Tổng bí thư ĐCSTQ chịu 523 ngày "địa ngục trần gian" vì dám bắt lỗi Mao Trạch Đông

Lâm Oanh |

Từng cùng giữ chức Tổng bí thư ĐCSTQ kiêm Tổng tư lệnh Hồng quân TQ với Mao Trạch Đông nhưng sau này Trương Văn Thiên vẫn chịu đấu tố do phản đối đặt lời vu khống về chiến hữu.

Chỉ trích Mao Trạch Đông

Tại hội nghị Lư Sơn tháng 7/1959, Trương Văn Thiên đưa ra nhận định căn nguyên của cuộc khủng hoảng trong xã hội Trung Quốc giai đoạn 1958 – 1969 do ảnh hưởng từ hậu quả của kế hoạch "Đại nhảy vọt" của Mao Trạch Đông.

Với nhiều người Trung Quốc lúc bấy giờ, chỉ trích chính sách của lãnh đạo Mao Trạch Đông chẳng khác nào mắc tội "phạm thượng".

Ngay sau đó, Mao Trạch Đông đã triệu tập cuộc họp Bộ Chính trị Trung Quốc mở rộng để lên án "một số thành phần trong và ngoài đảng" đang câu kết với nhau để công kích sự lãnh đạo của đảng.

Trương Văn Thiên (1900 - 1976), tên thật là Ứng Cao, tự Văn Thiên, quê ở Giang Tô, Trung Quốc.

Trương là người thuộc thế hệ lãnh đạo đầu tiên, quan trọng của đảng Cộng sản Trung Quốc, được đánh giá là nhà chính trị, lý luận quan trọng của Trung Quốc.

Trương từng giữ chức Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc, nhưng quyền hành thực tế nằm trong tay Mao Trạch Đông.

Năm 1951, ông được bổ nhiệm làm Đại sứ Trung Quốc tại Liên Xô.

Từ năm 1954 - 1960, ông là Thứ trưởng Bộ ngoại giao nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

Trương Văn Thiên đã không tránh được liên lụy bởi những phát ngôn trước đó của mình.

Sau cuộc họp, Trương đã tìm gặp Mao để giải thích nhưng đều không được do Mao cáo bận để từ chối giáp mặt.

Trong một bức thư gửi lại Trương sau đó, Mao khẳng định những phát biểu của ông trước đó đều không đúng sự thật và chỉ ra việc bệnh cũ tái phát khiến cho ông không còn đủ tỉnh táo.

Lời nói của Mao chẳng khác nào "thánh chỉ", Trương Văn Thiên không còn cách nào khác là phải thừa nhận sai lầm do Mao "gán" cho.

Tại buổi bế mạc, Trương Văn Thiên bị cách chức. Vợ Trương - bà Lưu Anh, lúc này đang làm trợ lý Bộ trưởng cũng bị thôi việc.

Con trai duy nhất của Trương đang học Đại học Sư phạm Bắc Kinh bị đưa lên Tân Cương cải tạo.

Vụ án "61 tên phản đồ"

Sau khi rời khỏi chính trường, Trương Văn Thiên tham gia nghiên cứu chính trị, kinh tế tại Đại học Nam Khai, Thiên Tân. Tưởng như sóng gió đã qua thì Cách mạng văn hóa nổ ra năm 1966, Trương Văn Thiên lại trở thành mục tiêu tấn công của nhóm Giang Thanh - Khang Sinh.

Đỉnh điểm là vụ xét lại việc trả tự do "61 cán bộ" trong thập niên 1930.

Khoảng đầu năm 1967, do muốn chĩa mũi dao "Cách mạng văn hóa" về phía Chủ tịch Trung Quốc Lưu Thiếu Kỳ nên nhóm Giang Thanh đã lật lại sự việc xảy ra trước đó hơn 30 năm để vu khống cho Lưu tự ý quyết định mãn hạn tù đối với một loạt quan chức. Đồng thời gán cho Lưu tội danh cấu kết với Đại tướng La Thụy Khanh làm phản.

Tổng bí thư ĐCSTQ chịu số phận 523 ngày nhục nhã vì dám bắt lỗi Mao Trạch Đông - Ảnh 2.

Trương Văn Thiên và vợ, bà Lưu Anh (1905 - 2002)

Do nắm rõ tình tiết sự việc, Trương Văn Thiên đã cẩn thận viết một bức thư gửi lên Khang Sinh - Cố vấn tổ cải cách Cách mạng văn hóa - nhằm giải thích và minh oan cho Lưu Thiếu Kỳ cũng như các chiến hữu.

Tuy nhiên, Khang Sinh không thèm trả lời và vào tháng 2/1967, Hồng vệ binh kéo đến Đại Học Nam Khai ép Trương Văn Thiên tường trình về vụ việc mà nhóm này gọi là "61 tên phản đồ".

Lần này, Trương quyết định bảo vệ Lưu nên khai rằng, chính ông đã phê chuẩn cho thả 61 cán bộ và nhận lỗi vì đã không báo cáo quyết định này lên cho Mao. Chính điều này đã đẩy ông vào thảm kịch cay đắng.

"Giám hộ" 523 ngày

Ngày 27/6/1967, Khang Sinh cử tổ chuyên án gồm sáu người tới thẩm vấn Trương Văn Thiên nhưng thực chất ép ông chấp nhận hai yêu sách: Nhận đã phát ngôn sai sự thật về vụ Lưu Thiếu Kỳ và không được công khai các tài liệu liên quan.

Tuy nhiên, ông đã thẳng thắn đáp trả: "Muốn xử thì hãy xử tôi đi, tôi không bao giờ đi đặt điều, hãm hại người khác".

Tổ chuyên án nghe xong vô cùng tức giận, ngay lập tức họ chỉ trích ông xuyên tạc sự thật và tuyên bố "phải đấu tranh với hạng người này".

Một năm sau, chiều ngày 17/5/1968, một đội cảnh vệ kéo đến nhà Trương Văn Thiên tuyên bố thực hiện chỉ thị tiến hành "giám hộ" đối với hai vợ chồng ông.

Theo quy định, vợ chồng Trương sẽ bị cấm tự do đi lại và chịu sự quản chế nghiêm ngặt của quân đội. Vợ chồng Trương sau đó bị giam giữ trong hai căn phòng chật hẹp, tối tăm tại doanh trại Bộ tư lệnh cảnh vệ Bắc Kinh. Ông bà không được đọc báo, nghe đài và xem tin tức, mọi sinh hoạt đều rất khổ sở.

Tổng bí thư ĐCSTQ chịu số phận 523 ngày nhục nhã vì dám bắt lỗi Mao Trạch Đông - Ảnh 3.

Mao Trạch Đông (trái) và Trương Văn Thiên

Căn phòng giam nhỏ hẹp với chiếc cửa sổ bị dán chằng chịt bằng những tờ báo cũ. Vì không có ánh sáng nên đèn được bật 24/24 giờ. Cửa ra vào được khoét một ô vuông nhỏ để người cảnh vệ bên ngoài thỉnh thoáng ngó vào giám sát. Trong phòng chỉ kê một chiếc giường và một chiếc ghế dài.

Nhóm Hồng vệ binh ngày đêm phỏng vấn vợ chồng Trương không ngừng nghỉ. Mỗi ngày hai ông bà sẽ được hai mươi phút "thư giãn". Khi đó, người lính cảnh vệ sẽ đưa Trương đến một căn phòng nhỏ ở hành lang phía Tây.

Tại đây, ông mới được tiếp xúc với ánh mặt trời. Ông bước từng bước, đúng đến bước thứ mười một, ngẩng đầu lên sẽ nhìn thấy một lính gác chằm chằm khẩu súng. Ông chỉ có thể quay đầu, quay lại vị trí cũ.

Sức khỏe Trương Văn Thiên ngày một yếu, răng cũng không được khỏe.

Bà Lưu Anh sau này kể lại, tuy buồng giam chỉ cách nhau một bức vách ngăn nhưng hai ông bà chưa bao giờ được gặp mặt, chỉ nhận ra nhau bằng tiếng ho mỗi đêm của chồng.

Lưu kể, không được gặp mặt nhưng do được dùng chung phòng vệ sinh nên ông bà đã lợi dụng căn phòng này để truyền đạt thông tin. Nhờ đó, bà mới biết, trong thời gian bị giam giữ, có lần do bệnh tim tái phát nên ông đã được đưa đi bệnh viện cấp cứu.

Ngày 20/10/1969, sau khi bị giam giữ đúng 523 ngày, vợ chồng Trương Văn Thiên nhận được tuyên bố sẽ bị đưa tới một thành phố nhỏ tại tỉnh Quảng Đông.

Ba ngày sau, ông bà cùng cô con gái nuôi được đưa tới một quân khu Triệu Khánh, Quảng Đông và được sắp xếp ở trong một căn phòng bên sườn núi. Lúc này Trương Văn Thiên đã 70 tuổi, sức khỏe rất yếu.

Tại đây, nhóm Hồng vệ binh yêu cầu đổi tên ông thành Trương Phổ và đưa ra một loạt yêu cầu như không cho dùng điện thoại, không được tiếp xúc với người ngoài, không được rời khỏi phòng ở, mỗi tháng cần báo cáo tư tưởng lên quân khu.

Sau sự kiện Lâm Bưu tử nạn (9/1971), Trương đã quyết định viết thư "cầu cứu" Mao Trạch Đông. Đến tháng 6/1972, ông nhận được thông báo, trung ương sẽ khôi phục đãi ngộ lương bổng đối với hai vợ chồng.

Tổng bí thư ĐCSTQ chịu số phận 523 ngày nhục nhã vì dám bắt lỗi Mao Trạch Đông - Ảnh 4.

Trương Văn Thiên (trái) và Bành Đức Hoài bị đấu tố.

Đến tháng 10/1974, Trương lại tiếp tục viết thư lên Mao lần nữa, bày tỏ được về Bắc Kinh sinh sống và dưỡng bệnh nhưng Mao không đồng ý và ra lệnh chuyển gia đình Trương đến một địa phương khác.

Tháng 8/1975, gia đình Trương chuyển từ Quảng Đông đến Giang Tô. Lúc này, bệnh tình Trương trở nên khá nặng với vô số lần cấp cứu tại bệnh viện.

19h20 tối 1/7/1976, do bệnh tim tái phát, Trương Văn Thiên trút hơi thở cuối cùng tại thành phố Vô Tích, Giang Tô, hưởng thọ 76 tuổi.

Tại Hội nghị trung ương 3 Khóa XI đảng Cộng sản Trung Quốc tháng 12/1978, trường hợp của Trương Văn Thiên được xem xét, cải chính.

Ngày 25/8/1979, lễ truy điệu ông được tổ chức long trọng tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại