Azerbaijan: Không cạnh tranh thị trường châu Âu với Nga
Vào ngày 3/9 trong cuộc phỏng vấn với Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev, tờ Il Sole 24 Ore (Ý) cho biết, châu Âu và Azerbaijan, láng giềng của Nga, đã ký một thỏa thuận tăng gấp đôi sản lượng xuất khẩu khí đốt của nước này sang châu Âu từ 10 tỷ mét khối lên 20 tỷ mét khối vào năm 2027.
"Thưa Tổng thống, đây là một bước tiến rất quan trọng và to lớn, nhưng so với sản lượng xuất khẩu của Nga, cũng tức là so với 155 tỷ mét khối vào năm 2021, [20 tỷ mét khối] là một con số rất nhỏ. Hiện nay, Azerbaijan có phải đang thực hiện các dự án có thể tăng nguồn cung, chẳng hạn như thông qua các đường ống khác để cung ứng cho các khu vực ở châu Âu, bởi nhu cầu của khu vực này rất lớn", truyền thông Ý đặt câu hỏi.
"Trên thực tế, chúng tôi đang đánh giá các phương án mới và kế hoạch mới về mặt đầu tư. Nhưng các bạn đang nói về các tình huống mới nên không ai chuẩn bị, kể cả vận chuyển khí đốt, tất cả các dự án năng lượng của chúng tôi đều dựa trên các hợp đồng hiện có. Nhiều năm trước, chúng tôi đã ký hợp đồng với các công ty châu Âu mua khí đốt của chúng tôi, sau đó đầu tư vào đường ống dẫn và cho đến một năm rưỡi trước mới bắt đầu cung cấp khí đốt cho châu Âu", Tổng thống Aliyev đáp.
Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev. Ảnh: AZERTAC
Trên cơ sở hiện thực hóa đầy đủ kế hoạch trước đó, Tổng thống Azerbaijan đã gặp gỡ Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen để thảo luận về cách tăng sản lượng trong ngắn hạn, việc này cần vốn đầu tư và sự nhất trí của các cổ đông. Đây là một quá trình.
Tổng thống Aliyev cũng cho biết, dựa trên trữ lượng khí đốt hiện tại đã được thăm dò của Azerbaijan, nước này có tiềm năng tăng nguồn cung sang châu Âu, thậm chí hơn 20 tỷ mét khối.
"Tuy nhiên, chúng tôi cũng hiểu rằng châu Âu không phải là điểm đến duy nhất của chúng tôi, thị phần chúng tôi cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ tương đương Ý, khoảng 10 tỷ mét khối, trong khi nhu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang tăng. Chúng tôi còn cung cấp cho Georgia, mặc dù thị trường không lớn". Tổng xuất khẩu khí đốt của Azerbaijan trong năm nay dự kiến là khoảng 22 tỷ đến 23 tỷ mét khối.
Nhưng Tổng thống Azerbaijan nhấn mạnh "một điều quan trọng": "Chúng tôi chưa bao giờ đặt mục tiêu cạnh tranh với khí đốt của Nga trên thị trường châu Âu. Không hề có, chúng tôi có không gian thị trường riêng. Chúng tôi đã ký hợp đồng với ba nước châu Âu gồm Ý, Hy Lạp và Bulgaria. Các nước châu Âu khác cũng đưa ra yêu cầu và chúng tôi đang đánh giá".
Ông nói rằng, Azerbaijan hiện đang gặp rất nhiều khó khăn nếu muốn mở rộng nguồn cung, bao gồm đàm phán với người tiêu dùng tiềm năng, thỏa thuận với các cổ đông về đầu tư vào sản xuất, phân phối và đàm phán giá cả.
Theo Điện Kremlin ngày 3/8, cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev để thảo luận về các vấn đề như tình hình ở Nam Kavkaz, đồng thời nhất trí tiếp tục duy trì liên lạc và tiếp xúc.
Nord Stream 1 ngừng hoạt động
Hãng tin RT ngày 5/9 dẫn lời Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, các vấn đề kỹ thuật liên quan đến vận chuyển khí đốt tới châu Âu qua đường ống dẫn khí Nord Stream 1 sẽ vẫn tồn tại cho đến khi phương Tây dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đang nhằm vào Nga.
Trước đó, vào ngày 31/8, tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom đã đóng cửa hoàn toàn việc cung cấp khí đốt qua đường ống này. Mặc dù ban đầu, Nord Stream 1 dự kiến sẽ tái hoạt động vào ngày 2/9 nhưng sau đó Gazprom đã thông báo rằng họ sẽ "khóa van" vô thời hạn do các vấn đề kỹ thuật.
"Các vấn đề trong việc vận chuyển [khí đốt] đã phát sinh do các lệnh trừng phạt mà các nước phương Tây áp đặt lên [Nga] và một số công ty Nga.... Không có lý do nào khác đằng sau các vấn đề về nguồn cung", ông Peskov nói.
Nord Stream 1 ngừng hoạt động. Ảnh: Reuters
Người phát ngôn Điện Kremlin cáo buộc, lỗi kỹ thuật này hoàn toàn là do châu Âu khi lục địa già từ chối bảo dưỡng thiết bị đường ống theo hợp đồng.
Đến 4/9, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cũng đã lặp lại lập luận của ông Peskov.
Phó Thủ tướng Novak cho rằng chính Liên minh châu Âu phải chịu trách nhiệm về các vấn đề đã cản trở quá trình nối lại nguồn cung cấp khí đốt qua đường ống Nord Stream 1.
Ông nói: "Toàn bộ vấn đề nằm ở phía [EU], vì tất cả các điều kiện của hợp đồng sửa chữa đã bị vi phạm hoàn toàn...".
Giá khí đốt châu Âu tăng cao
Việc đóng cửa hoàn toàn một đường ống dẫn dầu quan trọng của Nga khiến giá tăng gần 1/3.
Hãng tin RT đưa tin, giá khí đốt tự nhiên giao ngay tại châu Âu đã tăng 30% vào 6/9 sau khi nguồn cung thông qua đường ống Nord Stream 1 của Nga không thể tiếp tục.
Giá khí đốt kỳ hạn tháng 10 tại sàn giao dịch TTF ở Hà Lan đã tăng lên gần 2.900 USD/nghìn mét khối, tăng từ 2.213 USD vào phiên đóng cửa hôm 2/9.
Theo Gazprom, các vấn đề kỹ thuật mới nhất đã phát sinh do "vi phạm nghiêm trọng" trong quá trình bảo trì, đây là trách nhiệm của Siemens Energy. Công ty Đức phản ứng bằng cách nói rằng vụ rò rỉ không thể được coi là lý do kỹ thuật khiến việc cung cấp khí đốt qua đường ống bị ngừng hoàn toàn.
Tuần trước, Moscow cho biết chỉ có các biện pháp trừng phạt đang ngăn Nord Stream 1 hoạt động hết công suất. Giám đốc điều hành Gazprom Alexey Miller cũng cảnh báo rằng các hạn chế có thể cản trở Siemens Energy thực hiện bảo trì thường xuyên các thiết bị của đường ống.