Tòa án nhân dân quận Giang Can, Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang của Trung Quốc đang sử dụng ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất - WeChat - để thu nợ ở địa phương.
Cụ thể, cơ quan này đã đưa ra một chương trình nhỏ trên WeChat để nhằm mục đích gây áp lực cho các chủ nợ, thông qua những người thân xung quanh. Gia đình và bạn bè của một người bị nhắm mục tiêu sẽ nhận được các quảng cáo, thông báo về đối tượng đang nợ tiền chính quyền. Thậm chí, một chương trình ưu đãi được thực hiện, cho phép những người báo tin nơi ở của các con nợ sẽ nhận được một vài phần trăm trong tổng số tiền mà người đó nợ.
Tòa án đã bắt đầu quảng bá về ứng dụng mini này tuần trước, tuy nhiên một đại diện cho biết nó vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm và từ chối đưa ra các bình luận.
Ảnh chụp từ màn hình ứng dụng mini trên WeChat, cho thấy thông tin cá nhân của con nợ cũng như phần thưởng cho người cung cấp thông tin nhằm xác định vị trí của họ.
Một bài bình luận cuối tuần trước trên tờ Nhật báo Pháp lý của chính quyền Trung Quốc đã ca ngợi sáng kiến này của tòa án ở Chiết Giang. Tác giả bài báo viết rằng họ đã sử dụng WeChat một cách sáng tạo để gây áp lực lên các con nợ và có thể thành công trong việc thuyết phục họ thực hiện nghĩa vụ pháp lý của mình.
Cho đến nay, tòa án đã công bố tên của hơn 100 người vỡ nợ trên ứng dụng mini này, cũng như số ID, hình ảnh và một phần địa chỉ. Vi phạm của các cá nhân được nêu tên bao gồm không khai báo tài sản, không trả được nợ và trốn tránh các khoản thanh toán cho vay.
Trong những năm gần đây, các tòa án của Trung Quốc đã sử dụng một số phương pháp độc đáo để thu tiền của các con nợ. Vào tháng 4, một tòa án ở tỉnh Chiết Giang đã cho chiếu tên tuổi và hình ảnh của 60 con nợ, cũng như số tiền đang nợ, trước buổi chiếu nửa đêm của phim bom tấn Avengers: Endgame trong các rạp chiếu phim. Còn năm ngoái, một tòa án ở trung tâm tỉnh Hà Nam đã bêu danh những người còn nợ tiền trên Douyin, phiên bản tiếng Trung của ứng dụng video ngắn TikTok.
Tham khảo Sixthtone