Trước đó, vào ngày 25/7, Bệnh viện Đa khoa thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước tổ chức buổi hòa giải lần 2 (lần đầu ngày 24/6) vụ trao nhầm con cho hai gia đình anh Vũ Đình Khiên (ở phường Phú Thịnh, thị xã Bình Long) và chị Thị Liên (dân tọc S’tieng, xã Phước An, huyện Hớn Quản) cách đây 3 năm.
Ngoài thỏa thuận về mức bồi thường, lãnh đạo bệnh viện mong muốn hai bên sẽ trao đổi lại con mà bệnh viện này đã trao nhầm cách đây 3 năm. Tại buổi hòa giải, khi được lấy ý kiến, các bên đều chấp nhận việc trao trả hai bé về với ba mẹ ruột của mình.
Cuộc sống mới đầy yêu thương
Trước khi hai bé Lan Anh (con ruột chị Liên) và Ngọc Yến (con ruột anh Khiên) chính thức được về với ba mẹ đẻ của mình thì cả hai bên gia đình đã qua lại với nhau thường xuyên. Việc này nhằm giúp hai bé dần thích nghi với cuộc sống mới cũng như cha mẹ ruột của mình.
Bé Lan Anh (tên cũ là Ngọc Yến) sớm hòa nhập với cuộc sống ở nhà cha mẹ ruột.
Sau ngày trao đổi chính thức, hai bé đã được trở về với gia đình thực sự của mình. Tại nhà anh Khiên, cô bé Ngọc Yến vẫn được cha mẹ gọi với cái tên Lan Anh mà trước đó đã đặt cho bé gái bị trao nhầm. Vì thế, gia đình anh không phải làm lại hộ khẩu cho bé.
"Hồi chưa trao đổi chính thức, tôi hay đưa bé sang nhà chơi cho quen nhưng con hay khóc lắm, phải một thời gian mới chịu gọi hai tiếng ba mẹ.
Hai vợ chồng hạnh phúc lắm. Giờ về ở hẳn với ba mẹ ruột, bé không hề bỡ ngỡ, chịu gọi ba mẹ. Giờ ai hỏi bé tên gì thì cũng nói tên Lan Anh", anh Khiên chia sẻ.
Trong vòng tay đầy yêu thương của cha mẹ, bé Lan Anh không có cảm giác xa lạ. Bé được mẹ dạy học, chiều chiều ông bà ngoại hay dẫn đi chơi cho quen hàng xóm láng giềng. Ở nhà, cô chị ruột cũng quý mến, hay đùa nghịch với người em đã xa cách 3 năm nay.
Chị Trang tâm sự : "Tôi có cảm giác như được làm mẹ thêm lần nữa vậy. Giờ tôi chỉ tập trung thời gian chăm sóc cho bé mập thêm xíu chứ nhìn bé gầy tôi xót lắm". Trước đó, khi còn ở nhà cũ, do cuộc sống thiếu thốn nên bé Lan Anh bị suy dinh dưỡng nặng.
"Hồi nhận cháu về, cô bé dặt dẹo chỉ nặng có 10 ký. Hai vợ chồng mang xuống bệnh viện Nhi đồng khám, bác sĩ nói bị suy dinh dưỡng với còi xương, phải chăm sóc theo chế độ đặc biệt. Mới hôm rồi, bé bị sốt dữ quá nên tôi phải nghỉ làm ở nhà chăm sóc", anh Khiên nói.
Anh chị chia sẻ, anh Khiên làm nghề xây dựng, 3 tháng trước khi biết đã nuôi nhầm con, anh phải bỏ hết công việc nhưng hiện tại cũng đã xuống TP.HCM đi làm lại. Riêng chị Trang, cũng tạm nghỉ việc bán đồ ăn sáng để tập trung chăm sóc bé Lan Anh phát triển.
Còn với trường hợp của bé Ngọc Yến (bé bị trao nhầm còn lại), do chuyển từ cuộc sống ở phố thị vào bản làng nên bé thích nghi hơi chậm. Để giúp bé làm quen, chị Liên thường gọi các anh chị con chú bác đến nhà chơi cùng với Yến.
"Hồi mới về bé hay buồn khóc vì không có bạn chơi nhưng giờ cũng quen rồi. Tôi thương bé lắm nhưng gia đình bên này khó khăn, tôi lại sắp đẻ nên cũng không thể chăm sóc bé được kĩ lưỡng.
Được cái bé cũng quấn mẹ, mình mà gọi tên Lan Anh là bé không chịu, chỉ thích dược gọi là Ngọc Yến", chị Thị Liên tâm sự.
Và để giúp bé Yến sớm thích nghi, chị Trang cũng thường chạy xe vào trong bản để thăm lại đứa con chăm sóc ba năm. Mỗi lần đến, chị Trang đều mang quà bánh cho bé nhưng không dám thăm nhiều, sợ bé quyến luyến, không nỡ rời xa.
Một gia đình bất ngờ nhận nuôi bé trao nhầm
Chỉ vừa đổi con được gần 2 tuần thì anh Khiên bất ngờ sang nhà chị Liên xin nhận nuôi cả bé mà mình trao nhầm. Sau lời đề nghị ấy, phía gia đình chị Liên cũng nhanh chóng đồng ý.
Giải thích về điều này, anh Khiên nói : "Dù không phải con mình đẻ ra nhưng chúng tôi luôn thương yêu như con ruột, dù gì cũng hơn 3 năm nuôi nấng, biết bao nhiêu là tình cảm dành cho bé. Thấy bé về nhà mẹ ruột mình cũng vui nhưng nhìn bé sút ký, cuộc sống thiếu thốn nên xót lắm, chỉ muốn nhận về nuôi tiếp".
Theo anh Khiên, do ở trong bản, gia đình chị Liên khá nghèo, năm học mới sắp đến anh sợ bé không được đi học đầy đủ. Bản thân chị Liên lại sắp đẻ nên càng khó chăm sóc bé Ngọc Yến.
"Tôi và vợ cuộc sống cũng không khá giả nhưng vẫn muốn lo cho bé được đủ đầy nên mới đón về. Cô bé đã ở nhà được gần 1 tuần nay và đang làm thủ tục nhập hộ khẩu để còn xin đi học", anh Khiên nói.
Trong khi đó, chị Liên sau khi bàn bạc với gia đình cũng đồng ý với đề nghị trên. Chị giải thích : "Không phải em không thương con nhưng mà nhà em có 5 người mà chẳng ai đi làm, chồng thì làm xa nên nghèo lắm.
Em thì vài ngày nữa là sinh đứa thứ 2 nên càng khó chăm bé được. Để bé qua bên ấy thì điều kiện sẽ tốt hơn".
Chị Liên dự tính sau khi sinh một thời gian sẽ kiếm việc làm. Trước đó chị đi làm công nhân ở Bình Dương. Đến khi công việc ổn định thì sẽ qua đón bé về.
"Trước mắt để bé sang ấy thì sẽ đi học đầy đủ hơn, đến ngày cuối tuần thì cho bé sang đây. Rồi khi nào em ổn định lại đón bé về", người mẹ nói.
Bản thân hai vợ chồng anh Khiên, chị Trang cho biết, cũng sẵn sàng tạo điều kiện để chị Liên có thể đón bé về nuôi bất cứ khi nào.
Chị Trang nói : "Giờ cả hai bên gia đình đều coi hai bé là con một nhà rồi. Mình thương bé Yến nên đón về nuôi chứ bé vẫn là con ruột chị Liên, khi nào chị ấy ổn định thì nhận lại cũng được".
Trước đó, vào năm 2013, chị Trang với chị Liên sinh hai bé gái cùng ngày cùng giờ tại bệnh viện Đa khoa Bình Long và bị trao nhầm con.
Sau ba năm nuôi nấng, thấy con không giống cha mẹ nên anh Khiên sinh nghi. Đến tháng 5/2016, bố vợ anh Khiên tình cờ thấy con gái của người quen cách nhà 5km rất giống anh Khiên nên thuyết phục hai vợ chồng mang con đi xét nghiệm ADN.
Kết quả ADN cho ra hai cha con anh không cùng huyết thống. Hai vợ chồng liền khiếu nại bệnh viện, đồng thời xét nghiệm ADN cháu cùng với con của gia đình anh Tuấn, mới biết hai bên bị trao con suốt 3 năm qua.
Về bồi thường, ông Hoàng Văn Thanh (giám đốc bệnh việnđa khoa Bình Long) đã đưa ra lời xin lỗi chân thành đến 2 gia đình, đồng thời đưa ra mức hỗ trợ về tinh thần 20 triệu đồng cho mỗi gia đình (tương đương 10 tháng lương cơ bản và 8 triệu đồng trích từ bệnh viện). Tuy nhiên, đến nay hai gia đình vẫn chưa chấp nhận mức bồi thường trên.