Sáng hôm qua ở tòa soạn báo Street Roots, một tờ chuyên về mảng làm báo, sau đó cho người vô gia cư đem đi bán kiếm lời tạo sinh kế cho họ.
Giám đốc điều hành của tờ báo tên Israel Bayer nói với tôi: "Vì mạng lưới người bán báo là vô gia cư, nên chúng tôi có những nguồn tin đôi khi rất đáng sợ, như những kẻ chuyên hiếp dâm tập thể phụ nữ vô gia cư, kẻ giết người vô gia cư, thậm chí có khi tìm ra cả một đường dây vận chuyển ma túy của cartel cỡ lớn từ Mexco vào.
Nhưng có những vụ quá khủng khiếp, như một nữ phóng viên điều tra đã theo vụ cưỡng hiếp và giết phụ nữ vô gia cư suốt nhiều tháng ròng, và rồi chúng tôi quyết định rút cô ấy ra khỏi vụ đó, trao cả câu chuyện lại cho các tờ lớn hơn như New York Times.
Chúng tôi không có đủ nguồn lực để bảo vệ cô ấy và cô ấy đã bị căng thẳng quá nặng khi đi theo những vụ như vậy nhiều tháng. Tôi biết đó là mất đi một loạt bài hay mà chúng tôi có thể là người mở đầu, nhưng không thể như vậy được".
Câu chuyện của ông Israel kể là một chọn lựa đầy tranh cãi với bất kỳ thời đại nào của nghề báo: Tòa soạn chọn bài báo, hay chọn phóng viên?
Ở nhiều quốc gia, phóng viên được xây dựng hình ảnh như người hùng. Họ phanh phui cái xấu, đi vào chiến trường, có mặt ở điểm nóng. Các phóng viên đó thường được vẽ ra trên phim với vẻ gió bụi, yêng hùng và dũng cảm. Với mô-típ đó, nhiều tòa soạn và biên tập viên cho rằng là phóng viên tất nhiên là phải hi sinh - vì họ là người hùng mà.
Nghề báo thú vị ở chỗ có rất nhiều người hành nghề với ý nghĩ vì bài báo là cần thiết cho điều đúng, chứ chưa hẳn là vì họ muốn nổi danh hay nhiều tiền.
Với nghề báo ở Việt Nam, phóng viên luôn sẵn sàng đến mọi điểm nóng và biết nhiều rủi ro có thể đe dọa họ. Nhưng điểm lùi cần chú ý là: Rất ít phóng viên được tòa soạn đào tạo về tường thuật trong môi trường nguy hiểm và dễ gây tổn thương.
Gần nhất là lũ lụt. Năm nào ở các miền Việt Nam cũng xảy ra lũ, lụt, lũ quét, bão… và công việc này không còn là thảm họa thình lình nữa, mà là tường thuật định kỳ. Nhưng rất ít phóng viên trẻ được dạy họ phải làm gì với các thảm họa đó, cái gì là nguy cơ, và họ được tòa soạn bảo vệ tới đâu (bảo hiểm, trang thiết bị…).
Nơi phóng viên Đinh Hữu Dư của TTXVN tử nạn khi đang tác nghiệp. Ảnh: Nhân dân
Xa hơn là tường thuật tin nóng. Phóng viên Việt Nam tại các thành phố lớn thường "phơi nhiễm" rất nặng với tai nạn, tử thi, lụt trong thành phố, chém giết, các vụ bắt cóc, thanh toán, đua xe. Phóng viên trẻ thường là người làm các mảng này, và vô cùng ít kinh nghiệm tự bảo vệ bản thân.
Trong nghề báo ở phương Tây, có một tổn thương khác là tổn thương và lung lay về đạo đức. Cái này không dễ thấy, nhưng nếu phóng viên tác nghiệp liên tục trong điều kiện giá trị đạo đức của họ bị xâm phạm, bị xô đổ, nhiều người sẽ bỏ nghề.
Vậy phóng viên phương Tây thì sao?
Phóng viên phương Tây khi ra chiến trường thường có 1 - 2 cố vấn quân sự đi kèm, được tòa soạn trả tiền toàn thời gian để bảo vệ phóng viên đó. Cố vấn quân sự có khi là sĩ quan quân đội được thuê riêng từ trụ sở hãng tin và đưa tới địa phương. Họ am hiểu về vũ khí, vùng nguy hiểm, tín hiệu tấn công, vùng đỏ…. Đúng chuẩn các sĩ quan quân đội thực sự.
Ngoài ra, phóng viên này còn đi kèm với một tài xế, một phóng viên địa phương làm phiên dịch và sắp xếp nguồn tin phỏng vấn. Một số hãng tin còn thuê riêng cả lều trong căn cứ quân sự của quốc gia sở tại cho phóng viên tường thuật.
Một phóng viên tác nghiệp trong lũ. Ảnh: CNN
Tại trụ sở tòa soạn, họ có các chuyên gia tâm lý, chuyên gia đánh giá tình hình an ninh túc trực 24/24 để nhận tin và làm bất cứ gì cần thiết để đảm bảo phóng viên an toàn trở về.
Họ có gói bảo hiểm rất tốt đi kèm về chấn thương, sinh mạng và cả điều trị sang chấn sau tường thuật (nếu có). Họ có đủ tiền để thuê khách sạn hạng sang nhất, an toàn nhất, thuê tàu thuyền, trực thăng đắt tiền nhất để đảm bảo tường thuật thông suốt.
Và trên hết, dù là đi vô vùng nóng tới đâu, phóng viên vẫn có quyền từ chối và quay về nếu cố vấn quân sự nói đó là nguy hiểm và đại sứ quán các nước phương Tây luôn hành động rất nhanh để cứu công dân mình bằng tất cả nỗ lực.
Vâng, đó là "một nửa sự thật" của phóng viên chiến trường phương Tây.
Hôm trước, khi ngồi với đại diện của Ủy ban bảo vệ nhà báo (CPJ) tại New York, họ nói với tôi: Các phóng viên tử nạn tại điểm nóng trong năm qua hầu hết là phóng viên địa phương, nơi họ không có nguồn lực như phương Tây nhưng vẫn phải tường thuật.
Đó cũng là lí do vài năm sau này, dưới các bài báo có phóng viên địa phương làm sản xuất hay kết nối nguồn tin, nhiều tòa soạn phương Tây đã ghi tên họ vào cùng với phóng viên chính - như một cách công nhận rủi ro và nỗ lực mà phóng viên địa phương gặp phải.
Và như vụ tường thuật bão Irma vừa rồi tại Mỹ, khi các phóng viên truyền hình đứng giữa bão, kế bên cây đổ, mảnh vỡ và gió to thì MC tại phòng thu của đài MSNBC tên Al Velshi đã đòi tạm dừng cuộc tường thuật và nói: "Tôi muốn có một quãng nghỉ ngắn. Tôi muốn bắt đầu lại. Tôi muốn biết các phóng viên của chúng ta có an toàn hay không".
Và New York Times là tờ đã thẳng thắn thể hiện sự không ủng hộ với đánh đổi sự an toàn để lấy một khung hình giữa bão này.
Nếu vậy, có phải vì sợ chết mà ta không viết báo nữa?
Tôi viết những điều trên không phải để đe dọa phóng viên trẻ ngưng viết ở nhà đi, mà chỉ để có một bức tranh rõ hơn và thái độ đúng đắn hơn với sinh mạng và nghề nghiệp của mình, trong thời điểm mà rất nhiều phóng viên bị đe dọa sức khỏe, sinh mạng và áp lực phải sống còn của tin tức.
Nghề báo như các nghề khác, sẽ có những tai nạn xảy ra. Nhưng đó không phải là lý do để các tòa soạn xuê xoa chấp nhận cái chết hay sự bỏ nghề của phóng viên trẻ, mà phải trang bị cho họ đầy đủ kỹ năng hơn để hành nghề khỏe mạnh và lâu dài.
Các phóng viên tường thuật bão lụt kinh nghiệm tại miền Trung hoặc vùng núi phía Bắc hoàn toàn có thể trở thành thầy đào tạo phóng viên mới, bằng các kỹ năng giữ thiết bị an toàn, bảo vệ bản thân, đoán định suối nguy hiểm, mưa lũ thay đổi, tránh các cống có thể cuốn trôi người, nhìn nhận tình hình để chọn dấn sâu vào hiện trường hay không.
Các tòa soạn không thiếu nguồn lực này, chỉ là đã không có những thu gom cần thiết để chỉ dạy phóng viên mới vào nghề.
Tòa soạn hoàn toàn có thể tổ chức học các bài an toàn cơ bản như hiểu cách tránh cột điện gãy đổ, điện chập khi lụt trong thành phố, nguy cơ khi mưa lụt, nguy cơ khi tường thuật các hiện trường bắn giết, đâm chém hoặc đua xe.
Phóng viên làm mảng đường dây nóng lâu năm đều có trang bị đầy mình các kiến thức này và hoàn toàn có thể dạy lại, nếu tòa soạn thực sự quan tâm đến sự an toàn của từng cá nhân trong tòa soạn.
Các dạng tường thuật dễ gây tổn thương như tự tử, người chết, nạn nhân tai nạn, nạn nhân cưỡng hiếp… đều để lại sự đau lòng riêng và ức chế cho người đi viết. Và tài liệu cho các tường thuật chấn thương này đều có sẵn và miễn phí tại các trường đại học lớn như Columbia hay Thomson Reuters… mà tòa soạn hoàn toàn có thể dịch lại cho phóng viên học.
Tôi tin rằng tai nạn trong nghề báo là điều không tránh khỏi. Nhưng đối mặt với các phóng viên trẻ bỏ nghề vì tổn thương hoặc hi sinh khi tác nghiệp là điều đau lòng hơn cả. Cuối cùng, sau trang báo là con người, sau bản tin là sinh mạng người, sau mỗi phóng viên đều có một người mẹ.
Các tòa soạn có đủ can đảm để tôn trọng những người mẹ ấy không?