Tổng thống Joe Biden từ bỏ nguyên tắc “Nước Mỹ trên hết”

Linh Đan |

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã từ bỏ nguyên tắc “Nước Mỹ trên hết” do người tiền nhiệm Donald Trump đề ra. Điều này đã được ông Jake Sullivan, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ khẳng định.

Giới chuyên gia nhận định, nước Mỹ đã thực sự trở lại khi ông Joe Biden liên tiếp đạt được nhiều bước tiến quan trọng trong việc giải quyết các tranh chấp dai dẳng và mang lại các cơ hội hợp tác vì một tương lai có thể dự đoán được.

Tổng thống Joe Biden từ bỏ nguyên tắc “Nước Mỹ trên hết” - Ảnh 1.

Giới chuyên gia đánh giá tích cực về những bước tiến mà ông Joe Biden đạt được để “đưa nước Mỹ trở lại”. Nguồn: Newsweek.

CNN ngày 8/11 đã đăng tải một bài phỏng vấn Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan về tầm nhìn của chính quyền Tổng thống Joe Biden và vai trò lãnh đạo của Mỹ trong thế giới đa cực. Theo đó, trái ngược với ý tưởng về cách tiếp cận theo chủ nghĩa biệt lập của ông Trump dựa trên lợi ích quốc gia và không can thiệp vào các quá trình chung toàn thế giới, ông Biden lựa chọn đưa nước Mỹ trở lại một cách tích cực nhất có thể. “Tổng thống Biden về cơ bản đã đi theo một hướng khác với chính sách của cựu Tổng thống Donald Trump và công khai từ bỏ nguyên tắc “Nước Mỹ trên hết”.

Nguyên tắc của Tổng thống Biden trong chính sách đối ngoại là ngoại giao đa phương và tính đến lợi ích của các đồng minh, bởi điều này sẽ mang lại nhiều cơ hội hơn để giải quyết các vấn đề toàn cầu”, ông Sullivan, người được coi là rất thân cận với Tổng thống Mỹ chia sẻ. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ viện dẫn, bằng những bước đi được cân nhắc kỹ càng, Tổng thống Biden đã thành công trong việc giải quyết cuộc tranh chấp dai dẳng kéo dài 17 năm giữa hai tập đoàn sản xuất máy bay Boeing và Airbus, tạo ra bối cảnh cho kỷ nguyên hợp tác mới giữa hai bờ Đại Tây Dương.

Không những vậy, Washington và Brussels hồi cuối tháng 10 đã đạt được thỏa thuận trong tranh chấp về thuế của Mỹ đánh vào thép và nhôm nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU) vốn được đưa ra dưới thời ông Trump. Chưa hết, Mỹ và Nga đã tổ chức một loạt cuộc đàm phán kín về an ninh mạng. Cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại Geneva (Thụy Sĩ) hồi tháng 6 đã đánh dấu sự khởi đầu của một loạt cuộc tiếp xúc khác.

Ông Sullivan còn thêm rằng, căng thẳng thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc đã được hạ nhiệt bằng các cuộc đàm phán rất xây dựng. Các cuộc đàm phán này không chỉ liên quan đến những mức thuế đối với hàng hóa, mà còn về phạm vi tổng thể của quan hệ thương mại song phương. Ông Sullivan nhấn mạnh: “Nước Mỹ đã thực sự trở lại và ngành Ngoại giao một lần nữa ở vị trí trung tâm trong chính sách đối ngoại của chúng tôi. Chúng tôi sẽ xây dựng lại các liên minh của mình, tái gắn kết với thế giới, không phải để giải quyết những thách thức của ngày hôm qua, mà là của ngày hôm nay và ngày mai nữa”.

Giới chuyên gia đa phần bình luận, những kết quả nêu trên của chính quyền Tổng thống Joe Biden đã phần nào trả lời cho những hoài nghi về tương lai của nước Mỹ vào thời điểm ông mới nhậm chức và thông qua hàng chục sắc lệnh hành pháp đảo ngược chính sách của ông Donald Trump.

Các chuyên gia này đồng thời cho rằng, ông Biden và cộng sự không nên quá quan tâm đến tỉ lệ ủng hộ trong các cuộc thăm dò dư luận bởi những con số này thường xuyên biến động, không thể phản ánh được thực tế một cách bao trùm bởi những khác biệt từ bối cảnh quốc tế, khu vực cho tới các vấn đề đối nội. Tuy nhiên, những học giả có tư tưởng bảo thủ vẫn cảnh báo, chính quyền ông Biden không nên chủ quan bởi hành trình của một nhiệm kỳ tổng thống kéo dài bốn năm. David Paleologos, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính trị Đại học Suffolk, bang Massachusetts nói: “Một số cựu Tổng thống Mỹ, chẳng hạn như Jimmy Carter, đã rất thành công trong những tháng đầu tiên nhưng lại phải đối mặt với sự mất lòng tin sau đó. Trái lại, John F. Kennedy tuy bắt đầu một cách chậm chạp nhưng kết quả thành công ngoài mong đợi”.

Cũng trong khuôn khổ cuộc phỏng vấn của CNN, ông Sullivan đã tiết lộ kế hoạch hỗ trợ Afghanistan của Washington, vốn được dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm sau khi Mỹ chính thức rút khỏi quốc gia Tây Nam Á này. Theo đó, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ cho biết, trong giai đoạn hiện nay, Mỹ không muốn cung cấp hỗ trợ tài chính cho Afghanistan thông qua chính quyền lâm thời chưa được quốc tế công nhận.

Ông nhấn mạnh: “Cho đến khi chúng tôi chứng kiến sự cải thiện đáng kể trong cách tiếp cận cơ bản đối với mọi thứ của chính quyền hiện nay tại Afghanistan, từ một chính phủ bao trùm cho đến những yếu tố khác mà chúng tôi thường xuyên thảo luận, sự chú trọng của chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục tập trung vào việc tài trợ thông qua các tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ. Ngoài ra, Washington đang xem xét cách thức tốt nhất nhằm hỗ trợ người dân Afghanistan mà không tạo ra một tình huống trong đó một số nguồn tài trợ có thể được sử dụng cho những mục đích mơ hồ đối với lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags

Mỹ

Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại