Một tàu khu trục của hải quân Trung Quốc di chuyển gần vùng biển Nhật Bản hôm 18/10. Ảnh: Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản.
Tờ Nikkei đưa tin, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã xác định được 5 tàu của Trung Quốc, gồm 1 tàu khu trục lớp Renhai, 1 tàu khu trục lớp Luyang III, 2 tàu hộ vệ tên lửa lớp Jiangkai và 1 tàu tiếp dầu lớp Fuchi. 5 tàu của Nga gồm 2 tàu khu trục Udaloy, 2 tàu hộ vệ lớp Steregushchiy và 1 tàu theo dõi tên lửa lớp Marshal Nedelin.
Eo biển Tsugaru ngăn cách đảo chính Honshu và đảo Hokkaido của Nhật Bản, là nơi biển Nhật Bản thông ra Thái Bình Dương. Khoảng cách giữa hai điểm gần nhất của eo biển này chỉ là 19,5km, nhưng phần trung tâm của eo biển vẫn được xác định là vùng biển quốc tế.
Trong Chiến tranh Lạnh, Nhật Bản đã quyết định giới hạn lãnh hải của nước này trong phạm vi 3 hải lý tính từ bờ biển của cả hai đảo Honshu và Hokkaido, thay vì 12 hải lý theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982, chừa ra một lối đi hẹp ở giữa eo biển Tsugaru. Lối đi không có chủ quyền này cho phép các tàu chiến Mỹ chở vũ khí hạt nhân đi qua trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh mà không bị coi là vi phạm “3 nguyên tắc phi hạt nhân” của Nhật Bản, trong đó có nguyên tắc cấm mang vũ khí hạt nhân vào lãnh thổ Nhật Bản.
Các tàu chiến của Nga và Trung Quốc đã tận dụng tối đa vị trí này, mặc dù chúng bị máy bay giám sát hàng hải P-3C và hai tàu quét mìn của Nhật Bản theo dõi chặt chẽ trong suốt cuộc hành trình. Bên cạnh việc khai thác lỗ hổng về lãnh hải của Nhật Bản trong khi vẫn tuân thủ luật pháp quốc tế, hoạt động phối hợp của Nga-Trung được Tokyo xem như một cảnh báo.
Phó Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihiko Isozaki ngày 18/10 cho biết, Tokyo đã “theo dõi chặt chẽ các hoạt động của tàu hải quân Trung Quốc và Nga xung quanh Nhật Bản với sự quan tâm cao độ”. “Chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức để thực hiện hoạt động giám sát tại các vùng biển và không phận xung quanh Nhật Bản”.
Eo biển Tsugaru nằm giữa đảo chính Honshu và đảo Hokkaido của Nhật Bản.
Tín hiệu cảnh báo
Một nhà phân tích an ninh của Viện Nghiên cứu Quốc phòng Nhật Bản (NIDS) nhận xét rằng: “Trung Quốc và Nga đã nhiều lần thực hiện những cuộc tập trận như vậy trong quá khứ, nhưng đây là lần đầu tiên họ đi qua Eo biển Tsugaru để tiến vào Thái Bình Dương. Bắc Kinh dường như muốn phô trương sức mạnh quân sự của mình trước Nhật Bản và chứng tỏ khả năng đi đến những nơi họ muốn, còn Nga cũng gửi thông điệp tương tự đến Mỹ”.
“Điều này sẽ gây lo ngại ở Tokyo khi chứng kiến hai quốc gia nói trên đang tăng cường hợp tác chiến lược và nhắm vào Nhật Bản”. Chuyên gia này lưu ý, việc tàu chiến Trung Quốc tăng cường tiếp cận Thái Bình Dương và bờ biển phía đông của Nhật Bản cũng gây thêm lo ngại vì đây là khu vực có các căn cứ quân sự của Nhật Bản.
Hải quân Mỹ và Hàn Quốc từng sử dụng tuyến đường biển này trong quá khứ nhưng điều đó không khiến Tokyo lo lắng vì hai nước này được coi là đồng minh hoặc quốc gia “không hiếu chiến”.
Các nhà phân tích của Bộ Quốc phòng Nhật Bản dự đoán rằng, hải quân của Nga và Trung Quốc có thể sẽ lặp lại hành động điều tàu chiến đi qua Eo biển Tsugaru trong tương lai. Ông James Brown, giáo sư ngành quan hệ quốc tế tại Đại học Temple ở Tokyo, nhận định “cuộc diễu hành của 10 tàu chiến nước ngoài tại khu vực cách bờ biển Nhật Bản vài km, dù mang tính biểu tượng nhưng đã gây ra lo ngại thật sự cho Tokyo”.
Phát biểu với tạp chí This Week in Asia, ông James Brown nói: “Trung Quốc và Nga tiếp tục xích lại gần nhau hơn và cùng truyền đi thông điệp rằng họ có thể tạo ra những thách thức đối với Nhật Bản. Dù không xâm phạm lãnh hải của Nhật Bản, nhưng đây giống như một tín hiệu cảnh báo”.
Bên cạnh đó, động thái nói trên có thể là lời cảnh báo Tokyo chớ nên tiếp bước Australia theo đuổi một thỏa thuận đóng tàu ngầm hạt với Anh và Mỹ sau khi 3 bên tuyên bố thành lập liên minh AUKUS hồi tháng 9 vừa qua.
Hoạt động của Nga và Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Tokyo và Bắc Kinh đang leo thang căng thẳng liên quan đến vấn đề tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Nga và Nhật Bản cũng đang tranh chấp chủ quyền với nhóm đảo Nam Kuril/Vùng lãnh thổ phương Bắc. Trong khi đó, cả Bắc Kinh và Moscow đều lo ngại về việc thành lập và khả năng mở rộng liên minh an ninh không chính thức giữa Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ, được gọi là “Bộ Tứ kim cương”.