Bà Rịa - Vũng Tàu là một tỉnh ven biển thuộc vùng Đông Nam Bộ, với diện tích 1.989 km2 và dân số khoảng 1,148 triệu người (2019). Cách TP. HCM 70 km, ở vị trí cửa ngõ ra biển Đông, Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong những tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Tính đến hết tháng 11/2022, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã hoàn thành nhiều chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Trong đó, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 390.293 tỷ đồng, tăng 7,15% so cùng kỳ. Tổng thu ngân sách trên địa bàn là 109.800 tỷ đồng, tăng 25,2%. Trong ảnh là Tượng đài Dầu khí cao hơn 24 m, đây là biểu tượng cho thành phần kinh tế quan trọng của tỉnh. Tượng đài có ngọn lửa bằng bê tông cao 7,3 m và phần bệ hình mũi tàu Mikhain Mirchin (con tàu khoan đã tìm thấy dòng dầu đầu tiên ở mỏ Bạch Hổ vào năm 1984), do Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro tặng.
Bà Rịa - Vũng Tàu có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất chiếm 93,29% trữ lượng cả nước (khoảng 400 triệu m3). Hiện, nơi đây đang là một trong những trung tâm khai thác và chế biến dầu khí lớn nhất Việt Nam với các mỏ lớn như Bạch Hổ, Hồng Ngọc, Rạng Đông. Trong ảnh là Khu công nghiệp dầu khí Long Sơn, nơi được đề xuất xây dựng Tổ hợp lọc hoá dầu và Kho dự trữ dầu quốc gia với tổng vốn đầu tư 18,5 tỷ USD.
Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong những trung tâm kinh tế biển, trung tâm công nghiệp dầu khí hiện đại trong cả nước. Trong ảnh là Tân cảng Cái Mép - Thị Vải - cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam. Hiện cảng đã có 22 dự án đi vào hoạt động, với tổng chiều dài cầu bến khu vực Cái Mép - Thị Vải đạt 9.947 m. Tháng 10/2020, cảng Cái Mép - Thị Vải đã đón tàu có trọng tải trên 214.000 tấn, trở thành cảng đầu tiên của Việt Nam và là cảng thứ 19 của thế giới đón được tàu mẹ siêu lớn.
Nhiều năm qua, Bà Rịa – Vũng Tàu đã rất chú trọng đến công tác khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Theo Sở Nông nghiệp và PTNT,8 tháng đầu năm 2022 là gần 250.000 tấn, tăng 1,5% so cùng kỳ, đạt 69,8% kế hoạch.
Bên cạnh đó, việc đầu tư đúng mức, đúng tầm cho giao thông đã khơi dậy những tiềm năng to lớn của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Các dự án hạ tầng giao thông kết nối liên vùng của tỉnh đang được thực hiện theo đúng tiến độ yêu cầu, như đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cầu Phước An, đường 991B, đường Vành đai 4 TP. HCM đoạn qua địa bàn tỉnh… Trong ảnh là Quốc lộ 51 - tuyến đường huyết mạch kết nối TP Hồ Chí Minh - Đồng Nai - Vũng Tàu.
Con đường giao thông huyết mạch - tỉnh lộ 994, dài 78 km chạy ven biển Vũng Tàu - Bình Châu sẽ được nâng cấp lên 6 làn xe với tổng vốn đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng, Khi hoàn thành, con đường này sẽ phục vụ phát triển du lịch phía Đông và kết nối vận tải liên tỉnh.
Ngoài ra, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu cũng đang được đề xuất đầu tư công với tổng vốn hơn 17.800 tỷ đồng. Toàn tuyến có chiều dài 53,7 km, với điểm đầu tại tuyến tránh Quốc lộ 1 qua TP Biên Hoà (Đồng Nai), điểm cuối giao với Quốc lộ 56 thuộc TP Bà Rịa. Khi hoàn thành, dự án không chỉ giải tỏa áp lực cho Quốc lộ 51 mà còn đóng vai trò lớn trong việc kết nối với sân bay Long Thành, tạo đà phát triển cho Bà Rịa - Vũng Tàu.
Bà Rịa - Vũng Tàu được xếp vào nhóm các tỉnh, thành có hạ tầng giao thông đường bộ đồng bộ nhất cả nước. Từ chỗ hệ thống giao thông chỉ khoảng 1.000 km, chủ yếu là đường nhỏ hẹp, trải đá dăm và cấp phối… đến nay, tỉnh đã cơ bản hoàn thành khung kết cấu chung với tổng chiều dài 4.380 km. Đường xá nội thành của tỉnh khang trang và mát mẻ với nhiều cây xanh.
Loạt hạ tầng trọng điểm kết nối Bà Rịa - Vũng Tàu và các địa phương đang được triển khai đã tạo lực đẩy cho thị trường bất động sản tại đây trở nên sôi động, tập trung nhiều dự án du lịch, nghỉ dưỡng. Trong ảnh là InterContinental Grand Hồ Tràm (tên cũ là The Grand Hồ Tràm Strip) do Asian Coast Development Limited (ACDL) làm chủ đầu tư. Đây là khu nghỉ dưỡng phức hợp có dự án casino lớn nhất Việt Nam bắt đầu hoạt động từ năm 2013 và một sân golf 18 lỗ.
Theo thống kê của Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, toàn tỉnh hiện có 132 dự án du lịch đang triển khai với tổng diện tích gần 30 km2, tổng vốn đăng ký đầu tư gần 42 nghìn tỷ đồng và hơn 9,1 tỷ USD. Trong ảnh là trục đường ven biển Thuỳ Vân, nơi dự kiến được đầu tư mạnh mẽ để trở thành cung đường du lịch 5 sao hàng đầu của tỉnh.
Mỗi năm, lượng du khách đến tỉnh vào khoảng 15- 16 triệu lượt, trong đó khách lưu trú trên 3 triệu lượt. Doanh thu từ hoạt động du lịch (từ các cơ sở lưu trú) đạt bình quân trên 5.000 tỷ đồng/năm. TP Vũng Tàu cũng đứng thứ 8 trong 10 địa điểm du lịch Việt Nam được tìm kiếm nhiều nhất năm 2021. Trong những năm sắp tới, du lịch được định hướng phát triển bền vững, chất lượng cao, trở thành một trong 4 trụ cột kinh tế quan trọng của tỉnh.