Tổng thống Nga Putin từng cho biết ông sẽ xem xét việc xây dựng một liên minh chính thức với Trung Quốc. Nguồn: AP.
Sự tan băng lên đến cao trào vào năm 1979 khi Mỹ thiết lập đầy đủ quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Chuyến thăm của Tổng thống Nixon xuất phát từ mong muốn của Mỹ nhằm đạt được nhiều đòn bẩy hơn trong quan hệ với Liên Xô. Ở thời điểm đó, sức mạnh và tầm ảnh hưởng của Liên Xô đang gia tăng trên khắp thế giới.
Tuy nhiên, quan hệ giữa Liên Xô và Trung Quốc lại xấu đi, một phần do các cuộc xung đột biên giới giữa hai nước tại khu vực sông Ussuri. Vào thời điểm đó, có những đồn đoán về việc Liên Xô đã tính đến một cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào các cơ sở thử nghiệm hạt nhân của Trung Quốc ở Tân Cương. Trong bối cảnh Liên Xô tăng cường củng cố sự hiện diện quân sự tại khu vực biên giới giữa hai nước, các nhà lãnh đạo Trung Quốc kết luận rằng Liên Xô đang tạo ra mối đe dọa lớn hơn so với Mỹ. Chuyến thăm của ông Nixon được mô tả như việc “chơi lá bài Trung Quốc” – một thuật ngữ đã đi vào sử sách.
Nửa thế kỷ trôi qua, Mỹ và Trung Quốc đã trở thành đối thủ chính của nhau. Hai bên cạnh tranh gay gắt trên mọi lĩnh vực từ kinh tế, công nghệ đến quân sự và ngoại giao trên khắp thế giới.
Nước Nga hiện giờ không còn nắm vị thế siêu cường như trước kia. Với nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu nguyên liệu thô, đặc biệt là dầu mỏ và khí đốt, Moscow có rất ít triển vọng lấy lại vị thế đó. Tuy nhiên, Nga vẫn có một lực lượng quân đội hùng hậu, có khả năng phát huy sức mạnh quân sự dọc theo các vùng biên giới của nước này và xa hơn nữa. Moscow cũng sở hữu kho vũ khí hạt nhân đáng gờm cùng một tổ hợp công nghiệp-quốc phòng rộng lớn.
Giờ đây, khi cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn ngày càng gia tăng, nhiều người đã đặt câu hỏi liệu Tổng thống Nga Putin có cố gắng chơi “lá bài Trung Quốc” để tìm đòn bẩy đối phó với Mỹ hay không?
Nga-Trung ngày càng xích lại gần nhau
Trong một thập kỷ qua, Nga đã mở rộng đáng kể quan hệ hợp tác về kinh tế với Trung Quốc - nhà nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt lớn nhất thế giới. Việc Nga tìm kiếm thị trường mới tại Trung Quốc là điều rất dễ hiểu, đặc biệt là khi khả năng mở rộng xuất khẩu năng lượng của nước này sang Liên minh châu Âu (EU) bị cản trở do các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu áp đặt đối với Moscow sau sự kiện Nga sáp nhập Bán đảo Crimea năm 2014.
Những biện pháp trừng phạt đó cũng ngăn cản Nga tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tài chính phương Tây, vì vậy Moscow phải tìm đến Bắc Kinh để tài trợ cho các dự án phát triển năng lượng và tài nguyên của nước này.
Về phần mình, Trung Quốc đang xem xét kết nối tuyến hàng hải Hành lang Đông Bắc của Nga đi qua nhiều vùng biển Bắc Cực vào chương trình phát triển cơ sở hạ tầng của Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) và gọi đây là “Con đường tơ lụa vùng cực”. Ngoài ra, Nga cũng góp phần giúp Trung Quốc thực hiện các nỗ lực hiện đại hóa các lực lượng vũ trang. Về mặt lịch sử, Trung Quốc là một trong những khách hàng mua vũ khí lớn nhất của Nga, ở vị trí thứ hai chỉ sau Ấn Độ. Vào năm 2018, Trung Quốc chiếm 14% doanh số vũ khí xuất khẩu của Nga, tương đương 15 tỷ USD.
Nga đã cung cấp cho Trung Quốc tiêm kích đa nhiệm Su-35, mang được tên lửa không đối không, không đối đất, bom thông minh, bom thông thường và đang thực hiện hợp đồng bàn giao 6 hệ thống phòng không tầm xa S-400. Hai nước cũng phối hợp thực hiện dự án phát triển trực thăng quân sự hạng nặng. Bên cạnh đó, Nga đã giúp Trung Quốc xây dựng hệ thống cảnh báo sớm để xác định các vụ phóng tên lửa liên lục địa. Hiện chỉ có Nga và Trung Quốc sở hữu khả năng này.
Hai bên ngày càng mở rộng quy mô các cuộc tập trận chung. Trước năm 2018, những cuộc tập trận này chỉ xoay quanh kịch bản chống khủng bố. Kể từ cuộc tập trận Vostok-2018, hai bên tập trung vào khả năng phối hợp phòng thủ và phản công.
Putin có sẵn sàng chơi “lá bài Trung Quốc”?
Tổng thống Nga Putin không ngần ngại khi nói rằng ông sẽ xem xét việc xây dựng một liên minh chính thức với Trung Quốc. Trong cuộc họp tại Câu lạc bộ Thảo luận Quốc tế Valdai diễn ra vài tuần trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, ông Putin nhấn mạnh: “Có thể hình dung ra bất cứ điều gì. Chúng tôi vẫn chưa đặt ra mục tiêu này nhưng về nguyên tắc chúng tôi sẽ không loại trừ khả năng đó”.
Giới phân tích cho rằng, bất chấp sự hợp tác ngày càng sâu rộng giữa hai bên, lợi ích lâu dài của Nga và Trung Quốc vẫn có sự khác biệt đáng kể. Mặc dù Trung Quốc tạo điều kiện cho Nga tham gia BRI nhưng dự án này có thể đi ngược lại với lợi ích lâu dài của Nga. Nếu BRI thành công thì dự án sẽ quy tụ các nước Trung Á từng thuộc Liên Xô (cũ) (Uzbekistan, Tajikistan, Kazakhstan, Turkmenistan, Kyrgyzstan và Azerbaijan) vào quỹ đạo kinh tế, thậm chí cả quỹ đạo ngoại giao và chính trị của Trung Quốc.
Trong khi đó, Nga lại có ý định hội nhập các nước nói trên vào Liên minh Kinh tế Á-Âu – một liên minh thuế quan và thị trường chung, tận dụng vị trí địa lý và khả năng tiếp cận của Nga với thị trường năng lượng châu Âu để thu phí trung chuyển và giành lợi thế về mặt chính trị khi Trung Á xuất khẩu các nguồn năng lượng sang châu Âu.
Nếu việc xuất khẩu các nguồn năng lượng đó đi về phía đông, hướng sang Trung Quốc, Moscow sẽ có rất ít đòn bẩy đối với các quốc gia nói trên, dù trước mắt Mowcos có thể đề xuất cho phép họ tiếp cận với cơ sở hạ tầng đường sắt và đường ống dẫn khí đốt hiện có của Nga. Bên cạnh đó, Nga và Trung Quốc vẫn chưa gạt bỏ được những bất đồng liên quan đến vấn đề biên giới giữa hai nước.
Về phía Trung Quốc, vẫn chưa rõ nước này sẽ gặt hái được lợi ích gì nếu thành lập một liên minh chính thức với Nga. Nga chỉ chiếm 2% tổng kim ngạch thương mại của Trung Quốc, trong khi Mỹ chiếm tới 20%. Một mối quan hệ gắn bó chặt chẽ hơn với Nga sẽ không giúp Trung Quốc thay đổi cán cân thương mại này bằng bất cứ cách nào. Chưa kể, một liên minh quân sự chính thức với Nga sẽ khiến Trung Quốc phải gánh trách nhiệm lớn và phải can dự vào những cuộc xung đột mà nước này muốn tránh.
Tuy vậy, khả năng hình thành liên minh Nga-Trung đang đặt ra những thách thức đáng kể đối với Mỹ, đặc biệt là vị thế quân sự của Washington ở khu vực Đông Á và Tây Thái Bình Dương. Vì thế sẽ không ngạc nhiên khi thấy Điện Kremlin sử dụng mối đe dọa này để có thêm đòn bẩy đối phó Mỹ. Trong cuộc chơi này, Nga không đơn độc. Trung Quốc cũng có thể chơi “lá bài Nga” để gây sức ép với Washington./.