Trung tâm Không gian Kennedy của NASA đã có tuổi đời gần 6 thập kỷ - nó được chính thức hình thành vào ngày 1/7/1962 với tư cách một thực thể riêng biệt với Trung tâm Du hành Không gian Marshall ở Alabama. Quá trình xây dựng được bắt đầu không lâu sau đó.
Vào thời điểm đó, "Ban quản lý Hoạt động Phóng tàu vũ trụ" dưới sự điều hành của Wernher von Braun và nhóm các nhà khoa học Đức của ông được đặt tại Marshall. Nhưng các lãnh đạo NASA nhận ra rằng họ cần cơ sở vật chất riêng tại Florida, bên cạnh Trạm Không quân Cape Canaveral. Do đó, họ đã lập nên "Trung tâm Hoạt động Phóng tàu vũ trụ" trên đảo Merritt gần đó. Tổng thống Lyndon B. Johnson đã đổi tên cơ sở này thành Trung tâm Không gian Kennedy một tuần sau khi Tổng thống John F. Kennedy bị ám sát vài tháng 11/1963 tại Dallas.
Khi các kế hoạch phục vụ Chương trình Apollo được phát triển, NASA cũng sớm nhận ra rằng họ cần một tòa nhà lớn để lắp ráp tên lửa Saturn V dùng trong hoạt động hạ cánh xuống Mặt trăng. Vậy là họ bắt tay vào xây dựng một công trình gọi là "Tòa nhà Lắp ráp theo chiều dọc" (Vertical Assembly Building - VAB), nơi chiếc tên lửa khổng lồ kia sẽ được lắp ghép theo chiều thẳng đứng trước khi đưa ra bệ phóng.
VAB năm 1964
Tòa nhà cao 160 mét này đổ tấm sàn trên cùng vào năm 1965 và hoàn thiện năm 1966. Những hình ảnh chụp trong quá trình xây dựng VAB – một công trình đòi hỏi đến gần 90.000 tấn thép – hùng vĩ không kém ảnh chụp khi tòa nhà đã hoàn thành. Nhưng các quan chức NASA vào thời điểm đó muốn khẳng định rõ rằng tòa nhà này không phải được xây dựng nên vì NASA muốn vậy, mà bởi họ có những ý định dành cho nó về sau này.
"Tòa nhà này không phải là một đài tưởng niệm" – Kurrt Debus,nhà khoa học tên lửa người Đức, đảm nhận giám sát quá trình xây dựng cơ sở ở Florida vào năm 1965, nói. "Nó là một công cụ mà nếu muốn, bạn có thể dùng nó để phục vụ cho các phương tiện vũ trụ cỡ lớn. Do đó nếu mọi người ấn tượng vì kích cỡ khổng lồ của nó, thì họ nên biết rằng kích cỡ là một yếu tố quan trọng của các hệ thống vận chuyển bằng tên lửa cần thiết để mang lại cho nước Mỹ khả năng để làm bất kỳ điều gì đáp ứng mục đích quốc gia trong vũ trụ".
Giám đốc Trung tâm Kurrt Debus phát biểu tại công trình VAB năm 1965
Thậm chí từ trước khi xây dựng xong, tên gọi của VAB cũng đã được thay đổi từ "Vertical" thành "Vehicle Assembly Building" (Tòa nhà Lắp ráp Phương tiện) bởi người ta đã nghĩ rằng tòa nhà này sẽ tiếp tục được sử dụng để phóng các phương tiện khác ngoài tên lửa Saturn V. Và quả đúng là vậy, khi mà nó đã phục vụ cho các tàu con thoi từ năm 1981 đến 2011. Sau khi trở về Trái đất, các tàu vũ sẽ được đưa vào VAB sau quá trình tân trang bên trong Cơ sở Xử lý Tàu quỹ đạo.
Sau khi các tàu con thoi được cho "nghỉ hưu" vào 9 năm trước, tòa nhà này đã bị bỏ không trong một thời gian dài. Nhưng theo lời Debus vào năm 1965, nó được xây dựng nên để phục vụ những tên lửa cỡ lớn của Mỹ, và có lẽ sẽ sớm được đưa vào sử dụng trở lại. VAB có 4 vịnh đậu tàu trên cao, dự kiến được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau trong thập kỷ tới. Một trong số đó sẽ dành cho tên lửa Space Launch System của NASA, và một sẽ dành cho tên lừa Omega của Northrop Grumman.
Tương lai của cả hai tên lửa cỡ lớn kia vẫn chưa được xác định – cả hai đều chỉ tồn tại nếu chính phủ Mỹ tiếp tục đầu tư (NASA đảm nhận tên lửa SLS, trong khi Lực lượng Vũ trụ Mỹ sẽ đảm nhận Omega) – nhưng dù cho tên lửa nào đi chăng nữa, thì VAB sẽ vẫn còn đó.
VAB từ trên cao năm 1964
VAB năm 1965
VAB tháng 5/1966
Một tên lửa trong sứ mệnh Apollo IV năm 1967
Lắp ráp tên lửa Saturn V cho sứ mệnh Apollo 8
VAB hiện nay
Tham khảo: ArsTechnica