Tổng thống Assad đã thắng, ông Trump còn "lưu luyến" gì mà không đưa Mỹ rời khỏi Syria?

Quốc Vinh |

Mỹ đã can dự vào nhiều cuộc chiến ở Trung Đông, nhưng kết quả mang về luôn là đáng thất vọng. Giữa sự cô độc ở Syria và Tổng thống Assad là người thắng xứng đáng, ông Trump nên giữ lời hứa của mình.

Tổng thống Assad đã thắng, ông Trump còn lưu luyến gì mà không đưa Mỹ rời khỏi Syria? - Ảnh 1.

Những cuộc chiến bất tận ở Trung Đông chỉ mang đến tổn thất cho người Mỹ.

Viết trên National Interest - Doug Bandow - một thành viên cao cấp tại viện Cato, cựu trợ lý đặc biệt của Tổng thống Ronald Reagan nhận định: Đã đến lúc Tổng thống Donald Trump nên đưa lực lượng Mỹ trở về nhà và cho phép Syria và các quốc gia láng giềng tự giải quyết công việc của riêng họ.

Theo Bandow, các đời Tổng thống George W. Bush và Barack Obama là những người đã đưa nước Mỹ vào con đường dẫn đến chiến tranh kéo dài ở Trung Đông. Washington đã chiến đấu ở Iraq, Libya, Syria và Yemen. Nhưng kết quả luôn dao động ở mức đáng thất vọng cho đến thảm họa.

Trước đó, Tổng thống Donald Trump cho biết ông không muốn có thêm những cuộc xung đột như vậy trong tương lai. Hồi tháng 4, Tổng thống Trump đã nhắc lại ý định này, nói rằng ông muốn rút lực lượng Mỹ ra khỏi Syria. Tuy nhiên, cho đến nay lời hứa của nhà lãnh đạo Washington vẫn chưa được thực hiện và cuộc chiến tại đây vẫn đang tiếp tục.

Chuyên gia Bandow nhận xét, đã đến lúc ông Trump phải chịu trách nhiệm về chính sách của Mỹ và chấm dứt các cuộc chiến không cần thiết đối với đất nước. Syria sẽ là một nơi tốt để bắt đầu hướng đi này.

Bài học của Mỹ

Các cuộc nội chiến với nhiều bên tham gia thường hiếm khi kết thúc tốt đẹp, đặc biệt là một trong những nơi mà hầu hết các phe nổi dậy luôn có nguy cơ thua cuộc ngay từ đầu.

Khi can thiệp vào cuộc nội chiến ở Lebanon, bắt đầu từ năm 1975 và kết thúc vào năm 1990, các doanh trại của đại sứ quán và thủy quân lục chiến Mỹ đã trở thành mục tiêu trả đũa và chịu những tổn thất nặng nề.

Tổng thống Reagan khi đó đã nhận rằng, hướng hợp lý nhất là cần phải rút quân về nước. Ông không quan tâm đến việc phe nào tăng giảm ảnh hưởng ở Beirut. Ông nhận ra rằng Mỹ không đáng phải chịu nhiều tổn hại trong một cuộc chiến mà bản thân họ không liên quan.

"Đã đến lúc Tổng thống Trump phải làm điều tương tự ở Syria", chuyên gia Bandow kêu gọi.

Nỗ lực của Washington để đồng thời lật đổ chính quyền Tổng thống Assad, đánh bại IS, giúp đỡ phe đối lập; hợp tác với người Kurd, giành được sự ủng hộ từ người Thổ Nhĩ Kỳ, làm hài lòng Israel và đối đầu với Iran, là một sự ôm đồm khủng khiếp và không bao giờ có nhiều cơ hội thành công.

Theo Bandow, có rất ít nhà hoạch định chính sách Mỹ có sự hiểu biết và năng lực cần thiết để đạt được một vài mục tiêu trong số đó, chứ đừng nói đến tất cả.

Trong những năm qua, dù đất nước phải hứng chịu những tổn thất nặng nề nhưng Tổng thống Assad thực chất vẫn là người đàn ông cuối cùng trụ vững.

Mặc dù Washington luôn cáo buộc Syria là nhà nước tài trợ khủng bố nhưng trên thực tế quốc gia này chưa bao giờ là mối đe dọa khủng bố đối với Mỹ. Do đó, không có lý do gì để Washington lo lắng về tương lai chính trị của ông Assad.

Lập luận chính đáng mơ hồ duy nhất cho sự can dự của Mỹ là sự trỗi dậy của Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS, vốn đe dọa các quốc gia Trung Đông chứ không phải Mỹ.

Mỹ có khả năng đánh bại IS, nhưng một số đối tác trước đây của họ lại bắt đầu xa lánh để chuyển sang những mục tiêu cá nhân.

Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã hậu thuẫn các nhóm phiến quân để thực hiện mục tiêu về người Kurd ở Syria; Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã chuyển hướng sang cuộc chiến chống Yemen; Israel chủ yếu nhắm vào các đồng minh của Syria là Iran và Hezbollah. Tất cả đã vẽ nên bức tranh khá đơn độc của Washington.

Tổng thống Assad đã thắng, ông Trump còn lưu luyến gì mà không đưa Mỹ rời khỏi Syria? - Ảnh 3.

Bạn bè đã rời bỏ người Mỹ ở Syria, ngay lúc này ông Trump sẽ cần thực hiện lời hứa của mình.

Tổng thống Trump ban đầu cho rằng Mỹ sẽ chỉ ở lại Syria cho đến khi nào IS bị đánh bại. Tuy nhiên, các quan chức Lầu Năm Góc đã nói đến lợi ích thứ cấp về sự hiện diện của Mỹ ở Syria, bao gồm cả việc chống lại Iran.

Những người ra quyết định khác trong chính quyền, bao gồm Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton và Ngoại trưởng Mike Pompeo, đã thể hiện mục tiêu này một cách công khai hơn. Vào tháng 9, ông Bolton tuyên bố lực lượng Mỹ sẽ không rời khỏi quốc gia Trung Đông chừng nào Iran còn lại đây.

Tuy nhiên, chính sách của Mỹ về việc đánh đuổi Iran được coi là không thực tế. Trong đó, bản thân Washington đã là người sai khi đứng khía cạnh của luật pháp quốc tế. Nước Mỹ có thể không thích sự hiện diện của Iran, nhưng Tehran đã được Chính phủ Syria hợp pháp mời vào giúp đỡ một cách chính thức. Moscow cũng vậy, còn Washington thì không.

Hơn nữa, cả Nga và Iran đều không hề thể hiện rằng họ sẽ đầu hàng trước nhu cầu xưng bá toàn diện của Washington ở Trung Đông.

Nga-Iran đều gần gũi về mặt địa lý với Syria hơn Mỹ, tạo mối quan hệ lâu dài với Damascus. Không giống như Washington, hai quốc gia này coi số phận của Tổng thống Assad là một lợi ích chính sách đối ngoại quan trọng và họ sẽ không cho phép Mỹ tự ý ra lệnh.

Theo chuyên gia Bandow, một trong những điều tồi tệ khác mà Mỹ dễ dính phải ở Syria là nguy cơ chiến tranh đang ngày càng leo cao. Tuần trước, dù bất chấp sự bác bỏ của Washington, nhà phân tích này tin rằng Mỹ rõ ràng đã tiến hành các cuộc không kích bằng máy bay không người lái vào các mục tiêu của Chính phủ Syria.

Sự hỗ trợ của Mỹ cho các lực lượng người Kurd – vốn bị Ankara chỉ tên là khủng bố - đã tạo ra xung đột tiềm tàng với đồng minh NATO. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan những ngày gần đây đã đe dọa sẽ hành động quân sự chống lại người Kurd ở phía Bắc Syria.

Đặc biệt hơn, Mỹ còn có nhiều khả năng đụng độ với Nga. Tháng trước, đã có những báo cáo về khoảng một chục sự cố giao tranh giữa hai nước. Phía Mỹ biện minh rằng họ đang thực hiện quyền tự vệ khi cảm thấy bị đe dọa. Tuy nhiên, nếu sự kiềm chế của các bên thất bại, thì điều tồi tệ hơn là có thể xảy ra.

Nước Mỹ cho đến nay đã chi 5,9 nghìn tỷ USD cho các cuộc chiến ở Trung Đông và Nam Á. Khoảng 15.000 người Mỹ, bao gồm cả quân nhân và nhân viên quân sự, cùng với 1.500 nhân viên đồng minh khác bị giết. Trong đó có tới hàng chục ngàn người Mỹ bị thương.

Kết quả mà Mỹ nhận được không phải là chiến thắng, mà là khủng bố nhiều hơn, kém ổn định hơn, các quốc gia bị tàn phá, các Chính phủ sụp đổ và những cái chết hàng loạt. Hàng trăm ngàn dân thường đã chết do hành động của quân đội Mỹ. Tất cả những gì Washington nhận được là viễn cảnh chiến tranh bất tận, chuyên gia Bandow đánh giá.

Theo ông, Tổng thống Trump nên làm theo lời hứa của mình về chính sách "nước Mỹ trên hết". Ít nhất là hãy đảm bảo sẽ không còn những cuộc chiến Trung Đông "ngớ ngẩn, không cần thiết". Và ngay từ bây giờ, rút quân ra khỏi Syria sẽ là một khởi đầu tốt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại