Truyền thông thế giới đã loan thông tin cho rằng chính quyền Tổng thống Joe Biden đang chuẩn bị chuyển giao cho Ukraine các tổ hợp phòng không Patriot, và việc phê chuẩn chính thức sẽ diễn ra trong thời gian tới.
Tờ Washington Post sau đó đã đăng tải một tài liệu, trong đó cho biết kế hoạch cung cấp hệ thống Patriot cho Ukraine chỉ diễn ra sau khi Bộ Quốc phòng Mỹ trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến đào tạo và bảo trì, cũng như tính hợp pháp của việc viện trợ vũ khí này cũng như tác động đến khả năng sẵn sàng chiến đấu của Quân đội Mỹ, do chúng được rút ra từ thành phần trực chiến.
Cần lưu ý rằng Lầu Năm Góc hiện đang xây dựng một chương trình đào tạo các trắc thủ người Ukraine trên đất Đức và thời gian huấn luyện có thể sẽ kéo dài hơn 6 tháng.
Cũng có thông tin cho rằng các hệ thống phòng không Patriot mà Washington lên kế hoạch chuyển giao cho Ukraine sẽ được lấy từ kho dự trữ, chứ không phải từ các đơn vị tác chiến.
"Đây sẽ là tổ hợp vũ khí phức tạp nhất mà Ukraine có thể nhận được... Nếu Kyiv có một hoặc hai năm để tiếp nhận Patriot thì đó sẽ không phải là vấn đề... Tôi nghĩ Lầu Năm Góc rất lo lắng vì thời gian là gấp gáp", một sĩ quan Quân đội Mỹ đã nghỉ hưu, chuyên gia bình luận quân sự Mark F. Kanchian nhận xét.
Tuy nhiên cần nhấn mạnh là binh sĩ Ukraine đã làm chủ thành công các hệ thống phức tạp không kém như IRIS-T cùng với NASAMS và hiện đang chứng minh hiệu quả 100%, cho thấy trình độ rất cao trong vận hành, cho nên việc tiếp nhận Patriot có lẽ không phải vấn đề quá lớn đối với họ.
MIM-104 Patriot là hệ thống phòng không tầm xa hàng đầu của Quân đội Mỹ, có khả năng tấn công các mục tiêu siêu thanh cách xa hàng trăm km ở độ cao lớn. Tổ hợp này có thể đánh chặn tên lửa đạn đạo và hành trình, cũng như máy bay. Hệ thống được trang bị radar AESA độ phân giải cao, cung cấp phạm vi bao quát 360 độ.
Hệ thống phòng không Patriot sắp hiện diện trên đất Ukraine
Mặc dù vậy, theo chuyên gia quân sự người Mỹ David Hambling chia sẻ trong một bài viết trên tạp chí Forbes, trong nhiều năm hoạt động, Patriot đã không chứng tỏ được là phương tiện đủ hiệu quả để chống lại máy bay không người lái.
Vào năm 2017, đã xảy ra một cuộc tấn công bằng UAV vào cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Saudi Arabia và các hệ thống phòng không do Mỹ sản xuất được triển khai tại vương quốc này đã không phản ứng tốt trước mối đe dọa.
Vài năm sau tình hình lặp lại một lần nữa, do cuộc tấn công bằng máy bay không người lái, một nhà máy lọc dầu được bảo vệ bởi hệ thống Patriot đã bị hư hại nặng.
Mỹ muốn tặng tổ hợp Patriot cho Ukraine - quốc gia thường xuyên đối mặt với các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái. Về vấn đề này, các tên lửa đánh chặn trị giá hàng triệu USD dường như không phải vũ khí thiết thực nhất để chống lại UAV của Nga, vốn chỉ có giá vài nghìn USD.
Chuyên gia của tạp chí Forbes cho biết: “Patriot sẽ không ngăn chặn được làn sóng tấn công hiện tại và việc cung cấp chúng có thể là quá muộn để ngăn chặn thiệt hại thêm cho hệ thống năng lượng Ukraine".
Theo ông David Hambling, việc Mỹ sẵn sàng thảo luận về khả năng chuyển giao một hệ thống phòng không đắt đỏ như Patriot cho Ukraine cũng khá thú vị. Rõ ràng các chính trị gia Mỹ đã bắt đầu cung cấp cho Kyiv những vũ khí tinh vi và quan trọng hơn.