Tôi bị sếp bắt nạt bằng từ ngữ tục tĩu suốt 6 tháng, đỉnh điểm là bị ép nghỉ sau cuộc họp "vote" toàn công ty mà không hề hay biết

SA |

Phải mất một thời gian khá dài, cô gái này mới nhận ra những câu nói mà sếp cũ dành cho mình là bắt nạt tâm lý, tấn công bằng lời nói.

Vài ngày gần đây, cộng đồng mạng đã bàn tán rất nhiều về việc một designer có tiếng bị tố quấy rối và bắt nạt thực tập sinh , trả lương chỉ 2,5 triệu/tháng và không ký hợp đồng. Ngay lập tức, câu chuyện này đã dấy lên không ít tranh luận về vấn đề văn hoá nơi làm việc, về cách đối xử giữa sếp và nhân viên, thế nào là đùa cợt và bắt nạt,...

Chúng tôi đã có cơ hội lắng nghe câu chuyện của N.H - một cô gái đến từ Hà Nội. Đây là trải nghiệm và một vài lời khuyên của cô sau khi trực tiếp trải qua chuyện bị sếp cũ bắt nạt bằng lời nói trong suốt 6 tháng đi làm.

01.

Hồi đó mình làm agency cho một công ty thiết kế nhỏ, cỡ hơn chục người. Đó là công việc mình yêu thích nhưng 6 tháng (từ tháng 8/2018 đến tháng 2/2019) làm ở đó là quãng thời gian kinh khủng. Lý do đến từ người từng ở vị trí sếp của mình, dù thành thực mà nói, với mình người đó không đáng để mình gọi như vậy.

Mọi thứ bắt đầu từ những chuyện khá nhỏ nhưng lại vô cùng khó hiểu. Có lần mình đi ngang qua thì người sếp cũ đó (tạm gọi là N.) đột ngột bảo: "Ủa? Sao chị xấu quá vậy?". Lúc đó mình chưa quen nên rất ngỡ ngàng, thực sự không hiểu chuyện gì đang xảy ra. 

Hay một lần khác N. bảo mình là "đầu gối thâm" (tất nhiên cái đó chỉ nằm trong tưởng tượng của N.) rồi cười nhăn nhở. Lần này mình không phản ứng gì, càng không cười thì người đó bảo: "Sao chị nhạt quá vậy?". Nói chung mỗi lần mình làm gì không đúng ý, N. sẽ dùng những từ đầy sự nhục mạ để nói chuyện với mình dù mình lớn tuổi hơn.

Tôi bị sếp bắt nạt bằng từ ngữ tục tĩu suốt 6 tháng, đỉnh điểm là bị ép nghỉ sau cuộc họp vote toàn công ty mà không hề hay biết - Ảnh 1.

Mình là nạn nhân "ưa thích" nhất của N. nhưng không phải duy nhất. N. còn gọi kế toán của công ty là "con" với thái độ khinh bỉ, xúc phạm ra mặt: "Con đó ở nhà thuê mà dám thế này thế nọ". Mà đó chỉ là những câu nhẹ nhàng nhất bởi N. luôn dùng những từ lăng nhục, hạ bệ người khác không ra thể thống gì. Và mọi chuyện không dừng lại ở các mối quan hệ trong công ty mà với khách hàng cũng vậy. Trước mặt khách, N. thảo mai và cực kì ngọt nhạt nhưng quay lưng đi, liền gọi họ bằng "con", bằng "thằng".

02.

Hết 2 tháng thử việc, N. hẹn gặp riêng mình với nội dung yêu cầu giảm lương đồng thời có thêm 2 tháng thử việc nữa. Mình đồng ý và đã cố gắng rất nhiều trong suốt thời gian đó. Mỗi ngày, cứ hết giờ là mọi người đóng cửa về, còn mình ở lại cặm cụi làm thêm và đương nhiên không lương, nhưng N. vẫn không hài lòng. Để đến hôm sau, chỉ cần phía khách hàng không vui vì một lý do nào đó, mình luôn là người "chịu trận" đầu tiên.

