“Tôi từng là kẻ bắt nạt học đường, nhưng tôi hiểu vì sao”: Khi tâm sự của thủ phạm cũng cần được lắng nghe

Chi Chi |

Học sinh đều là những đứa trẻ chưa trưởng thành, bao gồm cả thủ phạm và nạn nhân của bạo lực học đường.

20 năm trước tại trường trung học Columbine, hai học sinh bị bắt nạt đã chĩa súng vào bạn bè của mình. Cho đến nay, tiếng súng bạo lực học đường vẫn chưa dừng lại. Ở Hà Nam, Trung Quốc, một bé gái 7 tuổi bị bạn nhét hàng chục bông hoa giấy vào mắt. Ở California, một cậu bé 13 tuổi bị bắt nạt đến chết ở trường. Ở Việt Nam, có cậu bé bị bạn bè trêu chọc đến bật khóc dưới danh xưng “trò đùa vui”.

Rốt cuộc, nguyên nhân của bạo lực học đường là gì? Và chúng ta có thể làm gì để đảo ngược thảm kịch tiềm ẩn này?

Trong cuộc sống thực, nếu bạo lực học đường và bắt nạt không đặc biệt nghiêm trọng thì chúng ta thường chọn cách phớt lờ chúng. Nhưng một khi sự việc tiến triển đến mức không thể cứu chữa được thì các cơ quan có thẩm quyền, những người làm giáo dục, các bậc phụ huynh và thậm chí cả xã hội sẽ ngay lập tức chỉ tay vào thủ phạm. Sau khi bi kịch xảy ra, thủ phạm tất nhiên là nguồn gốc của tội ác. Chính định kiến này đã làm chúng ta mù quáng.

“Tôi từng là kẻ bắt nạt học đường, nhưng tôi hiểu vì sao”: Khi tâm sự của thủ phạm cũng cần được lắng nghe - Ảnh 1.

Có phải tất cả những người làm những điều khủng khiếp đều là những đứa trẻ xấu? Chúng ta vẫn luôn giải thích hành vi theo khía cạnh tính cách và nhìn thế giới theo sự phân đôi giữa “tốt” và “xấu”. Học sinh cũng là người bằng xương bằng thịt, là những đứa trẻ chưa trưởng thành, bao gồm cả thủ phạm và nạn nhân của bạo lực học đường. Đối mặt với một nhóm trẻ phức tạp như vậy, giáo viên nên lắng nghe tiếng nói của chúng.

Ngoài việc dạy học sinh kiến thức, giáo viên còn cần dạy học sinh cách giao tiếp và hợp tác với người khác. Cần có thêm nhiều giáo viên có thể tạo ra bầu không khí hợp tác, đồng cảm trong lớp học và mang đến cho trẻ nhiều tư tưởng rộng mở hơn nữa, thay vì chỉ trở thành một “cỗ máy lặp lại” kiến thức. Khi mọi người đều có lòng trắc ẩn và đặt mình vào hoàn cảnh của người khác, chúng mới không làm tổn thương người khác.

Thế giới của trẻ em thật ra rất đơn giản. Có rất nhiều học sinh có vấn đề cư xử nghịch ngợm, ngỗ ngược vì bị phớt lờ và muốn thu hút sự chú ý của người khác. Chúng ta nên tạo ra môi trường phù hợp cho mọi trẻ em phát triển và để đạt được điều này, cần sự chung tay của toàn xã hội. Chúng ta hãy cùng nhau hợp tác để không có đứa trẻ nào bị tổn hại.

“Tôi là người từng tham gia bạo lực học đường”

“Tôi là người từng tham gia bạo lực học đường. Tôi cảm thấy rất có lỗi, nhưng tôi hiểu nguyên nhân của hành vi bạo lực từ góc độ tâm lý” - đó là lời tâm sự của Sharon, một cư dân mạng Trung Quốc.

Tại sao bắt nạt học đường xảy ra? Liệu những đứa trẻ còn non nớt có thực sự có mối hận sâu sắc với những người bạn cùng lớp mà chúng gắn bó mỗi ngày? Khi người ta buộc tội những kẻ bắt nạt là tàn nhẫn, họ có quên rằng những kẻ bắt nạt cũng là những đứa trẻ chưa trưởng thành về mặt tinh thần?

Trong phim Em Của Thời Niên Thiếu, Ngụy Lai là một học sinh xuất sắc trong mắt bố mẹ và thầy cô nhưng lại là kẻ bạo hành máu lạnh trong lớp. Còn Cathy trong cuốn sách Nobody Left to Hate là một cô gái nghèo vẫn kiên định với niềm tin tươi sáng của mình cho đến khi chết, đồng thời cũng là một đứa con bất hiếu căm ghét cha mẹ. Cathy hay Ngụy Lai, giống như tất cả thanh thiếu niên khác, vẫn đang trong quá trình phát triển các giá trị đạo đức của mình và môi trường xã hội hiện tại đã ảnh hưởng sâu sắc đến họ.

“Tôi từng là kẻ bắt nạt học đường, nhưng tôi hiểu vì sao”: Khi tâm sự của thủ phạm cũng cần được lắng nghe - Ảnh 2.

Nhà giáo nổi tiếng Trung Quốc Hoàng Chấp Trung từng nói: “Sự đồng cảm và không khoan dung của con người có phạm vi, và quy mô của phạm vi có liên quan mật thiết đến sự hiểu biết của bạn về thế giới”. Khi còn là thiếu niên, sự hiểu biết về thế giới của thanh thiếu niên còn nông cạn và khả năng đồng cảm của họ cũng rất hạn hẹp. Vậy nên cần dạy trẻ phát triển khả năng đồng cảm càng sớm càng tốt, có thể đặt mình vào vị trí của người khác, hiểu được cảm xúc của người khác, có được sự nhạy cảm và hiểu biết về cảm xúc của người khác và phản ứng phù hợp.

Tuy nhiên, các trường học hiện nay tập trung quá nhiều vào thành tích học tập, đẩy học sinh vào một môi trường cạnh tranh quá mức, ít hợp tác. Các em chỉ có thể tận hưởng niềm vui hợp tác tại các sự kiện thể thao, một khi đã bước vào “công việc chính” là học tập thì các em chỉ tập trung vào mình.

Sau tất cả, điều cực kỳ quan trọng là giúp trẻ phát triển sự đồng cảm và khả năng hiểu được nỗi đau mà người khác trải qua càng sớm càng tốt. Đằng sau mỗi hành vi bắt nạt là cách trẻ nhìn thế giới.

Chúng ta thấy bạo lực ở trường học diễn ra một cách nhan nhản. Nạn nhân không làm gì sai nhưng có thể bị ghét chỉ vì vẻ bề ngoài hoặc hành vi khác biệt. Trong mắt những kẻ bắt nạt, việc bắt nạt những học sinh “bất thường” là điều đương nhiên và giáo viên sẽ không can thiệp nếu chưa có gì nghiêm trọng xảy ra. Trong môi trường thờ ơ như vậy, những người bị bắt nạt đương nhiên sẽ cảm thấy đau đớn và cô đơn. Rất ít giáo viên sẵn sàng tìm hiểu nguyên nhân của hành vi bắt nạt.

Chúng ta không thể đối phó với tình trạng bắt nạt trong khuôn viên trường bằng cách giảng suông và xem các video giáo dục. Điều này không làm cho những thanh thiếu niên bốc đồng nhận thức được sự nguy hiểm của nạn bắt nạt học đường. Để giúp học sinh nhận thức được sự nguy hiểm của nạn bắt nạt trong khuôn viên trường, các em cần hiểu cách đặt mình vào vị trí của người khác. Được dạy cách đồng cảm mới là chìa khóa giải quyết dứt điểm mọi bi kịch.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại