Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: Reuters
Trước chuyến đi, ông Macron có hàng loạt cuộc điện đàm với các lãnh đạo đồng minh, ông Putin và cả lãnh đạo Ukraine trong tuần qua. Sau khi thăm Mátxcơva, nhà lãnh đạo Pháp sẽ sang Kiev để thực hiện sứ mệnh chính trị lớn lao mà giới quan sát cho rằng ông sẽ mất mặt nếu trở về tay không. “Chúng tôi đang tiến đến căn cứ của ông Putin. Theo nhiều cách, đó là một lần ném xúc xắc”, một nguồn tin nói với Reuters.
Nga đang tập hợp khoảng 100.000 binh lính gần Ukraine và yêu cầu Mỹ cùng NATO phải bảo đảm an ninh, bao gồm lời hứa NATO không bao giờ kết nạp Ukraine.
Hai nguồn tin thân cận với ông Macron nói rằng, mục đích của chuyến thăm là để câu giờ và đóng băng tình hình trong nhiều tháng, ít nhất đến khi đợt bầu cử “siêu tháng 4” diễn ra ở châu Âu, gồm các nước Hungary, Slovenia và Pháp.
Nhà lãnh đạo Pháp, người nổi danh với nhiều sự kiện ngoại giao kể từ khi lên nắm quyền năm 2017, vừa “đấm vừa xoa” ông Putin trong 5 năm qua. Cách làm đó mang lại những cuộc trao đổi gần gũi với nhà lãnh đạo Nga và cả những thất bại đau đớn. Không lâu sau khi lên nắm quyền, ông Macron trải thảm đỏ mời nhà lãnh đạo Nga thăm cung điện Versailles, nhưng cũng dùng chuyến thăm đó để công khai chỉ trích Nga can thiệp bầu cử. Hai năm sau, hai người gặp lại nhau tại khu nghỉ dưỡng mùa hè của nhà lãnh đạo Pháp.
Những động thái đó không ngăn được Nga tiến vào vùng ảnh hưởng truyền thống của Pháp ở châu Phi. Các nước Đông Âu xích lại gần phương Tây chỉ trích ông Macron, cho rằng nhà lãnh đạo Pháp đang cố đàm phán với Nga về một “trật tự an ninh mới ở châu Âu”. Để dẹp những chỉ trích trước chuyến đi và thể hiện vai trò lãnh đạo châu Âu trong cuộc khủng hoảng hiện nay, ông Macron lần này đã tham vấn trước các lãnh đạo phương Tây, bao gồm Thủ tướng Anh Boris Johnson và Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Chuyến đi của ông Macron đến Mátxcơva và Kiev diễn ra gần 3 tháng trước khi cuộc bầu cử tổng thống Pháp bắt đầu. Các cố vấn chính trị của ông nhìn thấy đây có thể là cơ hội để ghi điểm, dù ông Macron chưa thông báo sẽ tái tranh cử. “Đối với tổng thống, đây là cơ hội để thể hiện vai trò lãnh đạo ở châu Âu, rằng ông ấy vượt lên những xung đột”, một nguồn tin từ chính phủ Pháp nói.
Ukraine phật lòng khi Trung Quốc ủng hộ Nga
Tại cuộc họp của Liên Hợp Quốc đầu tuần trước, Trung Quốc là nước duy nhất cùng Nga bỏ phiếu chống để ngăn Hội đồng Bảo an tổ chức phiên thảo luận về cuộc khủng hoảng Ukraine. Thường được coi là một nước có sức mạnh kinh tế lớn, một đối tác quan trọng và không gây đe dọa cho Ukraine, việc Trung Quốc bỏ phiếu giống Nga tại Hội đồng Bảo an "được hiểu một cách tiêu cực, cho dù quyết định đó là vì lợi ích của Trung Quốc và không phải do Ukraine", ông Sergiy Gerasymchuk, phó giám đốc tổ chức nghiên cứu Lăng kính Ukraine ở Kiev, nhận định.
"Trung lập về địa chính trị, không ủng hộ Nga trên các diễn đàn quốc tế như Liên Hợp Quốc và tiếp tục là một đối tác thương mại của Ukraine là một cách tiếp cận công bằng và được Kiev hoan nghênh", ông nói.