Tôi, SEA Games và sự kết nối diệu kỳ

Thanh Hải |

Tôi đã luôn mơ về khoảnh khắc được trở thành một phần của SEA Games. Và khi nó xảy ra, với những trải nghiệm chưa từng có, tôi nhận ra sự kết nối diệu kỳ... với người lạ.

Khoảnh khắc Nhâm Mạnh Dũng đánh đầu tung lưới Thái Lan

Khoảnh khắc Nhâm Mạnh Dũng đánh đầu tung lưới Thái Lan

Khoảnh khắc Nhâm Mạnh Dũng đánh đầu tung lưới Thái Lan, giúp U23 Việt Nam giành tấm huy chương Vàng SEA Games 31 đã tạo nên một cảnh tượng siêu thực, khi 4 vạn người hâm mộ ở Mỹ Đình lạc vào một thế giới ảo diệu, nơi không có muộn phiền, chỉ có sự phấn khích tột cùng, hạnh phúc tột cùng.

Cùng với đó là một hình ảnh kỳ lạ hiếm thấy. Từ khu báo chí, nơi một số phóng viên Thái Lan thẫn thờ xóa đi những dòng vừa viết, tôi chứng kiến những người xa lạ đang ôm chầm lấy nhau. Không cần biết người bên cạnh là ai, đến từ đâu, già hay trẻ, tất cả quàng tay qua vai, siết chặt và chia sẻ cảm xúc dâng trào.

Thể thao phá vỡ giới hạn và xóa nhòa khoảng cách, tôi đã thấy điều đó suốt dọc hành trình SEA Games 31. Đó là sự niềm nở của ông chủ khách sạn nơi chúng tôi lưu trú tại Phú Thọ, người đã rủ cánh phóng viên xách giày ra sân đá giao lưu với đội của ông, vốn toàn những ông chú già được gọi vui là “FC Tai biến”.

Đó là sự hào phóng ở quán cơm bình dân gần sân Việt Trì, chủ quán thoải mái để chúng tôi xúc đầy đĩa cơm với giá rẻ bất ngờ. Đó cũng là chàng trai phóng viên Indonesia đáng mến đã dành cả buổi tối để trò chuyện với chúng tôi, say sưa nói về sự thân thiện của người dân Việt Nam và trải nghiệm khó khăn để tới được sân tập ở Tam Nông.

Thật ra ngay cả các phóng viên Việt Nam, tới được Tam Nông cũng chẳng dễ dàng gì. Đó là một địa chỉ rất khó tìm và chính người Phú Thọ cũng có ít manh mối về nó. Bạn cần trải qua hành trình dài 30 cây số, trên một con đường được bao quanh chỉ đồng ruộng và đồng ruộng để tới được cái sân nhỏ tựa lưng vào quả đồi cũng nhỏ.

Khi trở về mọi thứ còn tồi tệ hơn. Google map chưa cập nhật đường cấm, khiến bạn lạc mất 30 phút. Bạn sẽ phải không ngừng hỏi dò. Nhưng đó cũng là lúc bạn cảm nhận sự ấm áp của “người lạ”. Những người vô tình gặp trên đường luôn sẵn sàng dừng lại, lắng nghe và tận dụng tất cả những kiến thức họ biết, cố gắng đưa bạn tới nơi bạn muốn.

Tôi, SEA Games và sự kết nối diệu kỳ - Ảnh 1.

Điều này cũng giống như khi tôi tìm đường tới nhà Nhâm Mạnh Dũng ở Thái Bình. Mỗi khi hạ kính xe để hỏi đường, tôi khá chắc mình sẽ nhận được câu trả lời tận tình nhất có thể. Thậm chí khi gần tới nơi, một ông chú đang tất tả trên chiếc xe đạp đột nhiên trở nên nhàn rỗi và đưa tôi đến tận nơi. Vì ghé lại sân nhà văn hóa một lúc, tưởng rằng đã mất dấu, nhưng không, giữa trưa nắng, ông vẫn kiên nhẫn đứng đợi, đảm bảo tôi sẽ tới đúng nhà người hùng SEA Games 31, sau đó được bố của Dũng kể về cái đêm chung kết không thể nào quên.

Hôm ấy để chen ra giữa đám đông vây kín Mỹ Đình, mẹ Dũng văng mất cả dép. Đến khi trở về, vừa đặt đôi chân trần xuống lối vào quen thuộc, bà choáng ngợp trước rừng cờ đỏ phủ kín căn nhà. Những người hâm mộ xa lạ sau khi đi bão đã ghé đến đây, cắm cờ Tổ quốc quanh căn nhà đã sinh ra chàng trai vừa đưa cả đất nước vào không khí lễ hội.

Thật ra tôi đã cảm nhận được không khí lễ hội ấy ngay những ngày đầu SEA Games 31. Bất cứ nơi nào đi qua, mọi nhà thi đấu, sân vận động tôi đến đều huyên náo, sôi động đến mức tôi bất giác buông tay khỏi bàn phím, đứng dậy vỗ tay và ăn mừng cùng “người lạ”. Sau đó kinh nghiệm dạy tôi rằng đừng bao giờ về sớm. Cảm xúc tuyệt vời nhất luôn ở phía sau.

Nán lại thêm một chút, bạn sẽ không bao giờ bỏ lỡ giây phút xúc động của Felisberto de Deus sau khi hoàn thành đường chạy 10.000m nam. Đám đông xa lạ không ngừng gọi tên Felisberto, và VĐV xa lạ đến từ Timor Leste cầm trên tay lá cờ Việt Nam, vốn xa lạ với anh, vẫy chào họ. Rồi khi tất cả ùa xuống chụp ảnh cùng Felisberto, ôm lấy anh, mừng rỡ thay cho anh như những người thân thiết, tôi cũng cảm thấy rưng rưng. Từ đó tôi nảy sinh thói quen theo dõi chàng trai đáng yêu này qua mạng xã hội. Mới đây anh đã thay ảnh bìa Facebook bằng bức ảnh cầm lá cờ Việt Nam nay trở nên quá đỗi thân thương.

Và nán lại một chút, niềm tự hào, lòng yêu nước của bạn dâng trào hơn bao giờ hết theo bài hát “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân” ở Việt Trì sau chiến thắng của U23 Việt Nam trước Malaysia. Trên khán đài, tôi viết với đôi tay run rẩy và con tim chỉ chực nhảy ra khỏi lồng ngực. Dưới sân, người hâm mộ đang cố lưu giữ giây phút đáng nhớ vào điện thoại. Họ muốn khoe với tất cả rằng họ đã ở đây, trên mặt cỏ đẫm nước mưa và cả mồ hôi của các chiến binh Sao Vàng. Tôi đoán họ sẽ rất tiếc nuối nếu biết trong lúc chụp ảnh cho nhau, HLV Park Hang-seo đang cắt qua sân, rảo bước về khu họp báo.

Họ không thể có được bức ảnh với chiến lược gia người Hàn Quốc, nhưng tôi thì có. Dĩ nhiên không phải ở Việt Trì, mà tại Mỹ Đình sau trận chung kết với Thái Lan. Trước khi rời phòng họp báo, HLV Park Hang-seo muốn một tấm ảnh với các phóng viên đã theo chân U23 Việt Nam suốt hành trình SEA Games 31. Sau này bạn bè nói rằng tôi rất biết chọn vị trí trong bức ảnh. Làm sao tôi có thể chậm chân được chứ khi đây chính là kỳ SEA Games đầu tiên của tôi.

Tôi đã luôn mơ về khoảnh khắc này, được trở thành một phần của SEA Games. Tất cả bắt đầu từ khi tôi còn là sinh viên mỹ thuật, ngồi ở sân ký túc để xem chung kết SEA Games 22 rồi ủ rũ khi trận đấu kết thúc, bên cạnh đống giát giường, chiếu cũ không bao giờ được đốt. Nó càng lớn hơn sau ngày tôi rẽ ngang, từ bỏ nghề giáo viên rồi thiết kế để bắt đầu viết báo. Thật không may, với một phóng viên bóng đá quốc tế, SEA Games không phải mối quan tâm chính.

Vì vậy, tôi lại phải làm mới mình một lần nữa. Tôi dần tiến vào vùng đất từng xa lạ, tiếp cận những vấn đề mới và viết những thứ trước đây ít viết. Sự thay đổi đưa tôi tới báo Tiền Phong, tới SEA Games, trải nghiệm cảm xúc chưa từng có với thật nhiều “người lạ”.

Trên đường trở về sau trận chung kết, những người lạ đi ngược chiều chìa tay ra và tôi đập tay với họ. Vừa chạm vào, tay tôi đã lướt tới người khác, và người khác nữa. Dù chỉ thoáng qua nhưng đủ để tôi cảm nhận được sự kết nối diệu kỳ.

Bất cứ nơi nào đi qua, mọi nhà thi đấu, sân vận động tôi đến đều huyên náo, sôi động đến mức tôi bất giác buông tay khỏi bàn phím, đứng dậy vỗ tay và ăn mừng cùng “người lạ”. Sau đó kinh nghiệm dạy tôi rằng đừng bao giờ về sớm. Cảm xúc tuyệt vời nhất luôn ở phía sau.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại