Tổng Bí thư: "Mọi việc thành hay bại là do công tác cán bộ!"

N. Huyền |

"Mọi việc thành hay bại là do công tác cán bộ. Nếu nói xây dựng Đảng là then chốt thì công tác cán bộ là then chốt của then chốt, cán bộ là nguyên nhân của mọi nguyên nhân".

Đó là khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuộc tiếp xúc với cử tri các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình và Tây Hồ (TP Hà Nội) để thông báo về kết quả Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XIV.

Không phát huy được vai trò thì phải thay cán bộ

Công tác cán bộ là vấn đề được nhiều cử tri quan tâm kiến nghị với Tổng Bí thư vì gần đây có hàng loạt vụ việc như bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh (nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang), hay con trai của nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng mới 28 tuổi đã được bổ nhiệm chức vụ cao trong Sabeco.

Cử tri Phạm Huy Hòa (phường Liễu Giai, quận Ba Đình) nhận định, đường lối chủ trương quy hoạch ngắn hạn, tầm nhìn dài hạn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ là rất tốt.

Tuy nhiên, tại sao tổ chức thực hiện nhiều khi không đạt mục đích? Trong nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan thì nguyên nhân chính là do cán bộ, do con người thực hành công việc đó.

Đồng tình với ý kiến trên, cử tri Nguyễn Thanh Bền (phường Kim Mã, quận Ba Đình) cho rằng, công tác cán bộ đang cho thấy những hạn chế, bất cập, vướng mắc cần được khắc phục và siết chặt lại.

Yêu cầu, đòi hỏi mà cử tri đặt ra với Quốc hội, Chính phủ là hoạt động của tổ chức bộ máy nhà nước phải tinh gọn hơn, thật sự hiệu quả, hiệu lực, tránh cồng kềnh, tránh quan liêu; đồng thời phải gần dân hơn, lắng nghe nhiều hơn và kịp thời trao đổi, đối thoại với nhân dân.

Đặc biệt, đội ngũ này phải thực hiện “nói đi đôi với làm”, tạo chuyển biến trong hành động thực tế.

“Cùng với việc lựa chọn cán bộ đủ tiêu chuẩn thì khâu sử dụng cán bộ phải đúng lúc, đúng chỗ; nếu thấy việc bố trí cán bộ ở vị trí nào mà không phát huy được vai trò thì cần điều chuyển sang việc khác phù hợp hơn” – ông Bền nhấn mạnh.

Trong khi đó, cử tri Vũ Đức Thuận (phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình) nêu ý kiến: Đảng, Quốc hội cần có cơ chế về sử dụng cán bộ, nhất là cán bộ đứng đầu các cấp, ngành.

Nếu trong 1/3 nhiệm kỳ hoặc nửa nhiệm kỳ mà không tạo được sự bứt phá, phát triển trong lĩnh vực được giao phụ trách thì nên điều chuyển sang vị trí khác theo hướng "có lên - có xuống, có vào - có ra" để đưa những cán bộ có năng lực, có trách nhiệm vào thay thế.

Theo ông Thuận, cần dứt khoát không để những cán bộ chủ trì mà năng lực yếu, không tạo được sự bứt phá, phát triển của lĩnh vực được phụ trách làm đến hết nhiệm kỳ.

Có như vậy, mới tạo được sự năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của đội ngũ cán bộ nói chung, trong đó có những người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong bộ máy nhà nước.

Cử tri mong muốn Tổng Bí thư làm đến cùng

Sau khi nghe các ý kiến tâm huyết của cử tri, trả lời về trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh, Tổng Bí thư cho biết, đây là là lĩnh vực rất quan trọng nhưng cũng vô cùng khó khăn, phức tạp.

Bởi đây là cuộc đấu tranh trong nội bộ, trong mỗi con người, giữa mặt tích cực và mặt tiêu cực. Nó liên quan đến lợi ích, đến danh dự của mỗi con người, mỗi đơn vị, không dễ tí nào!

Đặc biệt lợi ích bây giờ chằng chịt với nhau, đó là chưa kể bên ngoài họ khía vào để phá hoại chúng ta. Nhưng chúng ta quyết tâm làm để làm trong sạch Đảng, trong sạch bộ máy nhà nước.

“Gần đây chúng ta làm tiếp một số vụ được dư luận hoan nghênh. Vụ Trịnh Xuân Thanh chỉ là một ví dụ, còn liên quan nhiều thứ lắm.

Như tôi đã nói nhiều lần, phải có bước đi chắc chắn, chặt chẽ, thận trọng, hiệu quả và giữ cho được ổn định để phát triển. Việc này liên quan đến việc khác.

Có người muốn Tổng Bí thư phải đánh trống liên hồi đi, không chỉ đánh nhát một, làm đến cùng đi. Nhưng thế nào là làm đến cùng? Phải tính toán chặt chẽ, chắc chắn” – Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của công tác cán bộ và khẳng định đây là cái gốc của mọi vấn đề.

“Mọi việc thành hay bại là do công tác cán bộ. Nếu nói xây dựng Đảng là then chốt thì công tác cán bộ là then chốt của then chốt, cán bộ là nguyên nhân của mọi nguyên nhân.

Chủ trương, đường lối hay bao nhiêu, chính sách, pháp luật đúng bao nhiêu, nhưng cán bộ không đáp ứng được yêu cầu, thậm chí còn làm sai lệch thì không thể thành công” – Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Tổng Bí thư cho biết, không phải ngẫu nhiên mà ngay sau Đại hội XII của Đảng, việc đầu tiên Trung ương tiến hành là phân công, bố trí, sắp xếp lại cán bộ, vừa nghĩ cho trước mắt vừa nghĩ cho lâu dài, hài hòa giữa Trung ương và địa phương.

Tiếp sau công việc này, tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội Khóa XIII đã tiến hành kiện toàn ngay nhân sự của các cơ quan nhà nước, sớm hơn so với thông lệ các nhiệm kỳ trước.

“Việc kiện toàn nhân sự cấp cao sớm hơn so với thông lệ các nhiệm kỳ trước đều xuất phát từ việc xác định cán bộ là nhân tố quyết định.

Mặt khác, trong thực tế, nếu tiếp tục duy trì bộ máy cũ thì cũng được, nhưng nhiều ý kiến lại lo lắng, cán bộ mới thì ngồi chờ, trong khi cán bộ cũ có khi lại có tư tưởng nhiệm kỳ…

Đấy là chưa kể có trường hợp lại tranh thủ đề bạt, bổ nhiệm” – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói.

Theo Tổng Bí thư, thực tế vừa qua, việc bố trí, sắp xếp, kiện toàn nhân sự cấp cao của Nhà nước được cử tri và nhân dân hoan nghênh, đánh giá cao.

Các vị trí được kiện toàn đã bước đầu phát huy được vai trò, trách nhiệm trong lĩnh vực được giao phụ trách, xung trận với khí thế mới.

Việc bố trí, sắp xếp, kiện toàn trước một bước như vậy cũng là sự thách thức, kiểm nghiệm, động viên các chức danh được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn phải làm tốt công việc được giao, làm cơ sở để Quốc hội khóa mới xem xét, quyết định tại kỳ họp đầu tiên.

Kết quả là tại Kỳ họp thứ Nhất vừa qua, tất cả các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn đều trúng cử với tỷ lệ đại biểu Quốc hội tán thành cao, người thấp nhất cũng đạt trên 80%.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại