Tổng thống Donald Trump "xoay trục châu Á" như thế nào?

Lưu Bình |

Chính sách xoay trục của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương "có khả năng tiếp tục trên quy mô nhỏ" dưới Tổng thống Donald Trump, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) cho hay.

Các nhà quan sát nhận định chính phủ mới của Mỹ sẽ vẫn cam kết bảo vệ các đồng minh, nhưng sẽ đặt ít trọng tâm vào khu vực này.

"Chính quyền mới của Tổng thống Donald Trump sẽ không xóa bỏ chiến lược 'xoay trục châu Á' của người tiền nhiệm Obama, và thậm chí có thể tăng cường khả năng quân sự cũng như sự hiện diện của quân đội Mỹ trên toàn thế giới", các cố vấn quân sự cấp cao của Tổng thống đắc cử Mỹ cho biết.

Các tác động và ảnh hưởng trong chính sách đối ngoại và quốc phòng của Trump có thể được nhìn thấy, nhưng một số nhà quan sát cho rằng chính quyền Trump có thể sẽ cung cấp cơ hội chiến lược cho Trung Quốc mở rộng sự hiện diện tại châu Á.

Tổng thống Donald Trump xoay trục châu Á như thế nào? - Ảnh 1.

(Ảnh: Reuters)

Trong một bài xã luận đăng trên SCMP hôm thứ Năm (10/11), James Woolsey, cố vấn cao cấp về các vấn đề an ninh quốc gia của Trump cho biết:

"Chính quyền mới sẽ đảo ngược quá trình cắt giảm ngân sách quốc phòng và đảm bảo Mỹ sẽ vẫn là lực lượng quân sự hàng đầu trong thế giới".

Woolsey, người từng là Giám đốc CIA dưới thời Tổng thống Bill Clinton nói "Mỹ coi mình là người nắm cán cân quyền lực ở châu Á và có thể vẫn quyết tâm bảo vệ các đồng minh của mình chống lại mối đe dọa đến từ Trung Quốc".

"Trung Quốc nên nhận ra rằng phản xạ của chúng tôi ở châu Á không được thúc đẩy bởi tham vọng lãnh thổ," ông cho biết.

Hai cố vấn quốc phòng trong chiến dịch tranh cử của Trump, Thượng nghị sĩ Jeff Sessions thuộc Ủy ban Quân vụ Thượng viện, và nghị sĩ Randy Forbes - chủ tịch một tiểu ban về sức mạnh hàng hải của Mỹ, trả lời phỏng vấn của Defence News (Mỹ) cho biết kế hoạch của Trump vẫn sẽ bao gồm "tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương", nhưng "Mỹ có thể không đặt tất cả trứng vào một giỏ".

Sessions, người được cho là ứng viên vị trí Bộ trưởng Quốc phòng trong chính quyền Trump, tiết lộ rằng Tổng thống đắc cử muốn tăng cường sức mạnh của quân đội Mỹ bằng cách bổ sung 60.000 binh lính và xây dựng thêm các tàu chiến hiện đại, bao gồm tàu ​​tuần dương, tàu khu trục và tàu ngầm.

Để kế hoạch trở nên khả thi hơn, Randy Forbes cho rằng Trump và các cố vấn quốc phòng của ông nên có "một chiến lược quốc phòng quốc tế và được dẫn dắt bởi Lầu Năm Góc chứ không phải do Hội đồng An ninh Quốc gia".

Forbes cho biết điều này có nghĩa là chính sách quốc phòng của Tổng thống Trump có thể mang xu hướng "diều hâu" hơn so với người tiền nhiệm Barack Obama.

Trong chiến dịch vận động tranh cử của mình, Trump khẳng định rằng các đồng minh của Mỹ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương phải trả tiền cho việc Mỹ bảo vệ an ninh quốc gia của họ như một sự "chia sẻ công bằng" về chi phí an ninh quốc gia.

Tuy nhiên, điều đó là không dễ dàng và họ có thể yên tâm rằng chính quyền của Trump sẽ vẫn tiếp tục mối quan hệ đối tác chiến lược với họ.

Tổng thống Donald Trump xoay trục châu Á như thế nào? - Ảnh 2.

Lính Trung Quốc và Nga tập trận hải quân chung ở Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông hồi tháng 9/2016 (Ảnh: Xinhua)

Mỹ vẫn có lợi ích ở châu Á, nhưng Trump sẽ không đặt trọng tâm vào đây

Giới quan sát chuyên về quân sự cho biết, họ tin rằng Trump sẽ không hoàn toàn đảo ngược chính sách của Mỹ hiện nay đối với châu Á, bởi vì quyết định của Mỹ cuối cùng sẽ phải theo hướng mang lại lợi ích quốc gia cho Mỹ.

"Tổng thống Trump có thể sẽ không xóa bỏ quá trình xoay trục, nhưng ông ít có khả năng đặt trọng tâm vào chính sách đó," Ted Galen Carpenter, một thành viên cao cấp chuyên nghiên cứu các vấn đề quốc phòng và chính sách đối ngoại tại Viện Cato, cho biết.

"Cách tiếp cận của ông sẽ không phải là một chính sách cô lập, nhưng nó sẽ là một chính sách kiềm chế và mang tính dân tộc chủ nghĩa hơn."

Tiến sĩ Rajeev Ranjan Chaturvedy, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Nam Á Đại học Quốc gia Singapore nói:

"Mặc dù đã đưa ra những tuyên bố thất thường trong quá trình tranh cử, nhưng tổng thống mới có khả năng sẽ chỉ định một cá nhân dày dạn kinh nghiệm để dẫn dắt và quản lý các vấn đề về quốc phòng.

Cá nhân đóng vai trò quan trọng trong việc định hình các chính sách, nhưng rõ ràng lợi ích quốc gia là quan trọng hàng đầu."

"Thể chế dân chủ sẽ kiềm chế bớt những tuyên bố hung hăng của Trump," ông Chaturvedy nói. "Mọi người có thể mong đợi một sắc thái mới và sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của Trump. Trong bài phát biểu chiến thắng của mình, ông Trump đã nói về mặt việc hợp tác và đoàn kết".

"Tôi lạc quan về sự tham gia của Trump đối với các vấn đề châu Á."

Tuy nhiên, ông Thời Ân Hoằng, chuyên gia về quan hệ Trung-Mỹ tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, cho biết cuộc bầu cử của Trump sẽ mang lại "nguy hiểm cho thế giới mà chúng ta đã quen thuộc".

"Một phương Tây suy yếu và thiếu tổ chức sẽ mang lại cho Trung Quốc nhiều cơ hội chiến lược, nhưng cũng sẽ khiến cho những khó khăn về kinh tế của Trung Quốc nghiêm trọng hơn vào thời điểm kinh tế khó khăn này.

Điều đó cũng sẽ khiến Trung Quốc trở nên quyết đoán hơn về mặt chiến lược, khi sự thận trọng [của Bắc Kinh] không được đáp lại," ông Thời nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại