, cho rằng đó có thể là điểm nút thúc đẩy thỏa thuận. Nhưng thực tế là sau khi thời hạn đình chiến hết hạn, 2 bên thậm chí còn đẩy mâu thuẫn lên mức căng thẳng mới và lôi kéo thêm vấn đề công nghệ vào cuộc đấu này.
Hầu hết các chuyên gia đều thống nhất rằng nhìn vào sự trở mặt này của 2 bên, không thể đoán định bất cứ điều gì. Bản thân người Trung Quốc cũng thừa nhận rằng họ khó lòng tin tưởng vào một người dễ thay đổi như Tổng thống Trump, người nay có thể cười đùa ban lệnh "ân xá" cho Huawei nhưng mai có thể xuống tay hạ lệnh áp thuế nặng lên hàng hóa Trung Quốc.
Trung Quốc muốn câu giờ
Nhiều quan chức chính phủ, chính trị, chiến lược gia Mỹ đánh giá Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất với Mỹ, không chỉ đối với kinh tế mà còn đối với an ninh của đất nước.
Nhưng khi mà cuộc bầu cử Tổng thống 2020 đang đến gần, Tổng thống Trump sẽ háo hức thực hiện một thỏa thuận với Trung Quốc, theo NHK. Tuy nhiên, đảng Dân chủ cũng sẽ dễ dàng xoáy sâu vào cuộc chiến hiện tại, chỉ trích vị Tổng thống Trump đảng Cộng hòa chẳng làm được gì nhiều dù đè nén Trung Quốc liên tục suốt nhiều tháng qua.
Trong khi đó, Bắc Kinh có thể câu giờ, tiếp tục các cuộc đàm phán thương mại trong khi quan sát tình hình chính trị của Mỹ để chờ đợi một thỏa thuận tốt hơn.
Nên nhớ rằng Tổng thống Trump sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2020, còn Chủ tịch Tập, sau khi giới hạn nhiệm kỳ chủ tich nước được dỡ bỏ không rõ sẽ tại vị trong bao lâu.
Điều này đồng nghĩa với việc các chính sách của Mỹ có thể sẽ thay đổi vào năm sau nếu ông Trump không đắc cử trong khi lập trường của Bắc Kinh nhiều khả năng vẫn giữ nguyên. Giới quan sát tin rằng ông Tập Cận Bình đang rất thận trọng trong việc tiến tới một thỏa thuận với Washington bởi nó sẽ phần nào định hình quan hệ Mỹ-Trung xuyên suốt những năm tháng nắm quyền chưa biết tới bao giờ của ông.
Tuy nhiên, chính sự không rõ ràng và mù mờ này khiến các doanh nghiệp trên thế giới như ngồi trên đống lửa.
Một vấn đề cơ bản hiện nay với Trung Quốc là họ chủ yếu phụ thuộc Mỹ trong vấn đề mua hàng hóa. Rất ít thị trường khác ngoài Mỹ sẵn sàng chấp nhận thặng dư trong quan hệ thương mại với Trung Quốc.
Nền kinh tế châu Âu đang không quá khỏe mạnh. Nhiều nước đang phát triển chìm trong nợ nần, một phần xuất phát từ sáng kiến Vành đai và Con đường của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Vì những lý do này, các quan chức diều hâu Mỹ tin rằng Trung Quốc có rất ít lựa chọn ngoài việc đạt được thỏa thuận với Mỹ.