Có lẽ nhiều người sẽ thắc mắc tại sao mình cố thêm khi vừa giảm lương, vừa bị "bắt nạt". Mình chẳng có lý do nào khác ngoài việc muốn khẳng định rằng mình đã cố gắng hết sức và không làm gì sai, đồng thời chứng tỏ với N. rằng mình có đủ năng lực, có tâm và có trách nhiệm với công việc.

Tôi bị sếp bắt nạt bằng từ ngữ tục tĩu suốt 6 tháng, đỉnh điểm là bị ép nghỉ sau cuộc họp vote toàn công ty mà không hề hay biết - Ảnh 2.

Mọi sự đối xử "đặc biệt" của N. với mình, mọi người còn lại trong công ty đều biết và cảm nhận được rõ sự ức hiếp. Nhưng phần lớn là người trẻ, có người còn mới 19 - 20 tuổi nên chỉ nghĩ là đùa chứ không phải thật. Thế nên tất cả đều im lặng, cùng lắm là cười ái ngại cho qua chuyện.

Đến một ngày gần Tết, N. qua mặt sếp lớn, tổ chức 1 buổi họp riêng cả công ty nhưng trừ mình và 2 người đồng nghiệp nữa để "vote" xem có nên cho mình nghỉ việc hay không. Một trong 2 người đồng nghiệp đó được gọi vào sau nên đã kể cho mình nghe nội dung cuộc họp khi mình tâm sự công việc áp lực, tính đi du học.

Sau khi được biết chuyện, mình sốc, rất sốc. Tối đó về nhà, mình đã khóc như mưa, kể hết với mẹ mọi chuyện xảy ra và cảm thấy kiệt sức vì bị làm tổn thương quá nhiều. Mình nhận được lời khuyên từ mẹ rằng báo cáo với cấp trên để xử lý mọi việc. Cấp trên sau đó đã nói chuyện với N. để chấn chỉnh và đề nghị mình ở lại công ty nhưng mình không đồng ý. Vì mình nghĩ hành vi này không phải chỉ nói chuyện là xong được, nó phức tạp hơn những gì mình kể nhiều...

03.

Tiếp đó là quãng thời gian mình vật lộn với chính bản thân để tìm kiếm sự cân bằng. Và cũng phải mất một thời gian dài mới hiểu được, hóa ra mình là nạn nhân của 1 người không tốt.

Dù không muốn chút nào nhưng lúc mới nghỉ việc, mình cứ tua đi tua lại những gì N. đã nói với mình, sỉ vả mình rồi nghi ngờ luôn cả năng lực làm việc của bản thân. Mình còn đau lòng và thất vọng vì không hiểu đã làm gì để trở thành nạn nhân như vậy. Sau một thời gian suy nghĩ, phân tích, mình biết rõ rằng mình đã cố gắng hết sức trong tình huống đó và không làm gì sai cả.

Tôi bị sếp bắt nạt bằng từ ngữ tục tĩu suốt 6 tháng, đỉnh điểm là bị ép nghỉ sau cuộc họp vote toàn công ty mà không hề hay biết - Ảnh 3.

Tiếp theo là mình làm những công việc nhẹ nhàng hơn như giúp gia đình kinh doanh. Nói thế thôi chứ không được tiếp tục công việc yêu thích mà đi làm tiếp tân cũng buồn nhiều lắm. Nhưng thời điểm đó mình còn nghĩ, phải chấp nhận đến khi bớt tổn thương thì mới có thể quay lại nghề được.

Cuối cùng mình quyết định đi tư vấn hướng nghiệp. Nghe hơi sai vì mình đã đi làm được một thời gian nhưng mình chỉ muốn thật sự hiểu mình và hiểu nghề. Lúc đó mình vẫn muốn sẽ đi du học ngành nào đó liên quan đến việc quản lý thiết kế, để sau này không ai bắt nạt được mình nữa.

Tuy nhiên mình được tư vấn rằng với những ám ảnh như vậy, môi trường thiết kế sẽ không tốt cho sức khoẻ tâm lý của mình và được định hướng nên học về trị liệu nghệ thuật. Đây là một dạng của tư vấn tâm lý, nhưng thay vì được thực hiện bằng lời nói thì dùng nghệ thuật, cụ thể với mình là vẽ, để chữa lành cho người bị căng thẳng hay có vấn đề về tâm lý mà họ không muốn nói ra. Nghề này cũng phù hợp với nguyện vọng từ nhỏ nên mình rẽ luôn sang Úc học, kết thúc sự nghiệp agency.

04.

Để có thể chia sẻ câu chuyện một cách nhẹ nhàng thế này, mình đã cần rất nhiều thời gian. Vì vậy mà mình chỉ mong các bạn trẻ sẽ tìm hiểu kĩ hơn về nơi sẽ làm, người sẽ làm trong công việc.

Còn nếu đã lỡ rồi thì cố gắng nhận diện được những hành vi quấy rối sớm hơn. Khi cảm thấy nghi ngờ, hãy kể với những người mà bạn tin tưởng và cần thiết là các nhà trị liệu tâm lý, để phán đoán chính xác đó chỉ là trò đùa hay thật sự đang bị quấy rối. Bởi lẽ ranh giới đó rất mong manh, đặc biệt là ở thời đại mà việc gọi nhau thân thiết bằng những từ khá tục tĩu lại đang phổ biến.

Tôi bị sếp bắt nạt bằng từ ngữ tục tĩu suốt 6 tháng, đỉnh điểm là bị ép nghỉ sau cuộc họp vote toàn công ty mà không hề hay biết - Ảnh 4.

Đương nhiên, nếu mình bây giờ gặp tình huống bị bắt nạt như lúc đó, mình sẽ có cách xử lý khác. Mình sẽ khẳng định N. không có quyền nói như vậy, hoặc ít nhất sẽ là 1 cuộc nói chuyện nghiêm túc rằng hành động của N. vi phạm quyền con người, bạo hành tinh thần, bắt nạt và quấy rối nên buộc phải dừng lại. Với những đối tượng như vậy, cần nhiều nhất là sự bình tĩnh, tự tin và quyết liệt. Mình cũng phải thể hiện cho họ hiểu là họ vừa bước qua giới hạn và sự chuyên nghiệp trong công sở.

Ngoài ra còn có thể báo cáo cấp trên, thu âm và ghi lại cuộc nói chuyện để làm bằng chứng (nếu mọi thứ đi quá xa và cần can thiệp pháp luật) và giải pháp cuối là tìm môi trường khác. Nói chung quan trọng là nhận diện ra được hành vi bắt nạt và nhìn ở góc độ khác, việc từng trải giúp bạn lớn hơn rất nhiều.

Với chuyện của mình hay nhiều người khác, mình biết có luồng ý kiến cho rằng người trẻ bây giờ chịu áp lực kém, hay nghiêm trọng hoá vấn đề. Thật ra, quan điểm này thật ra là một khổ rộng. Bởi nó phụ thuộc rất nhiều vào cá nhân bạn trẻ, người quản lý cũng như cần có tình huống cụ thể thì mới đánh giá được đó là do sự nhạy cảm của nhân viên hay do sự thiếu chuyên nghiệp của sếp. Còn với cá nhân mình, mình tin vào trực giác của bản thân, nếu bạn thật sự đã nỗ lực hết mình nhưng vẫn phải gánh chịu những áp lực thì bạn nên nói ra để nhận được sự giúp đỡ của mọi người.

Trong quá trình tìm hiểu, mình có đọc được một bài đăng trên The Muse (website tìm kiếm việc làm) về cách xử lý khi bị bắt nạt nơi công sở. Và đây là một số mẹo dùng tâm lý để đối thoại khá hay ho:

1. Làm họ chú ý đến giá trị của họ bằng cách nói rằng: "Tôi hiểu được giá trị của anh và sự quan tâm của anh đến mọi người. Nhưng việc làm X của anh đang làm thấp đi giá trị đó và truyền đạt sai ý tốt của anh, anh có thể làm nó bằng cách Y".

2. Giải thích tại sao đó là vấn đề: "Tôi để ý anh làm hành động X, tôi nghĩ cái đó làm khó tôi trong việc Y".

3. Gọi tên họ nhiều lần.

Ảnh minh hoạ

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại