Hoàng Thái tử Ả-rập Xê-út Mohammed bin Salman Al Saud
Nhà lãnh đạo thực tế của cường quốc dầu mỏ trở lại vũ đài thế giới sau vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi năm 2018, vụ án chấn động khiến quan hệ với Mỹ lao dốc. Thời gian gần đây, ông thể hiện thái độ bất chấp trước sức ép của Mỹ về chính sách năng lượng và cô lập Nga.
Theo giới quan sát, để thể hiện sức mạnh của nhà lãnh đạo đầy tham vọng của thế giới Ả-rập, Thái tử Mohammed sẽ tập hợp các lãnh đạo của Trung Đông và Bắc Phi dự hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc – Ả-rập nhân chuyến thăm của ông Tập Cận Bình từ ngày 6/12.
“Riyadh đang hành động dựa trên tính toán chiến lược rằng họ phải thích ứng với Bắc Kinh, vì Trung Quốc đã trở thành một đối tác kinh tế không thể thay thế”, Ayham Kamel, trưởng bộ phận Trung Đông và Bắc Phi tại hãng nghiên cứu Eurasia Group, nhận xét.
Dù Mỹ vẫn là đối tác quan trọng của các quốc gia vùng Vịnh về an ninh, nhưng Riyadh đang đổi mới chính sách đối ngoại để phục vụ mục tiêu chuyển đổi kinh tế khi thế giới cố gắng giảm phụ thuộc vào hydrocarbon.
“Chắn chắn có rủi ro khi mở rộng quan hệ với Trung Quốc và có thể dẫn đến chia rẽ trong quan hệ giữa Mỹ với Ả-rập Xê-út, nhưng Thái tử chắc chắn không theo đuổi điều này một cách bất chấp”, ông Kamel nhận định.
Chuyến thăm của ông Tập diễn ra vào thời điểm quan hệ giữa Washington với Riyadh đang ở mức thấp, thị trường năng lượng toàn cầu chịu tác động mạnh từ việc phương Tây áp trần giá lên dầu mỏ Nga và Mỹ nhìn việc Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng ở Trung Đông bằng con mắt cảnh giác.
Trong một dấu hiệu thể hiện sự khó chịu với việc Washington chỉ trích hồ sơ nhân quyền của Riyadh, Thái tử Mohammed nói với tạp chí The Atlantic hồi tháng 3 rằng ông không quan tâm liệu Tổng thống Mỹ Joe Biden có hiểu nhầm ông hay không, và rằng ông Biden nên tập trung vào các lợi ích của Mỹ.
Trong phát biểu được hãng thông tấn SPA của Ả-rập Xê-út đăng tải cũng vào tháng 3, vị Thái tử nói rằng dù Riyadh muốn tăng cường quan hệ với Washington, nhưng cũng có thể chọn cách giảm “các lợi ích của chúng tôi”, nghĩa là những dự án đầu tư của Ả-rập Xê-út vào Mỹ.
Ả-rập Xê-út đang làm sâu sắc quan hệ kinh tế với Trung Quốc – khách hàng mua dầu mỏ lớn nhất, dù Nga cũng đang tăng cường bán dầu mỏ cho Bắc Kinh với giá chiết khấu.
Bắc Kinh còn vận động để thuyết phục sử dụng đồng nhân nhân tệ trong thanh toán giữa hai nước, thay vì dùng đồng đô la Mỹ. Riyadh từng tuyên bố có thể sẽ không dùng đô la Mỹ trong một số hoạt động xuất khẩu dầu mỏ để đáp trả nguy cơ Mỹ áp luật nhằm kéo một số thành viên OPEC vào những vụ kiện chống độc quyền.
Quan hệ Mỹ - Ả-rập Xê-út vốn lạnh nhạt dưới thời chính quyền Biden vì vấn đề nhân quyền và cuộc chiến ở Yemen, nay càng thêm căng thẳng vì cuộc xung đột ở Ukraine và chính sách dầu mỏ của nhóm OPEC+ .
Các nhà ngoại giao ở khu vực nói rằng ông Tập sẽ được đón tiếp bằng nghi lễ trọng thị giống như hồi Riyadh đón Tổng thống Mỹ Donald Trump năm 2017, trái ngược với nghi thức giản đơn dành cho ông Biden trong chuyến thăm hồi tháng 7.
Những kế hoạch lớn
Năm 2017, ông Trump được Quốc vương Salman đón tại sân bay và ký được hợp đồng 100 tỷ USD cho ngành công nghiệp quân sự của Mỹ.
Đoàn Trung Quốc lần này dự kiến sẽ ký hàng chục thỏa thuận với Ả-rập Xê-út và các nước Ả-rập khác trong lĩnh vực năng lượng, an ninh và đầu tư, các nhà ngoại giao tiết lộ.
Thái tử Mohammed đang tập trung triển khai kế hoạch mang tên Tầm nhìn 2030 nhằm đưa nền kinh tế thoát khỏi tình trạng phụ thuộc vào dầu mỏ, bằng cách tạo ra những ngành công nghiệp mới, như sản xuất ô tô, vũ khí và hậu cần, dù đầu tư nước ngoài chảy vào vẫn chậm.
Vương quốc cũng mạnh tay đầu tư vào hạ tầng mới và những dự án quy mô lớn cho du lịch và các sáng kiến như khu NEOM trị giá 500 tỷ USD, hứa hẹn mang lại lợi ích lớn cho các công ty xây dựng Trung Quốc.
Ả-rập Xê-út và các đồng minh vùng Vịnh cho biết sẽ tiếp tục đa dạng hóa quan hệ đối tác để đạt được lợi ích kinh tế và an ninh, bất chấp việc Mỹ cảnh báo về mối quan hệ với Nga và Trung Quốc.
Thái tử Mohammed muốn thể hiện với dư luận trong nước rằng vương quốc này đóng vai trò quan trọng đối với nhiều cường quốc toàn cầu, theo ông Jonathan Fulton, nhà nghiên cứu cấp cao tại Hội đồng Thái Bình Dương.
“Có lẽ ông ấy muốn gửi tín hiệu đến cả Mỹ, nhưng ông ấy quan tâm nhiều hơn đến dư luận trong nước”, ông Fulton nhận định.