Tổng thống Widodo (phải) đón và bắt tay với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đại diện cho Tổng thống Vladimir Putin đến phiên khai mạc hội nghị G20 sáng 15-11 - Ảnh: REUTERS
Hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2022 đã chính thức khai mạc sáng nay 15-11 tại đảo du lịch Bali của Indonesia và sẽ kết thúc vào ngày mai 16-11.
Sự kiện diễn ra trong bối cảnh các nền kinh tế thành viên có sự bất đồng về nhiều vấn đề, nổi lên trong số đó là cạnh tranh Mỹ - Trung và xung đột Nga - Ukraine.
Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng thống chủ nhà Joko Widodo đã thừa nhận thực tế này, rằng thế giới đang khủng hoảng chồng khủng hoảng và G20 phải thành công, không được thất bại.
Hôm 14-11, một quan chức Indonesia nhận định với Tuổi Trẻ Online rằng với sự bất đồng như hiện tại, khó có thể có một thông cáo chung sau hội nghị. Bởi lẽ thông cáo chung đòi hỏi sự đồng thuận của tất cả thành viên G20 về nội dung, từ ngữ đến cả câu chữ.
Tuy nhiên, trong cuộc họp báo sáng 15-11, ngay trước thềm khai mạc hội nghị, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel ám chỉ đã có sự thỏa hiệp giữa các bên để đạt được thông cáo chung.
"Sau hội nghị Sherpa vào tối qua (14-11), đã có sự nhất trí giữa các quan chức G20 về câu chữ thông cáo chung", ông Michel trả lời báo chí tại họp báo và tiết lộ tình hình đang "khá triển vọng".
EU nằm trong số các bên được Indonesia vận động thể hiện sự linh hoạt và bớt các câu từ chỉ trích nặng Nga để G20 có thể đạt được đồng thuận ra thông cáo chung. Mỹ, Úc, Canada và Nhật Bản được cho là cũng đang chịu sức ép từ giới chức Indonesia liên quan thông cáo chung, theo cây bút Stuart Lau của tờ Politico .
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel trong cuộc họp báo sáng 15-11 - Ảnh: G20 Media Center
Tuy nhiên tình hình có vẻ không lạc quan và triển vọng như ông Michel nói. Gần như song song với cuộc họp báo của ông Michel, đoàn Mỹ cũng tổ chức một cuộc họp báo ngắn trước thềm khai mạc G20.
Một quan chức cấp cao Mỹ tiết lộ một số nước trong G20 đã thống nhất cuộc chiến Nga phát động ở Ukraine phải bị lên án "bằng những từ ngữ mạnh mẽ nhất có thể" trong thông cáo chung. Vị này không nói rõ những cụm từ chắc chắn khiến Nga phản ứng sẽ xuất hiện như thế nào trong thông cáo.
Tất cả các nhà lãnh đạo G20 hoặc đại diện của họ sẽ phải cùng đồng ý mới ra được thông cáo chung. Hiện G20 đã bước vào phiên họp kín đầu tiên sáng 15-11 và các chỉ dấu có thể xuất hiện sớm nhất trong tối cùng ngày.
Chính quyền Tổng thống Widodo đang ra sức vận động các nước đạt được thông cáo chung sau hội nghị, xem đây là một trong những thành công trong nhiệm kỳ chủ tịch G20 nếu đạt được.
Indonesia hiểu rõ thế giới đang chia rẽ, ngay cả giữa các thành viên G20, nên việc có thể dung hòa được những khác biệt và tập hợp các bên vào thông cáo chung có ý nghĩa lớn với Jakarta.
Tổng thống Widodo không giấu ý định này và đã tranh thủ vận động các nước từ sớm. Theo tờ Politico , nhà lãnh đạo Indonesia được cho là đã vận động hành lang các nước thành viên G20 bên lề chuỗi hội nghị cấp cao ASEAN vừa kết thúc ở Campuchia.
Trong cuộc gặp với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen ngày 14-11, ông Widodo nói thẳng rằng ông muốn EU và phương Tây thể hiện sự ủng hộ và linh hoạt trong hội nghị G20.
"Tôi muốn G20 có thể đạt được những kết quả cụ thể, bởi đó là điều thế giới đang chờ", Tổng thống Widodo nhấn mạnh.