Tổ chức nói chuyện về Syria ở Tehran, Iran "dằn mặt" Nga?

Ngọc Minh |

Khác với trước, lần này, Iran, chứ không phải Nga, mới là nhân tố định hình trục chính trị của cuộc thảo luận, theo nhà phân tích chính sách quốc phòng Abbas Qaidaari.

Theo tuyên bố được phát đi, cuộc gặp giữa các Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Iran, Syria ở Tehran hôm 10/6 là nhằm trao đổi quan điểm và thảo luận về "cuộc chiến chống khủng bố". Tại đây, cả 3 vị quan chức cấp cao này đã khẳng định quyết tâm "tiếp tục chiến dịch quân sự cho tới khi quân khủng bố bị diệt tận gốc".

Các diễn biến chính trị và cả trên chiến trường Syria trong 2 tháng qua đã khiến Iran ngày càng nghi ngờ về đồng minh chiến lược Nga. Trong số đó, nổi bật là việc, Nga đã bí mật thông qua một thỏa thuận với Mỹ về FSA, chấp nhận các thỏa thuận ngừng bắn mà không thông báo với Iran hay Lebanon và tạm ngừng không kích chống phe đối lập ôn hòa Syria cũng như al-Nusra.

Sau cuộc tấn công của liên minh chống Assad nhằm vào làng Khan Tuman, khiến Iran thiệt hại nhiều nhất về người kể từ khi tham chiến ở Syria hồi tháng Năm, nhiều chiến lược gia trong Lực Lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) từng hoan nghênh Nga tham chiến ở Syria, đã nghi ngờ và lo lắng về mục tiêu của Moscow khi sát cánh cùng Iran, Lebanon và Syria.

Chính quyền của Tổng thống Hassan Rouhani thì thừa hiểu rằng, nền kinh tế Iran đã phải trả một cái giá đắt đỏ cho cuộc chiến ở Syria, và vì vậy, họ không muốn duy trì hiện trạng hiện nay ở quốc gia Trung Đông này.

Truyền thông Iran, vốn trước đây cũng tin tưởng sự hiện diện của Nga ở Syria, bất ngờ im lặng và hoài nghi sâu sắc.

Chính vì vậy, ông Qaidaari chỉ ra, mục tiêu chính của Iran khi tổ chức cuộc họp tại Tehran là nhằm thể hiện cho các đồng minh Syria và Nga biết rằng, quốc gia này vẫn là nhân tố chính trong cuộc chiến ở Syria và cho tới khi mục tiêu được thực hiện, họ sẽ không sẵn sàng rút lui chỉ bởi vì Assad hay Putin.

Theo ông này, mục tiêu chiến lược quan trọng nhất của Iran ở Syria là giữ cho các tuyến đường cung cấp vũ khí trên bộ từ Iran tới Iraq, Syria và Lebanon - hiện đang gần như bị cắt đứt, phải được thông suốt.

Thêm nữa, một điều đáng chú ý là, hiện nay, quan hệ hợp tác giữa Tehran và Damascus dường như đang phát triển khăng khít hơn so với giữa Damascus và Moscow, đặc biệt là khi mối nghi ngờ của Assad với đồng minh Nga cũng như mục tiêu của họ ở Syria.

Trong một thông điệp gửi tới người đồng cấp Nga mới đây, Assad đã nhấn mạnh: "Không có điều gì khiến chúng tôi hài lòng bằng một chiến thắng hoàn toàn ở Aleppo".

Về phần mình, Moscow nhìn nhận quan hệ tương tác giữa mình và Mỹ từ quan điểm chiến lược dài hạn, chứ không phải chỉ là lợi ích chiến thuật. Tuy nhiên, nước này đang nhận ra rằng, nếu hợp tác với Tehran và Damascus thì không thể chấm dứt cuộc chiến ở Syria. "Đây cũng là lý do vì sao Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov chấp nhận tới Tehran dự cuộc họp này", ông Qaidaari chỉ ra.

Dù vậy, nhà phân tích Qaidaari đánh giá, cam kết trên của Nga - dù phù hợp với mục tiêu chiến thuật của Iran và Hezbollah - song không thể thu hẹp khoảng cách chiến lược giữa các mục tiêu quân sự của mình với Iran trong cuộc chiến ở Syria, bởi để làm được điều này thì cả 2 bên đều phải trả một cái giá quá đắt.

Trong khi đó, Tehran không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải phối hợp với Nga trong ngắn hạn. "Còn về dài hạn, nước này sẽ buộc phải tung toàn bộ lực lượng vào Syria, hoặc từ bỏ một phần mục tiêu của mình ở đây".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại