Tội phạm sử dụng công nghệ cao: “Biến hóa” muôn hình vạn trạng

Thúy Hà |

Theo cơ quan CSĐT Công an TP HCM, tình hình tội phạm lợi dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tiền của người dân trên địa bàn TP HCM hiện đang tiếp tục diễn biến phức tạp. Đường dây hoạt động của loại tội phạm này có hệ thống tổ chức chặt chẽ, khép kín.

Nếu như tội phạm do người Đài Loan – Trung Quốc cầm đầu, thường dùng thủ đoạn gọi điện thoại giả danh các cơ quan pháp luật Việt Nam, hù dọa nạn nhân, khiến họ sợ hãi chuyển tiền vào các tài khoản sau đó chúng rút ra chiếm đoạt, thì với tội phạm là người Nigeria, thủ đoạn phạm tội “biến hoá” muôn hình vạn trạng.

Qua Facebook, chị N.T.H (ngụ quận Bình Tân) quen một người tự giới thiệu tên Jame Oscar Herera quốc tịch Mỹ, là kỹ sư hàng hải, đã li dị 5 năm và có con gái 17 tuổi.

Sau 2 tháng tìm hiểu, ông Jame Oscar Herera muốn cưới chị H và đưa mẹ con chị sang định cư ở Mỹ. Giấc mơ định cư tại Mỹ là mong ước bấy lâu của chị H, nên nay được bạn trai ngỏ lời, chị H như “mở cờ trong bụng”.

Sau 2 tháng quen biết, Jame Oscar Herera thông báo anh ta đã bay qua Malaysia để thực hiện dự án đầu tư về dầu khí trị giá 4 triệu USD dẫn dầu từ biển vào đất liền.

Để minh chứng, Jame Oscar Herera gửi cho chị H những hình ảnh về công trình mà anh ta đang thi công.

Sau đó, Jame Oscar Herera đặt vấn đề với chị H về 2 phương án: Thứ nhất, cho anh ta mượn một số tiền để đầu tư dự án, sẽ trả vốn trong 5 tháng và cho thêm chị 500.000 USD.

Thứ hai, chị H cùng góp vốn đầu tư vào dự án vì đây là dự án rất triển vọng. Sau khi hoàn thành công trình, Jame Oscar Herera sẽ bay về Việt Nam để tổ chức đám cưới.

Tin tưởng, chị H giao hết việc lớn cho Jame Oscar Herera thực hiện, còn mình thì sẽ phụ giúp tiền. Theo yêu cầu của Jame Oscar Herera, chị H chuyển 15 lần tổng cộng gần 10,8 tỷ đồng.

Đến khi biết mình bị lừa, chị H mới ngỡ ngàng, hoang mang: “Thực tế đến nay tôi cũng không biết cụ thể ông ta ở đâu, làm gì, và số tiền của tôi có được trả không?”.

Anh H.V.H (45 tuổi) là một doanh nhân cho biết, anh bất ngờ nhận được tin nhắn từ số +447114546165 với thông tin số ĐTDĐ của anh đã trúng thưởng 1 triệu USD từ Công ty Verizone USA (Mỹ).

Để nhận thưởng, anh cần liên hệ với Công ty Verizone USD theo địa chỉ email info@verizoneprize.com.

Theo hướng dẫn, anh trao đổi qua email này thì được biết anh đã trúng thưởng giải đặc biệt của công ty, giải thưởng đã được đăng ký hợp pháp tại Mỹ.

Công ty đã ủy quyền cho Ngân hàng Standard Chartered bank (SCB), vì vậy anh H liên hệ với Ngân hàng này để làm các thủ tục nhận thưởng. Kèm theo đó là email và số điện thoại của ngân hàng để anh H liên hệ.

Khi liên lạc theo email và số điện thoại trên, anh H gặp lãnh đạo Ngân hàng SCB và tận mắt nhìn thấy “giấy chứng nhận trúng thưởng 1 triệu USD”.

Đồng thời, phía ngân hàng cũng giới thiệu người đại diện pháp lý của anh H ở nước ngoài để thay anh hoàn tất mọi thủ tục để nhận thưởng.

Theo đó, anh H phải đóng các khoản: 115 USD phí nhận thưởng qua online, 3.870 USD phí cho người đại diện ở nước ngoài, 15.000 USD để xác nhận giải thưởng không thuộc “Quỹ chống khủng bố” và “Quỹ chống rửa tiền”.

Sau khi đóng các khoản tiền trên, “đối tác” thông báo tiền thưởng của anh H đã được chuyển vào ngân hàng ở Thụy Sỹ và ngân hàng này có đại diện tại Việt Nam.

Vì vậy, để chuyển khoản tiền này về ngân hàng Việt Nam thì anh H phải đóng tiếp phí 2,87% tổng giải thưởng (tương đương 28.700 USD).

Mặc dù thấy các khoản thuế, phí đóng quá lớn nhưng nghĩ đến giải thưởng “khủng” sắp nhận được, anh H cố đi vay mượn tiếp để đóng đủ tiền theo yêu cầu.

Thế nhưng, chưa dừng lại ở đó, “đối tác” yêu cầu anh H phải tiếp tục đóng hàng loạt khoản thuế, phí... khác. Tổng số tiền anh H đã bỏ ra 3,2 tỷ đồng nhưng vẫn chưa đụng được giải thưởng.

Đến khi Công an TP Hồ Chí Minh bắt được một nhóm đối tượng cung cấp tài khoản cho các đường dây lừa đảo, trong đó có số tài khoản cá nhân mà anh H đã chuyển tiền vào theo yêu cầu của “đối tác”, anh H mới biết mình đã bị lừa và lập tức ngưng ngay việc đóng tiền để... nhận thưởng.

Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, tội phạm người Nigeria hoạt động chủ yếu ở Malaysia và Campuchia. Thủ đoạn lừa của chúng rất đa dạng “đánh” vào nhiều đối tượng: Lừa bằng cách lập email giả, lừa góp vốn đầu tư dự án (đối tượng bị lừa chủ yếu là DN); lừa trúng thưởng; lừa gửi tiền xây nhà tình thương, lo trẻ tàn tật, trẻ mồ côi; lừa yêu đương phụ nữ rồi gửi quà tặng giá trị lớn, lừa bằng cách giăng ra số tiền thừa kế khủng, hứa lo sang Mỹ...

Khi lừa đảo, bọn chúng thường đóng vai là những DN thành đạt, làm ăn ở nhiều nước trên thế giới.

Nếu lừa phụ nữ thì chúng thường “chôm” hình của những tài tử làm ảnh đại diện và sắm vai “gà trống nuôi con” để đánh vào lòng thương cảm của những phụ nữ nhẹ dạ, cả tin.

Sau khi đã hoàn toàn lấy được lòng tin của đối phương thì bọn chúng mới giở các bước lừa tiền.

Còn với tội phạm gọi điện thoại lừa đảo do người Đài Loan – Trung Quốc cầm đầu, chúng chủ yếu “tấn công” người lớn tuổi, người nội trợ (những người ít có điều kiện tiếp cận thông tin).

Theo cơ quan điều tra, tình trạng lừa đảo với các thủ đoạn trên ngày càng gia tăng, vì vậy người dân cần tỉnh táo để nhận diện các loại tội phạm trên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại